Liên quan việc bác sỹ Bệnh viện Xanh Pôn bị côn đồ đánh đập, ngày 19/4, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, hành vi đánh bác sỹ của Trương Văn Thanh (SN 1986, quê quán An Hải, Hải Phòng) là hành vi vi phạm pháp luật.
Tuỳ theo mức độ tổn hại sức khỏe của bác sỹ mà người có hành vi vi phạm bị xử phạt hành chính hay bị xử lý hình sự.
Luật sư Ứng phân tích, qua hình ảnh trong đoạn clip có thể thấy Thanh dùng tay không để đấm, tát... bác sỹ, nhưng đây là hành vi cố ý gây thương tích cho người chữa bệnh cho mình nên đã vi phạm quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.
Video: Bác sỹ bị đánh tại BV Xanh Pôn vẫn đang hoảng loạn, phải nghỉ việc
Trường hợp nếu bác sỹ bị hành hung được giám định tổn hại sức khỏe dưới 11% thì Thanh vẫn bị khởi tố về tội “Cố ý gây thương tích" quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, mức phạt có thể từ 6 tháng đến 3 năm tù. Tuy nhiên, trường hợp muốn truy tố người hành hung bác sỹ thì người bị hại phải có yêu cầu xử lý hình sự.
Trường hợp giám định mà tổn hại sức khỏe của bác sỹ trên 11% thì Thanh sẽ bị xử lý theo khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, mức phạt có thể từ 2 đến 6 năm tù, không phụ thuộc vào việc người bị hại có yêu cầu xử lý hình sự hay không.
“Do hiện nay xảy ra nhiều vụ phạm tội với bác sỹ nên Bộ luật hình sự 2015 đã kịp thời bổ xung thêm hành vi phạm tội với người chữa bệnh cho mình. Bên cạnh đó, gần đây tình trạng các bác sỹ, nhân viên y tế ở các bệnh viện liên tục bị hành hung do nhiều nguyên nhân khác nhau đã gây hoang mang, lo sợ cho họ. Việc bảo đảm an toàn cho các bác sỹ để họ yên tâm chữa bệnh, cứu người là điều cần thiết” – luật sư Ứng nói.
Luật sư Ứng cho rằng, việc Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị lập chốt công an ở ngay các bệnh viện là rất đúng. Nếu làm được thì quá tốt, tuy nhiên để thực hiện việc này sẽ kéo theo rất nhiều vấn đề.
“Trên cả nước hiện có rất nhiều bệnh viện từ trung ương đến huyện, rồi các bệnh viện công. Vậy vấn đề đặt ra là bệnh viện loại nào được lập chốt, lập trạm và loại nào không được lập.
Bên cạnh đó, việc bố trí lực lượng công an ra sao, có làm biên chế phình lên hay cắt chuyển từ bộ phận này sang bộ phận khác…? Việc này cần phải bàn tính cẩn thận chứ không phải cứ muốn mà làm được ngay” – luật sư Ứng chia sẻ.
Luật sư Ứng cho rằng phải thừa nhận một thực tế hiện nay vẫn có những cán bộ, nhân viên y tế, bác sỹ khi khám chữa bệnh còn có nhưng biểu hiện tiêu cực, hành động, lời nói thiếu chuẩn mực gây bức xúc cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân.
Tuy nhiên, cho dù với bất cứ lý do gì thì hành vi đánh đập, tấn công người đang khám chữa bệnh cho mình là không thể biện minh, không thể chấp nhận được.
“Không ai có quyền cưỡi lên pháp luật để tự mình hành xử với người khác, hành vi này là vi phạm pháp luật và phải bị xử lý một cách nghiêm minh nhất” – luật sư Ứng nhấn mạnh.
Qua những vụ việc hành hung bác sĩ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành y, luật sư Bùi Đình Ứng cũng nêu một số đề xuất về việc bảo vệ các y bác sỹ khỏi những hành vi nguy hiểm này.
Thứ nhất, theo luật sư Ứng, trước mắt các bệnh viện phải có tổ chức các biện pháp bảo vệ cho mình như chuẩn hoá lực lượng bảo vệ về sức khỏe, trình độ pháp luật; biết ứng phó, xử lý các tình huống gây rối, đánh nhau trong bệnh viện nói chung, đánh bác sỹ nói riêng.
Các bệnh viện nếu không tự tổ chức được thì ký hợp đồng thuê các đơn vị bảo vệ chuyên nghiệp đảm bảo công tác an ninh.
Thứ hai, các bệnh viện cần nối đường dây báo động khẩn cấp tới các lực lượng phản ứng nhanh như: Cảnh sát 113, công an phường, công an quận…
Thứ ba, ngành công an cần xác định bệnh viện là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự để từ đó bố trí trinh sát hình sự thường xuyên bám sát địa bàn bệnh viện để có thể xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.
Cuối cùng, khi có hành vi vi phạm xảy ra, các cơ quan chức năng phải kiên quyết xử lý nghiêm minh, nhanh chóng, triệt để mới có tác dụng răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Video: Tâm sự ứa nước mắt của bác sỹ bị hành hung
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:
a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
Bình luận