• Zalo

Australia lo ngại Mỹ thúc đẩy lý thuyết virus thoát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán

Thời sự quốc tếThứ Sáu, 08/05/2020 12:28:10 +07:00Google News
(VTC News) -

Australia lo ngại tuyên bố của Mỹ về việc virus SARS-CoV-2 bắt nguồn từ phòng thí nghiệm Vũ Hán sẽ làm suy yếu lời kêu gọi điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch.

"Việc người Mỹ thúc đẩy giả thiết về việc virus có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán làm mất uy tín của sáng kiến đó", ông Richard McGregor, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Lowy tại Sydney cho hay. 

Ông McGregor tin rằng định kiến của Washington có thể khiến nhiều người nghi ngờ về tính minh bạch của bất cứ cuộc điều tra nào về nguồn gốc dịch mà Mỹ tham dự. 

Theo Sydney Morning Herald, Canberra lo ngại các tuyên bố mới đây của Mỹ bên cạnh việc làm suy yếu nỗ lực thực hiện một cuộc điều tra quốc tế độc lập sẽ ảnh hưởng tới lời kêu gọi cấm bán động vật sống có hại của Australia. 

Australia lo ngại Mỹ thúc đẩy lý thuyết virus thoát từ phòng thí nghiệm Vũ Hán - 1

Thủ tướng Australia Scott Morrison. (Ảnh: AAP)

SCMP bình luận đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự chia rẽ ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc về một lý thuyết chưa được xác minh rằng virus SARS-CoV-2 có liên quan tới Viện Virus học Vũ Hán.

Cuối tuần trước, Thủ tướng Australia Scott Morrison nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy virus SARS-CoV-2 xuất phát từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

"Chúng tôi biết nó bắt đầu từ Trung Quốc, từ Vũ Hán. Giả thiết có khả năng nhất là nó liên quan tới một chợ buôn bán động vật hoang dã, nhưng đó là một vấn đề cần phải được đánh giá kỹ lưỡng", ông nói. 

Tuyên bố này của nhà lãnh đạo Australia được đưa ra không lâu sau khi Tổng thống Trump khẳng định có bằng chứng về mối liên hệ giữa virus SARS-CoV-2 với phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Hugh White, giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc phòng tại Đại học Quốc gia Australia cho rằng việc Canberra tách mình khỏi lý thuyết virus liên quan tới phòng thí nghiệm là đáng chú ý. 

"Điều này rất đáng chú ý bởi tuần trước Canberra dường như vẫn đang rất sẵn sàng và thậm chí lặp lại các tuyên bố đổ lỗi đại dịch cho Bắc Kinh của Mỹ và đề xuất thực hiện điều tra độc lập, tín hiệu gợi ý rằng họ tin Bắc Kinh có lỗi", ông White phân tích. 

Ông White tin rằng sự thay đổi này của Canberra có thể là để xoa dịu Trung Quốc sau khi Bắc Kinh dọa tẩy chay kinh tế với Australia tuần trước. 

Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra trước đó cáo buộc Australia nhận chỉ thị từ Mỹ để chỉ trích về cách đối phó với dịch của Bắc Kinh. 

Không dừng lại ở đó, Đại sứ Trung Quốc tại Australia Cheng Jingye cảnh báo người tiêu dùng Trung Quốc sẽ tẩy chay hàng hóa và dịch vụ của Australia để đáp trả việc Canberra theo đuổi cuộc điều tra về COVID-19. 

"Nhưng cũng có thể Canberra đang trong tình cảnh khá rối ren, nhiều quan điểm khác nhau đưa ra những thông điệp khác nhau", vị chuyên gia này phân tích. 

Tuy nhiên, ông Yun Jiang, một nhà cựu hoạch định chính sách của chính phủ Australia tin rằng khó có khả năng Canberra bày tỏ sự bất bình với Washington. 

"Liên minh với Mỹ hết sức quan trọng với Australia, đặc biệt là đối với chính phủ hiện tại. Mặc dù có một số khác biệt với chính quyền Trump, cho tới nay chính phủ Australia vẫn không chỉ trích Washington một cách công khai và hiện tại cũng khó có khả năng làm vậy", ông Jiang nêu quan điểm. 

Song Hy(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn