• Zalo

AVG- VFF 'li tán', bản quyền truyền hình về tay VPF

Thể thaoThứ Hai, 23/04/2012 02:17:00 +07:00Google News

(VTC News) – Sau một thời gian dài diễn ra tranh chấp vấn đề bản quyền truyền hình của các giải đấu do VPF tổ chức đã chính thức khép lại.

(VTC News) – Không cần phải chờ đợi tới chiều nay (23/4) như khẳng định của Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng, cuộc gặp ba bên gồm VPF – AVG – VFF để chốt vấn đề BQTH đã được tiến hành sớm hơn dự kiến.

Vấn đề cơ bản của buổi làm việc này là VPF phải trình bày kế hoạch khai thác bản quyền truyền hình các giải đấu chuyên nghiệp nhằm mang lại nguồn thu lớn nhất cho bóng đá Việt Nam như lãnh đạo VPF đã nêu ra trong buổi gặp gỡ báo chí chiều 20/4. Từ đó làm cơ sở niềm tin cho AVG ký bàn giao lại thương quyền các giải đấu cho VPF.

AVG chính thức chuyển nhượng Bản quyền truyền hình cho VPF (Ảnh: Quang Minh)

Sau khi lắng nghe VPF trình bày, Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ đã đi đến quyết định thanh lý toàn bộ Hợp đồng số 08/HĐ/2010/VFF-AVG (VFF ký với AVG năm 2010) cho VPF cùng các điều khoản cam kết kèm theo. Đáng chú ý trong các điều khoản này chính là việc VPF phải cam kết, khai thác bản quyền truyền hình với giá trị tối thiểu 50 tỷ đồng/năm, tính từ mùa giải 2013 nhằm tạo ra nguồn thu cho bóng đá Việt Nam.

Một điều khoản khác mà VPF buộc phải thực hiện khi nhận lại hợp đồng của AVG là VPF có trách nhiệm đàm phán với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài truyền hình kỹ thuật số (VTC) để thực hiện việc phát sóng theo theo tỷ lệ 40-30-30 mà AVG ký với VTV - VTC hồi tháng 3 (VTV giữ 40%; AVG là 30%, VTC là 30 %). Đây là cơ sở đảm bảo cho bóng đá Việt Nam được phát sóng rộng rãi tới người hâm mộ cả nước.

Phía VFF, đơn vị thứ 3 có mặt trong cuộc gặp này cũng đã đồng ý với những gì hai bên là VPF và AVG thỏa thuận. Theo đó, một trong các điều khoản mà AVG đã gửi tới VPF bằng công văn số 69/TTAV-CV ngày 21/4 là có sự đồng ý của VFF trong việc chuyển giao này đã được đảm bảo.

Với những gì đã cam kết, VPF có thể thực hiện được không? (Ảnh: Quang Minh)

Như vậy sau một thời gian dài diễn ra tranh chấp vấn đề bản quyền truyền hình của các giải đấu do VPF tổ chức đã chính thức khép lại. Bây giờ là lúc người ta hy vọng VPF sẽ làm được những điều mà họ đã cam kết trước AVG, qua đó, tạo đà phát triển cho bóng đá Việt Nam.

Ba cam kết theo công văn số 69/TTAV-CV ngày 21/4
 
Thứ nhất: AVG chỉ là một bên trong Hợp đồng 08/HĐ/2010/VFF-AVG mà theo Hợp đồng này việc chuyển nhượng Hợp đồng phải được sự chấp thuận của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Vì vậy, việc chuyển nhượng thương quyền từ AVG sang VPF nhất thiết phải được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đồng ý.

Thứ hai: AVG đã có văn bản cam kết với Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài Truyền hình kỹ thuật số (VTC) về việc chia sẻ 70% thương quyền truyền hình các giải bóng đá Việt Nam cho các đài này nên sau khi tiếp quản Hợp đồng 08/HĐ/2010/VFF-AVG, VPF cần giữ nguyên cam kết này.

Thứ ba: do VPF đã đảm bảo với AVG là mỗi năm VPF sẽ đem lại cho bóng đá Việt Nam tối thiểu 50 tỷ đồng nên VPF cần thực hiện cam kết này bằng văn bản với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và AVG, vì sự phát triển chung của Bóng đá Việt Nam.

AVG  không yêu cầu VPF bồi hoàn các khoản lỗ của AVG đã bỏ ra trong thời gian vừa qua. AVG sẽ hỗ trợ VPF và VFF bằng cách sẽ là một thành viên giám sát việc thực hiện Hợp đồng giữa VFF và VPF.


Đông Quang

Bình luận
vtcnews.vn