Cuối giờ chiều Ba mươi tháng Chạp năm Bính Thân, tức ngày 30/1/1957, cách đây hơn 60 năm.
Trời mùa đông chóng tối. Khi Bác Hồ từ Phòng khách Phủ Chủ tịch bước xuống sân, ánh sáng ban ngày còn hửng, vậy mà vừa đến bãi Nghĩa Dũng bên bờ sông Hồng đêm đã tối mịt. Thành phố Hà Nội “đã lên đèn”.
Tôi bắt chước các nhà văn viết vậy cho “văn hoa”, chứ thực ra trong khu nhà cấp 4 mới dựng dành cho công nhân Nhà máy đèn Yên Phụ và Nhà máy điện Bờ Hồ, các bóng điện công suất nhỏ, không có chao, bắt trên ngọn các cột gỗ thông dẫn vào khu tập thể, vào giờ cao điểm chẳng sáng hơn những ngọn đèn dầu lạc là bao, có tác dụng chỉ lối đi hơn là soi tỏ mặt đường.
Chiếc xe con dừng lại, cụ già trong bộ áo kaki màu sáng quen thuộc bước xuống, mọi người còn ngỡ ngàng, các em thiếu nhi đã reo lên: “Bác Hồ! Bác Hồ!”.
Hầu hết các gia đình trong khu lao động đang chuẩn bị bữa cơm tất niên cùng nhao ra đường, đang nhốn nháo hỏi nhau: “Bác Hồ có khỏe không? Bác khỏe không?” thì Hồ Chủ tịch đã thoăn thoắt bước vào bên trong khuôn viên khu nhà tập thể.
Mấy em bé trèo lên ngọn một cây to trước cổng khu tập thể phía ngoài bờ rào nhìn vào, trả lời các cô các bác: “Bác khỏe lắm ạ. Bác đi nhanh lắm ạ. Bác đã vào trong nhà rồi ạ”.
Gia đình Bác Hồ thăm đầu tiên đang quây quần quanh mâm cơm cuối năm đặt trên chiếc chiếu trải sát mặt nền. Trong khi mọi người hết sức ngạc nhiên chạy ra đón Bác, chị chủ nhà đẩy vội các bát đĩa thức ăn dở vào giữa mâm cho gọn rồi bưng mâm chạy ù xuống bếp.
Hồ Chủ tịch nhìn lên bàn thờ của gia đình lúc này nghi ngút khói hương, ngắm mâm ngũ quả, mấy đĩa bánh mứt, tỏ vẻ hài lòng. Bác quay lại hỏi chị chủ nhà:
- Cho Bác vào bếp, được không?
Trên cái bếp nhà anh thợ điện, nồi bánh chưng đang sôi. Dọc con sào gác trên cao, lủng lẳng mấy xâu thịt bò, thịt lợn mới mổ cùng vài chùm bánh chưng.
“Đấy là phần được tập thể chia cho. Còn nồi bánh chưng kia, nhà cháu làm thêm cho các cháu nhỏ thoải mái một chút trong mấy ngày nghỉ” – anh chủ nhà chắp tay trình với Bác.
Hồ Chủ tịch lần lượt thăm năm căn hộ liền kề: sau anh Táo là nhà ông Thẩm công nhân điện, nhà anh Khánh chuyên làm thợ đốt lò, nhà chị Huệ nhân viên tạp vụ, nhà bác Vân trước cũng làm ở Nhà máy điện Bờ Hồ nay vừa nghỉ hưu.
Anh Tổ trưởng công đoàn không rõ từ đâu vừa chạy tới, hai tay bưng chiếc ghế gỗ đặt chính giữa căn nhà mời Bác ngồi nhưng Bác Hồ vẫn đứng nói chuyện với công nhân. Mọi người hào hứng tranh nhau trả lời những câu Bác hỏi.
Mới Tết năm ngoái đây thôi, không ít gia đình còn phải chen chúc trong gian nhà lá hẹp thuê ở mãi Ô Chợ Dừa hoặc tận cuối phố Bạch Mai…, nay đều được quây quần về đây, gia đình nào cũng có phòng ốc đàng hoàng, không phải trả tiền thuê nhà.
Điện mới bắt xong đường dây, chưa nghe Công đoàn cho biết rồi đây tiền điện mỗi nhà một tháng phải trả mất bao nhiêu. Giáp Tết, Công đoàn có mổ bò, mổ lợn, nấu bánh chưng bán lại cho anh em với giá rẻ, mỗi nhà mua nhiều hay ít tùy thuộc số nhân khẩu trong gia đình. Dù vậy, nhà nào cần, có thể xin mua thêm. Năm nay không nhà người thợ nào là không có Tết…
Nghe đến đấy, Bác Hồ có vẻ vui. Ngoài sân, lúc này gần như tất cả mọi người trong khu lao động đã chạy tới chen lấn nhau chờ đón Bác. Bác Hồ bước ra khỏi nhà, đứng trên bậc hiên cao để cho mọi người cùng nhìn thấy.
Bác nói: “Thay mặt Trung ương và Chính phủ, tôi chúc Tết tất cả bà con, đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, cố gắng thi đua và thực hành tiết kiệm, vui vẻ, mạnh khỏe, năm mới tiến bộ mới”.
Bác dặn các em thiếu nhi: “Các cháu phải chăm học, kính thầy cô giáo, vâng lời bố mẹ, anh chị, thương yêu nhau, ăn ở sạch sẽ”, rồi tự tay chia cho mỗi cháu một cái kẹo, miệng cười vui: “Quà Tết của Bác Hồ đây!”
Theo chương trình, tối nay ba mươi tháng Chạp Bính Thân, Bác còn đi thăm và chúc Tết một số nơi nữa, rồi trở về Phủ Chủ tịch kịp dự buổi trình diễn ra mắt của một đoàn nghệ thuật nước ngoài sang thăm nước ta cho mãi tới gần nửa đêm…
… Sáng sớm hôm sau, mùng một Tết Đinh Dậu, theo lời dặn, tôi đạp xe đến Phủ Chủ tịch thật sớm. Anh Vũ Kỳ, thư ký của Bác mời vào phòng tầng trệt cùng mấy anh em sẽ đi theo phục vụ Bác Hồ sáng nay uống chén trà, nhắm lát mứt mừng nhau năm mới, rồi ra sân chờ.
Đúng sáu giờ, Bác Hồ bước lên xe. Đoàn xe của Chủ tịch nước chỉ có hai chiếc. Sau xe của Bác, giản dị như mọi xe chở cán bộ cao cấp thời bấy giờ, chúng tôi ngồi chen nhau trên chiếc “com măng ca” (xe dã chiến hai cầu). Theo chương trình, sáng nay Bác đi thăm và chúc Tết khá nhiều nơi: nông dân, bộ đội, cán bộ miền Nam tập kết, Trường Nhi đồng miền Nam, Trại trẻ Kim Đồng nơi nuôi dạy các trẻ lang thang cơ nhỡ…
Sau khi hoàn tất chương trình thì đã gần trưa. Trên đường trở về nội thành, lúc đoàn đi ngang qua trước công trường xây dựng nhà máy trung quy mô (1), Bác Hồ bảo, cho Bác ghé vào thăm công nhân.
Việc này ngoài dự kiến, không có trong chương trình, mọi người hơi bất ngờ. Trong công trường sáng mùng Một Tết hơi vắng. Hầu hết công nhân xây dựng, phần lớn là thanh niên xung phong chuyển ngành, được mấy ngày nghỉ Tết đã về thăm quê gần hết.
Chỉ còn lại một số người, gia đình sống ở các tỉnh quá xa Hà Nội và các anh em cán bộ, công nhân miền Nam tập kết.
Trong các lán trại, đây đó một số người tụ tập nơi này uống trà, nơi kia đánh cờ tướng, một số nằm dài trên chiếc giường gỗ tạp chờ đến bữa cơm trưa. Bác Hồ lẳng lặng đi ngang qua, nhìn mấy dãy lán rồi thẳng xuống khu nhà bếp.
Hầu hết các lò bếp sáng nay lạnh tanh, mỗi một nơi duy nhất là đỏ lửa. Trên bếp, một nồi cơm to sắp chín, bên cạnh là cái chảo lớn nấu thức ăn đang bốc hơi.
Bác Hồ bảo chị bếp mở nắp chảo cho Bác nhìn. Chị trưởng bếp vội thưa: “Công nhân về quê gần hết, còn lại công trường có mấy chục người, cho nên sáng nay chị em chúng cháu chỉ đun có mỗi một bếp này”.
Trong chảo là món thịt bò hầm với khoai tây, hành, cà rốt, su hào… Đó là món “chủ lực”, nói theo lời chị bếp trưởng. Ngoài ra, anh em còn có bắp cải tươi luộc, dưa hành, củ kiệu dùng với thịt lợn kho đông lạnh và bánh chưng…
- Trời ấm thế này, thịt kho đông có giữ được không? – Bác hỏi.
Được Bác Hồ trực tiếp hỏi chuyện, các chị cấp dưỡng vui mừng hớn hở lắm.
- Dạ, thưa Bác chúng cháu biết cách giữ ạ.
Bác hỏi tiếp:
- Hôm nay Tết, anh em được mấy bữa “tươi”, còn ngày thường thế nào?
Đến lượt các chị đầu bếp nhìn nhau lúng túng: “Dạ, dạ thưa Bác, chúng cháu làm đúng theo tiêu chuẩn ạ”.
1957
"Bác Hồ - Người có nhiều duyên nợ với báo chí" của Nhà báo lão thành Phan Quang, tập hợp hơn 30 bài báo, bài viết của tác giả ghi lại những kỷ niệm trong những lần vinh dự được gặp, được phục vụ Bác Hồ và những cảm nhận về những lời dạy của Bác Hồ với báo chí Cách mạng Việt Nam do đích thân Người sáng lập.
---
(1) Sau khi hoàn thành việc xây lắp, đặt tên là Nhà máy cơ khí Quang Trung.
Bình luận