Trưa nắng gắt, bà Chi, cùng "đồng nghiệp" gõ cửa một gia đình trong phường. "Chúng tôi tới thu tiền ủng hộ nạn nhân chất độc da cam", bà nói với cậu thanh niên - chủ ngôi nhà.
"Bà ơi, ủng hộ là trên tinh thần tự nguyện. Bà phải nói xin tiền ủng hộ mới đúng", cậu đáp. Người phụ nữ Phó chi hội Chữ thập đỏ của khu dân cư thuộc phường Thanh Trì tái mặt, vội vàng xin lỗi. Thường xuyên phụ trách thu chi nhiều hội, nhóm, bà thừa nhận vô tình dùng sai từ.
"Cậu ấy đáng tuổi con, cháu mình nhưng góp ý rất đúng", bà nói. Sau hôm đó, bà Chi chia sẻ câu chuyện của mình ngay tại cuộc họp chi hội chữ thập đỏ của khu, làm bài học chung cho mọi người.
Từ năm 2016 đến nay, bằng cách "xin tiền" như vậy, bà đã kêu gọi quyên góp được khoảng 600 triệu đồng giúp đỡ những hoàn cảnh éo le. "Mỗi lần gặp một cảnh ngộ, tôi lại nghĩ đến cuộc sống cơ cực của gia đình năm xưa", bà trầm giọng.
Khi "cô bé Chi" vừa chào đời, người cha vẫn đang trong quân đội nên một mình mẹ phải nuôi 5 con. Không đủ ăn, người mẹ gửi mỗi đứa nhờ nhà người thân nuôi vài tháng. Mãi năm 13 tuổi, một hôm thấy một chú bộ đội đeo ba lô dừng trước cổng nhà mình, "bé Chi" gọi: "Mẹ ơi, sao chú bộ đội lại vào nhà mình?". Người mẹ nói: "Là bố của con đấy. Con gọi bố đi". Đứa trẻ òa lên nức nở, cuối cùng, cũng được bố ôm vào lòng.
Cuộc sống đói khổ, thiếu thốn nên năm học mới, ông bố phải cắt cái chăn làm vải, nhờ người may cho các con quần áo đến trường. "Những người từng trải quá khó khăn dễ đồng cảm với người khác", bà Chi nói. Khi lập gia đình, làm quản đốc một phân xưởng ở nhà máy thuỷ tinh y tế Phả Lại (Hải Dương), thấy ai cần giúp đỡ bà đều rộng lòng hỗ trợ.
Nhưng bà Chi chỉ thật sự dành hết thời gian, sức lực cho hoạt động từ thiện từ năm 2016. Lúc đó, bà về hưu đã nhiều năm, các con đều trưởng thành.
"Ánh mắt của một thiếu niên 16 tuổi đã thôi thúc tôi đi vào con đường thiện nguyện này", bà nói. Năm đó, tình cờ đi thăm người thân, bà Chi biết đến một thiếu niên mắc bệnh xương thủy tinh lại phải chạy thận nhân tạo. Thương người lạ nghèo lại bệnh nặng, bà dúi vào tay cậu 200 nghìn đồng.
"Cháu hướng đôi mắt buồn thảm, vô hồn lên nhìn tôi, mãi mới có sức nói lời cảm ơn đứt quãng", bà kể. Những lần sau đó, cứ lên thăm người nhà, bà lại cho tiền cậu thiếu niên. Nhưng lần thứ tư, những người cùng phòng bệnh nói cậu bé đã chết. "Như có gì rơi vỡ trong lòng tôi. Tôi nghĩ mình phải giúp đỡ thật nhiều đứa trẻ như vậy", người phụ nữ có mái tóc ngả bạc, nói.
Lương hưu của hai vợ chồng bà hàng tháng được hơn 10 triệu đồng, tiền con biếu, ông bà lại dành một phần cho các hoạt động như xây trường vùng cao, ủng hộ trẻ mồ côi, khuyết tật, gia đình khó khăn. Dù bản làng xa xôi ở Hà Giang, Yên Bái, bà đều đến tận nơi trao tặng. Biết sức mình không đủ, bà lên mạng xã hội kêu gọi bạn bè, người thân cùng chung tay hỗ trợ.
