• Zalo

Bà nội ngôi sao gốc Việt ở tuyển Pháp và nỗi khắc khoải xa xứ

Thể thaoChủ Nhật, 29/01/2017 19:30:00 +07:00Google News

Yohan Cabaye là tiền vệ rất nổi tiếng của ĐT Pháp, và được nhiều người Việt quan tâm bởi anh có bà nội là người gốc… Hải Phòng.

Từng có rất nhiều tranh cãi: bà của Cabaye là bà nội hay bà ngoại, hay thậm chí chỉ là bà... nhận vơ kiểu thấy sang bắt quàng làm họ? Và để tìm câu trả lời chuẩn xác, nhân chuyến đi tác nghiệp tại EURO 2016, phóng viên báo Bóng đá đã tìm về tận nhà của gia đình Cabaye ở Tourcoing và Roncq…

Ngay từ khi còn ở Việt Nam, tôi đã chuẩn bị rất kỹ cho hành trình đặc biệt và hứa hẹn nhiều... hên xui này. Hên vì từ khi ở Hà Nội, nhờ vả hỏi han đủ các mối quan hệ, tôi đã có địa chỉ gia đình Cabaye ở Pháp. Nhưng có thể xui vì đường xa vạn dặm, muôn sự khó lường, biết mình có đến đích được hay không. Nhưng đã quyết thì phải làm, nói như ngôn ngữ facebook thời nay thì “mình thích thì mình làm thôi”.

anh_phu_1_cabaye_oslu

 Tác giả và bố Yohan Cabaye, ông Didier

Vì thế, vừa đặt chân tới Pháp, tôi liền bắt tàu siêu tốc TGV từ Paris đi Lille. Nhà của bố mẹ Cabaye thuộc khu phố Roch (vùng Roncq, miền Bắc nước Pháp), ven thành phố Lille, cách trung tâm khoảng 40 phút đi xe bus. Nơi đây rất thanh bình, yên ả.

Có sẵn địa chỉ trong tay, tôi đi bộ từ bến xe bus để tìm đến số nhà 16, phố Saint Roch, nhà của cha mẹ Cabaye, ông Didier và bà Louisa. Đó là một căn nhà bình thường nằm trong một con phố nhỏ cổ kính. Háo hức là thế, nhưng thú thực, sau khi bấm chuông, tôi mới lo lắng không biết ông Didier có chịu đón tiếp mình không.

Và thực tế, nhìn thấy tôi ông đã từ chối phắt đi với lý do không hẹn trước. Phải đến khi tôi nói rõ mình là một nhà báo đến từ Việt Nam và rất muốn thực hiện một phóng sự về gia đình gốc Việt của Cabaye, thì ông Didier lập tức thay đổi ngay sắc mặt. Ông mỉm cười rất tươi: “Cháu đến từ Việt Nam thật ư?”. Ngay lúc đó, tôi biết là mình đã được đón tiếp.

Ông vui vẻ trò chuyện và nói rằng, các phóng viên Pháp và nước ngoài đến đây nhiều, nhưng ông ít khi tiếp xúc với ai. Tôi là ngoại lệ. Ông nói căn nhà nơi chúng tôi đang đứng chính là nơi gia đình ông sống từ khi Cabaye 6 tuổi và chỉ cách nhà cũ ở Tourcoing chừng 2km.

Khi tôi hỏi về bà nội Cabaye và ngỏ ý muốn được trò chuyện với bà, ông ngạc nhiên thích thú: “Ồ, mẹ bác không sống ở đây. Cụ vẫn ở Tourcoing và cháu có thể đi bộ tới đó”. Tôi không dám tin ông Didier lại thân thiện đến vậy. Ông cho tôi địa chỉ cụ thể nhà bà nội Cabaye. Tôi đi bộ chừng 10 phút thì tới nơi. Lần này, tôi không ngại bấm chuông. Một phụ nữ chừng 50 tuổi ra mở cửa. Đó là Jocelyne Cabaye, cô ruột của Yohan.

anh_phu_3_cabaye_rdmg

 Ảnh bà Thoa bên hai người cháu trai cầu thủ của mình.

Thấy có khách đến chơi và lại là một nhà báo từ Việt Nam, giọng một bà cụ rất vui nói vọng ra: “Mời cô ấy vào nhà đi con!”. Tôi lại một lần nữa kinh ngạc về cách đón tiếp rất cởi mở, thân thiện và rất Việt Nam của gia đình Cabaye.

Ngôi nhà nhỏ, không nhiều đồ đạc nhưng ngăn nắp và rất gọn gàng. Chủ nhân của nó là một bà cụ rất phúc hậu. Bà tên là Mai Thị Thoa. Bà trực tiếp xác nhận: bà sinh ra tại Hải Phòng nhưng lên Hà Nội từ năm 8 tuổi.

Năm nay bà đã 86 tuổi nhưng khuôn mặt và dáng người rất thanh tao, gợi lên một vẻ đẹp sang trọng, quý phái ngày trẻ. Bà có tất cả 8 người con, 4 trai và 4 gái nhưng một người con gái đã qua đời khi còn nhỏ. Chồng bà Thoa, ông Henri Cabaye trước là lính Đông Dương, sau giải ngũ thì về kinh doanh tại quê nhà Tourcoing.

“Mẹ tôi vẫn giữ nếp sống của một người Việt. Tuy bây giờ đã già yếu nhưng vẫn thích đi dạo gần nhà và vẫn mong muốn một ngày gần nhất trở về thăm Việt Nam”, cô Jocelyne cho biết.

Tuy không nhớ chính xác nhưng bà Thoa kể rằng bà từng sống ở một khu phố gần bệnh viện Saint-Paul (Xanh Pôn, Hà Nội). Từ khi quen và lấy ông Henri, bà mới chỉ về Việt Nam hai lần. Nhưng 3 trong số 7 người con hiện tại của bà lại được sinh ra trên mảnh đất hình chữ S. Và lần gần nhất bà về thăm quê hương là năm 2013.

anh_phu_2_cabaye_mjyh

 Vợ chồng ông Henri-bà Thoa khi còn trẻ

Chúng tôi ngồi trò chuyện rất lâu. Bà Thoa không nói được nhiều tiếng Việt. Những câu đơn giản thì bà nói rõ ràng, mạch lạc. Nhưng khi nhớ về quá khứ hay nói chuyện của hiện tại, bà lại dùng tiếng Pháp hoặc để cô con gái Jocelyne kể cho tôi nghe.

Có một điều rất thú vị, đó là trong gia đình bà Thoa không ai nói được tiếng Việt nhưng hầu hết mọi người đều có thể gọi tên các món ăn bằng tiếng Việt. “Cơm, phở, bún, nem… đều được gọi bằng tiếng Việt. Mẹ tôi hay nấu các món ăn Việt cho con cháu. Cứ cuối mỗi tuần, đại gia đình tôi gần bốn chục người lại về đây sum vầy để mẹ tôi đỡ cô quạnh lúc tuổi già”, cô Jocelyne chia sẻ.

Trong số các con cháu của mình, bà Thoa yêu nhất Yohan Cabaye vì anh rất có hiếu. Bà Thoa kể, mỗi lần đi thi đấu ở bất cứ đâu, Cabaye cũng đều có quà lưu niệm về tặng bà nội. “Mẹ tôi rất yêu Yohan, một phần vì cậu ấy cũng sống tình cảm. Dù bận đến mấy, Yohan vẫn luôn dành thời gian cho những buổi sum vầy mỗi khi nó trở lại Pháp”.

anh_6_yucl

 Ảnh lưu niệm và những món quà lưu niệm mà Cabaye tặng bà nội sau mỗi chuyến đi.

Tôi không thể trò chuyện lâu hơn với mẹ con bà Thoa vì phải trở lại Paris trước khi trời tối. Trong khu phố Des Orions, hiện có một vài gia đình người Việt sinh sống. Bà Thoa rất thích gặp gỡ những người đồng hương để trò chuyện và nhớ về những kỷ niệm khi còn ở Việt Nam. Bà cũng có 2 người bạn Việt rất thân là ông bà Thảo, nhưng đã qua đời cách đây vài năm. Cô Jocelyne cho biết, chính sự ra đi của hai người bạn thân đã ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của bà Thoa.

Hiện tại, gia đình bà Thoa không còn ai sinh sống tại Việt Nam. Bố mẹ, các dì, các cậu của bà đều đã qua đời, bà chỉ còn duy nhất một người dì ruột nhưng hiện cũng tuổi cao sức yếu và đang sống tại Marseille. 

“Trước đây khi còn khỏe, cứ cuối tuần là tôi lại xuống Marseille thăm dì hoặc ngược lại. Bây giờ, hai dì cháu chỉ gọi điện cho nhau thôi. Sinh lão bệnh tử là một vòng tuần hoàn. Và bà tin vào các con cháu bà sẽ có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cháu có đến Pháp thì hãy tới thăm bà và gia đình nhé. Cháu luôn được hoanh nghênh ở gia đình ta”, bà Thoa ôm hôn tôi để chào tạm biệt.  

anh_7_vmsm

 Tác giả, bà Thoa và vợ chồng cô Jocelyne

Gần nửa năm sau EURO 2016, tôi cũng đã rời xa nước Pháp, để trở lại với công việc và cuộc sống thường ngày ở Hà Nội. Song, kể từ chuyến đi nhiều cảm xúc ấy, tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên với gia đình bà Thoa, thông qua vợ chồng cô con gái Jocelyne của bà.

Hồi tháng 9 vừa qua, bà Thoa bất ngờ bị tai biến và phải nhập viện điều trị nửa tháng. Tuy đã được xuất viện, nhưng trí nhớ của bà đã bị ảnh hưởng trầm trọng. “Mẹ tôi giờ hầu như không còn nhớ được gì. Nhưng cứ nhắc đến hai từ Việt Nam là thấy bà mỉm cười”, cô Jocelyne viết trong bức thư gửi cho tôi cách đây ít ngày.

Có lẽ giấc mơ trở về Việt Nam lần cuối với bà Thoa sẽ không thành. Nhưng tôi tin, sẽ có một ngày gia đình Cabaye sẽ về thăm mảnh đất hình chữ S, nơi sinh ra người mẹ, người bà tuyệt vời của họ.

(Nguồn: Bóng đá và cuộc sống)
Bình luận
vtcnews.vn