• Zalo

ASIAD 18: Cái gì lợi cho dân thì làm

Thể thaoThứ Ba, 01/04/2014 11:10:00 +07:00Google News

(VTC News) – Đã xuất hiện không ít ý kiến tán đồng việc trả lại ASIAD 2019 cho Hội đồng Olympic Châu Á do những lo ngại về kinh phí tổ chức đội lên quá cao.


(VTC News) – Đã xuất hiện không ít ý kiến tán đồng việc trả lại ASIAD 2019 cho Hội đồng Olympic Châu Á (OCA) do những lo ngại về kinh phí tổ chức đội lên quá cao.

Trong suốt 2 năm qua, việc nên hay không nên đăng cai Á vận hội lần thứ 18 - ASIAD 2019 vẫn là một câu hỏi lớn. Tại phiên giải trình trước Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTTN&NĐ) của Quốc hội về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật để phát triển thể thao thành tích cao, hôm 18/3 vừa qua, ASIAD 2019 chính là một trong những vấn đề được các đại biểu chất vấn lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiều nhất.

Phiên giải trình hôm 18/3

Không thể dừng?

Theo ông Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội thì thời điểm hiện tại không còn là lúc bàn việc nên hay không nên đăng cai ASIAD 2019 nữa.

“Đăng cai ASIAD 18 là cơ hội để tôn vinh Việt Nam, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Vì khẳng định chúng ta có điều kiện đăng cai được nên Đảng và Nhà nước đã hoàn toàn nhất trí. Vì thế vào lúc này không nên đặt vấn đề là nên hay không nên nữa” – Ông Tiến nói.

Đồng quan điểm này, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT, ông Đoàn Thao cũng khẳng định việc đăng cai ASIAD 2019 đã được Chính phủ đồng ý và trên thực tế đó cũng là ý nguyện của toàn dân nên giờ đừng nói chuyện thoái thác nữa, trừ khi đất nước có sự cố, thiên tai, chiến tranh.

Asiad 18 nên được tổ chức thế nào?

  • Xin rút, dừng tổ chức
  • Giảm thiểu số môn thi đấu, tiết kiệm nhất có thể
  • Tổ chức hoành tráng, xứng tầm khu vực
  • Tăng chi phí, tổ chức ở mức chấp nhận được
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

“Việc rút lui là hạ sách bởi nó ảnh hưởng đến nhiều mặt từ hình ảnh, uy tín đến vị thế của đất nước sau bao nhiêu nỗ lực mới có được. Tổ chức ASIAD trên tinh thần tiết kiệm vừa thúc đẩy sự phát triển của đất nước, vừa tạo sức bật cho thể thao Việt Nam vươn lên như điều chúng ta đã làm được sau SEA Games 22. Đến giờ này đừng bàn tới chuyện rút lui không đăng cai ASIAD mà hãy chọn việc nào tốt cho dân, cho nước thì làm” – Ông Thao nêu quan điểm.

Trước đó, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, GS.TS Dương Nghiệp Chí, nguyên Viện trưởng Viện KH TDTT cũng phân tích và chỉ rõ, việc dừng đăng cai ASIAD 2019 của Việt Nam lúc này là làm khó các quốc gia khác.

“Giờ chúng ta đã nhận đăng cai Đại hội rồi thì cũng không nên nói tới việc rút lui nữa, bởi như thế chúng ta sẽ đẩy các nước khác trong châu lục vào thế bị động trong việc chuẩn bị cho Đại hội, vì thời gian bây giờ không còn nhiều.

Chúng ta luôn muốn hội nhập với thế giới thì cũng phải có trách nhiệm với phong trào chung, đừng xem việc đăng cai Asian Games là một gánh nặng rồi tìm cách đẩy gánh nặng đấy cho các nước khác. Nếu giờ chúng ta rút lui thì bạn bè châu lục sẽ nhìn chúng ta bằng ánh mắt như thế nào, uy tín của đất nước sẽ ra sao?