Năm 2018, trong vai trò cán bộ hội chữ thập đỏ, hai lần bà Chi vác loa ra chợ ngồi xin tiền giúp đỡ đồng bào lũ lụt. Trước mỗi buổi "đi xin", bà tìm đọc các tư liệu trên báo đài về thiệt hại do lũ lụt, ghi chép và biên tập lại. Có cảm hứng, nữ cán bộ chữ thập đỏ sáng tác bài thơ về tình cảnh người dân vùng bị thiên tai. Sáng hôm sau, khi chợ đông người, bà và thành viên trong chi hội ngồi ngay cổng vừa cầm mic ngâm thơ, vừa hát văn nghệ, "kể khổ".
Trưa nắng, mồ hôi ướt nhẹp mái tóc, nhưng nhóm của bà hát đến lạc giọng. Có bà lão mang 5 bó rau ra chợ, bán được hơn vài chục nghìn nhưng cũng ủng hộ đoàn "hành khất" 5 nghìn đồng khiến bà Chi càng có động lực làm việc.
"Mấy người đi chợ thấy tôi như người hát rong xin tiền nên trêu là ‘bà Chi hành khất'. Nếu giúp đỡ được nhiều người như vậy, tôi cũng muốn làm kẻ hành khất suốt đời", bà nói. Ở chợ chưa có được số tiền như ý, bà lại gõ cửa nhà dân "xin" thêm.
Nhưng đáng nhớ hơn cả với bà Chi là trường hợp cậu bé bị tim bẩm sinh ở Hoằng Lưu, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Năm 2017, khi biết tin người mẹ y tá và ông bố công nhân phải nghỉ làm lo cho đứa con thập tử nhất sinh, bà sốt sắng tìm cách giúp.
"Cháu bé không có nhiều thời gian để chờ đợi", nhận được tin, bà lập tức liên hệ với trường tiểu học địa phương để kêu gọi, vì nghĩ "trẻ con dễ đồng cảm". Cầm xấp tiền là những tờ một nghìn đồng, hai nghìn đồng được các bé quyên góp, bà Chi vuốt phẳng phiu, đổi mệnh giá lớn hơn để trao tay bố mẹ bé.
Hai năm trôi qua, cuối năm 2019, bà bất ngờ nhận được điện thoại của cậu bé - giờ đã 4 tuổi hỏi thăm, xin nhận làm bà của bé. Mẹ bé cho biết những ngày con mổ tim, vợ chồng chị như rơi vào hoảng loạn. Đứa trẻ phẫu thuật lần một không thành công, chỉ một tuần sau được chỉ định mổ lần hai. Không có tiền cứu con, vợ chồng chị vay mượn khắp nơi. May nhờ bà Chi và các nhà hảo tâm khác, ca mổ được tiến hành hơn một tháng sau đó.
"Nhiều người từ thiện chút tiền rồi thôi, nhưng bà quan tâm, động viên vợ chồng tôi suốt hành trình cứu con và đến giờ vẫn vậy. Không máu mủ nhưng cứ cách tuần, cách tháng bà lại gọi hỏi thăm con. Mới đây bà gửi tặng con tôi quần áo và một chiếc xe đạp", chị Lê Thị Tươi, 34 tuổi, mẹ bé, nói.
Nhiều người thắc mắc sao không dành tiền con cháu biếu tận hưởng tuổi xế chiều, nhưng bà Chi chỉ đáp: "Mỗi người có cách hưởng thụ khác nhau. Có người muốn hưởng thụ vật chất, tôi thì xem niềm vui của những người được mình giúp đỡ là một sự hưởng thụ tuyệt vời nhất".
Với tấm lòng nhân hậu, bà hai lần TP Hà Nội vinh danh Người tốt, việc tốt. Năm 2019, bà được Hội Chữ thập đỏ TP ghi nhận "Tấm lòng vàng nhân đạo".
Bà Đặng Thị Yến, Chủ tịch hội chữ thập đỏ Hoàng Mai cho biết, nơi đâu có khó khăn bà Chi đều vận động ủng hộ và tham gia giúp đỡ. "Bà là tấm gương sáng cần lan tỏa để nhiều người cùng noi theo và chung tay giúp đỡ người nghèo", bà Yến nói.
Bình luận