• Zalo

Bác đề xuất tự phá dỡ phần vi phạm của chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực

Bất động sảnThứ Tư, 13/05/2020 17:59:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Công ty CP May Lê Trực đề nghị tự khắc phục phần vi phạm tại công trình 8B Lê Trực trong trường hợp nếu phải phá dỡ.

Liên quan đến việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng giai đoạn 2 tại dự án 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình), mới đây Công ty CP May Lê Trực có đơn kiến nghị Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND quận Ba Đình dừng thực hiện việc cưỡng chế phá dỡ tầng 18 để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình, quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.

Trong trường hợp nếu tiếp tục phải thực hiện phá dỡ, Công ty CP May Lê Trực đề nghị được tự khắc phục phần vi phạm tại công trình 8B Lê Trực theo phương án phá dỡ do Công ty TNHH tư vấn Đại học xây dựng lập tháng 1/2019 nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng cho công trình, giảm chi phí thiệt hại do phá dỡ cho chủ đầu tư.

Thời gian tháo dỡ dự kiến từ ngày 7/5/2020 đến 7/10/2020.

Bác đề xuất tự phá dỡ phần vi phạm của chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực  - 1

Văn phòng Chính phủ yêu cầu giải quyết dứt điểm dự án 8B Lê Trực.

Phản hồi đề xuất trên, quận Ba Đình cho biết, giữa tháng 2/2019, chủ đầu tư báo cáo Sở Xây dựng về phương án phá dỡ giai đoạn 2 công trình 8B Lê Trực. Tuy nhiên, Sở Xây dựng cho rằng thiết kế phương án còn sơ sài, chưa rõ phương án gia cố cột, phương án gia cố móng cho các cột dự kiến bổ sung; khái toán chi phí chưa phù hợp và chưa thực hiện theo các quy định của Nhà nước.

Sở Xây dựng cũng hướng dẫn chủ đầu tư hoàn chỉnh phương án, thuê đơn vị tư vấn độc lập để thẩm tra thiết kế, dự toán và phê duyệt phương án thực hiện. Nhưng đến nay, chủ đầu tư chưa thực hiện các nội dung này nên chưa đủ điều kiện để thi công phá dỡ như đề nghị của Công ty cổ phần may Lê Trực.

Theo phương án tổ chức tháo dỡ giai đoạn 2 dự án 8B Lê Trực dự kiến bắt đầu từ ngày 15/5, lực lượng chức năng sẽ phá dỡ vách kính mặt tiền; thiết bị điện, nước, nội thất; tường gạch; tháo dỡ sàn bê tông cốt thép. Riêng hệ khung, cột dầm tầng 18, chưa bị phá đợt này do thiết kế phức tạp và quận chưa tìm được đơn vị tư vấn.

Việc cưỡng chế tháo dỡ tầng 18 toà nhà 8B Lê Trực mất khoảng 4 tháng. Sau đó, các đơn vị chức năng sẽ đánh giá mức độ an toàn của công trình để xem xét phương án phá dỡ tầng 17. Tổng chi phí dự kiến cho việc cưỡng chế giai đoạn 2 khoảng 17 tỷ đồng.

UBND quận Ba Đình khẳng định phương án, giải pháp tháo dỡ, phá dỡ đã được Sở Xây dựng chấp thuận và UBND quận phê duyệt. UBND phường Điện Biên đã niêm yết công khai toàn bộ các văn bản này tại hiện trường xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Ngày 22/4, để chuẩn bị cho việc cưỡng chế giai đoạn 2, quận Ba Đình  rào chắn một đoạn đường Trần Phú, tập kết máy móc thiết bị và cẩu tháp. Hai tuần sau, quận đã cưỡng chế mở khóa cửa các căn hộ tầng 18, kiểm đếm tài sản để di dời, bàn giao mặt bằng cho đơn vị phá dỡ.

Theo kết luận kiểm tra của TP Hà Nội từ năm 2015, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm. Công trình được cấp phép xây dựng cao 53 m nhưng chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, nhưng chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2.

Tháng 11/2015, TP Hà Nội bắt đầu phá dỡ phần sai phạm tại dự án này, gần một năm sau thì hoàn thành giai đoạn một. Cuối năm 2019, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu TP Hà Nội tập trung xử lý dứt điểm vi phạm tại nhà 8B Lê Trực để "đảm bảo kỷ cương, pháp luật", đồng thời nêu rõ việc xử lý phải đảm bảo an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.

 

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn