• Zalo

Bác sỹ cảnh báo cách chăm sóc trẻ em mùa nắng nóng đỉnh điểm

Sức khỏeThứ Bảy, 03/06/2017 12:25:00 +07:00Google News

Thời điểm nắng nóng đỉnh điểm là cơ hội để những bệnh mùa hè có dịp sinh sôi nảy nở, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người, đặc biệt là trẻ em.

Trong những ngày gần đây, Hà Nội đang phải trải qua một đợt nắng nóngkhủng khiếp, đỉnh điểm có lúc nhiệt độ ngoài trời lên tới 39 - 40 độ C. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân mà còn ảnh hưởng tới những bệnh nhân đang khám chữa bệnh tại các bệnh viện.

Thời điểm nắng nóng cũng là lúc nhiều căn bệnh do virus, vi khuẩn bùng phát như nhiễm trùng hô hấp, nhiễm trùng ngoài da và nhiễm trùng đường tiêu hóa, đặc biệt là với những bệnh nhi sức đề kháng còn yếu.

Hằng ngày, Bệnh viện Nhi Trung ương đang phải đón tiếp tới khoảng 2.500 - 3.000 bệnh nhi tới khám. Tuy nhiên, theo TS.BS Nguyễn Thị Út, Phó khoa Khám bệnh, hiện tại vẫn chưa có những đột biến về số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện do các bệnh gia tăng khi nắng nóng. Số lượng bệnh nhân tuy đông nhưng vẫn là con số ổn định của viện.

f8d5ff9cf1ad1cf345bc

  Cảnh tượng quen thuộc của hành lang bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: Nguyên Hoàng)

Bệnh nhi chủ yếu được gia đình đưa đến khám vào đầu tuần. Đôi khi, do thời tiết quá nắng nóng, nhiều gia đình cũng hạn chế đưa con đến khám ở viện, nếu bệnh nhẹ vì do lo rằng, đi lại trời quá nắng nóng có thể khiến con trẻ bị ốm nhiều hơn.

Theo TS.BS Út, những bệnh xuất hiện khi trời nắng nóng chủ yếu là bệnh về đường hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, sốt virus, cảm cúm, cúm A, cúm B…, nhiễm trùng tai mũi họng, nhiễm trùng đường hô trên, nhiễm trùng đường hô hấp dưới cùng các bệnh về tiêu hóa như ngộ độc thức ăn, tiêu chảy cấp nhiễm khuẩn, lỵ, thương hàn…

78a896c598f475aa2ce5 5

Bác sĩ đang khám cho một bệnh nhi. (Ảnh: Nguyên Hoàng)

Trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn do chế độ ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh, ăn thức ăn để lâu, thức ăn đường phố.

Phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh, TS.BS Út khuyên: “Thời gian từ 11 giờ trưa đến 15 giờ chiều là thời điểm nắng nóng đỉnh điểm, tốt nhất không nên cho trẻ ra ngoài trời nắng quá lâu.

Nên để trẻ ở trong phòng thoáng mát, mặc quần áo dễ thấm mồ hôi, cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả để bổ sung vitamin và tăng sức đề kháng cho trẻ; vệ sinh sạch sẽ thân thể cho trẻ, rửa tay xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, ăn chín uống sôi, hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn chế biến ngoài phố, không nên ăn đồ ăn để trong tủ lạnh quá lâu”.

Video: Nắng nóng khiến việc vận chuyển bệnh nhân gặp nhiều khó khăn

Rất nhiều gia đình có thói quen cho trẻ ở trong phòng máy lạnh để tránh thời tiết oi nóng, khiến trẻ dễ bị cảm lạnh hoặc nhiễm virus nếu thay đổi môi trường liên tục từ phòng lạnh sang phòng nóng. Vì thế, TS.BS Út khuyên rằng, nên hạn chế cho trẻ thay đổi môi trường đột ngột từ môi trường lạnh sang nóng hơn và ngược lại. 

Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, tốt nhất nên cho bú sữa mẹ hoàn toàn. Những bà mẹ cho con bú hay người chăm trẻ nên rửa tay xà phòng trước khi cho trẻ ăn cũng như trước khi chuẩn bị đồ ăn cho trẻ, sau khi trẻ đi ngoài để tránh việc virus, vi khuẩn qua đó tiếp cận, lây nhiễm vào cơ thể trẻ nhỏ.

Trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ. Nếu thấy trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục, ho nhiều, khò khè, thở nhanh, bú kém, nôn, đi ngoài phân lỏng, phân có nhầy máu, mệt mỏi, gia đình nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị, không nên tự ý mua thuốc ở ngoài, nên có sự tư vấn của bác sĩ để có thể điều trị bệnh tốt nhất cho trẻ.

Nguyên Hoàng
Chuyên đề: Nắng nóng 2018
Bình luận
vtcnews.vn