Sáng 3/6, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp, hợp tác xã năm 2023 với chủ đề “Sẵn sàng cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển”. Hội nghị có sự tham gia của gần 250 đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn khẳng định Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp, hợp tác xã là Hội nghị thường niên, là dịp để lắng nghe tiếng nói thẳng thắn từ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh để các cấp chính quyền tỉnh nhìn nhận thực tiễn các vấn đề đang đặt ra, tháo gỡ các điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả quản trị địa phương, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng phát triển.
Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn cho biết, bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2023, cùng với cả nước, Bắc Ninh gặp phải không ít khó khăn, thách thức.
Tình hình kinh tế thế giới và trong nước ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh tăng trưởng âm; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 19%, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 23,7% so cùng kỳ năm 2022.
Từ đầu năm 2023, toàn tỉnh có 127 doanh nghiệp giải thể tự nguyện (tăng 7,63% so với cùng kỳ 2022) và 202 đơn vị trực thuộc (tăng 85,32% so với cùng kỳ 2022), 995 doanh nghiệp (tăng 26,27% so với cùng kỳ 2022) đăng ký tạm ngừng hoạt động do gặp phải nhiều khó khăn.
Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2023 thể hiện sự cầu thị, sẵn sàng lắng nghe những đề xuất, kiến nghị, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng từ cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để tỉnh có thể đưa ra những quyết sách kịp thời, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, giải pháp đổi mới, cải cách phù hợp với thực tiễn, hướng tới xây dựng chính quyền kiến tạo phát triển và phục vụ.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị sau khi nhận được kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cần trả lời thẳng vào vấn đề, ngắn gọn, dễ hiểu, trọng tâm, trọng điểm. Đối với những kiến nghị chưa thể trả lời ngay tại Hội nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị trả lời bằng văn bản, giải quyết dứt điểm.
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đối thoại với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Sở, ban, ngành, địa phương đến các lĩnh vực đầu tư; đất đai, môi trường; quy hoạch, xây dựng; lao động, y tế; an ninh, an toàn.
Ông Nguyễn Nhân Phượng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh cho biết: Hiện nay giá nguyên vật liệu đầu vào cao, doanh nghiệp thực hiện các dự án thua lỗ, vì vậy, ông đề nghị UBND tỉnh có quy định về bù giá và thông báo giá cho phù hợp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp; khi doanh nghiệp hoàn thành các dự án, công trình đã được nghiệm thu đề nghị được thanh toán kịp thời.
Bên cạnh đó, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư nhanh chóng giải phóng mặt bằng với các cụm công nghiệp đã được quy hoạch để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thuê đất có mặt bằng phát triển sản xuất kinh doanh; Ngân hàng hỗ trợ và giảm lãi suất tiền vay cho các doanh nghiệp trên địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện linh hoạt các thủ tục cho doanh nghiệp được vay vốn để ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh…
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả an toàn thôn Liên Ấp, huyện Tiên Du cho biết hiện nay quy mô sản xuất hiện tại của hợp tác xã là 20 ha, dự kiến tiếp tục tăng quy mô lên hơn 30 ha. Hiện nay, hợp tác xã và thành viên hợp tác xã vay vốn sản xuất thời hạn 2 năm.
Tuy nhiên, thời gian này chưa đủ để sử dụng hiệu quả đồng vốn. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã và các thành viên yên tâm ổn định sản xuất và mở rộng quy mô, hợp tác xã kiến nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh kéo dài thời gian vay vốn 5 năm, tăng hạn mức vay vốn với ưu đãi lãi suất; Có giải pháp, cơ chế phù hợp về sử dụng đất để xây dựng trụ sở hợp tác xã, khu sơ chế sản phẩm, nhà lạnh, kho bảo quản sản phẩm.
Kết luận tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh qua nghe những ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, tỉnh càng thấy rõ hơn những khó khăn cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh gặp phải.
Khẳng định lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh luôn coi khó khăn của doanh nghiệp và khó khăn chung của tỉnh, cần giải quyết, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tuyên truyền, công khai phần mềm tiếp nhận, phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, hàng tháng tổng hợp kết quả, giải quyết các kiến nghị; Ban Cán sự Đảng ủy ban nghiên cứu, rà soát quy chế làm việc, thực hiện cải cách hành chính thực hiện đúng, đủ các nội dung cam kết với doanh nghiệp theo tinh thần “nói thật, làm thật và mang lại hiệu quả thật”.
Cùng với đó, cần tiếp tục nâng cao năng lực nội sinh cho doanh nghiệp; Hiệp hội doanh nghiệp cần quan tâm kết nối chuỗi giá trị của doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI…
Với phương châm “chính quyền thấu hiểu, đồng hành, kiến tạo bứt phá", tại hội nghị, tỉnh Bắc Ninh công bố Quyết định và ra mắt 5 tổ chuyên gia gỡ khó gồm: Tổ Quy hoạch – Xây dựng; Tổ đất đai – Môi trường; Tổ Đầu tư; Tổ lao động và Tổ an ninh, an toàn; hoạt động với phương châm “Chính quyền thấu hiểu, đồng hành, kiến tạo bứt phá”.
Bình luận