 

Đến giờ này đừng bàn tới chuyện rút lui không đăng cai ASIAD mà hãy chọn việc nào tốt cho dân, cho nước thì làm


 
Còn những lo lắng về chuyện lãng phí, tôi cho rằng nếu chúng ta làm bài bản, căn cơ trên tinh thần tiết kiệm tối đa, tránh lãng phí, tránh tham nhũng, thì dân người ta sẽ hiểu. Mà như tôi đã nói đầu tư cho thể thao là đầu tư cho con người, nó có mất đi đâu, những công trình thì còn đó với thời gian, cho con cháu chúng ta sử dụng, còn những giá trị về tinh thần, về việc chấn hưng sức mạnh tinh thần của một dân tộc thì không thể lượng hóa được.”

Theo quy định của Hội đồng Olympic châu Á (OCA) một quốc gia nào đã ký kết việc đăng cai ASIAD rồi thì không thể nào đơn phương bỏ cuộc trừ khi có hiểm họa chiến tranh hoặc bị thiệt hại trầm trọng do thiên tai, động đất…

Trong lịch sử đang cai ASIAD, duy nhất từ trước đến nay có Hàn Quốc xin rút quyền đăng cai ASIAD 1970 khi đứng trước mối đe dọa về an ninh từ phía bắc, kèm theo sự khủng hoảng về tài chính lan rộng, làm ảnh hưởng nặng nề đến một số nước ở châu lục. AOC sau đó phải chọn Thái Lan thay thế và Hàn Quốc dù có lý do rút lui chính đáng vẫn phải bỏ một khoản kinh phí tổ chức cho Thái Lan.

Chính phủ chưa thông qua

“Từ nay đến năm 2019 thì số tiền sẽ trượt giá là bao nhiêu? 150 triệu USD có đủ không? Hơn nữa, theo đề án của bộ thì nguồn kinh phí từ xã hội hóa lên đến 72%. Tôi rất băn khoăn về tính khả thi”-  đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng - Ủy viên thường trực Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội đặt câu hỏi trước việc Bộ VH - TT & DL khẳng định nguồn kinh phí tổ chức ASIAD 18 là 150 triệu USD.
 Việt Nam giành quyền đăng cai ASIAD 2019

Đó chỉ làm một trong số rất nhiều ý kiến tỏ vẻ nghi ngại về tính khả thi của ASIAD 2019 khi nguồn kinh phí tổ chức được báo cáo thấp hơn rất nhiều lần so với kinh phí thực của các quốc gia đã từng đăng cai ASIAD gần đây bỏ ra.

Mới đây nhất, tại phiên giải trình lần 2 trước Chính phủ về kinh phí tổ chức ASIAD 2019 và những vấn đề liên quan. Những ý kiến lo ngại con số 150 triệu USD huy động từ ngân sách nhà nước để tổ chức ASIAD 2019 sẽ bị bội chi vẫn tiếp tục được nêu ra.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo cần phải rà soát những địa điểm tổ chức, tính toán, xác định phương án trên cơ sở tiết kiệm nhất. Đồng thời Phó thủ tướng yêu cầu sử dụng tối đa công trình hiện có, cần thiết thì sửa chữa, cải tạo nâng cấp chứ không xây mới. Công trình nào Việt Nam chưa có thì mới cần xây dựng. Ngoài ra, Việt Nam cần tranh thủ nguồn lực xã hội hoá trong và ngoài nước.

Kết thúc phiên họp, Chính phủ chưa thông qua quyết định tổ chức ASIAD 18 bởi còn lo ngại nhiều vấn đề, nổi bật trong đó là kinh phí tổ chức. Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa gặp gỡ các quan chức cao cấp của Uỷ ban Olympic châu Á (OCA) để đề nghị hỗ trợ Việt Nam một cách tiết kiệm nhất. Một trong số đó là việc không xây làng vận động viên mà sử dụng khách sạn sẵn có.

Tiểu Hàn (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn