Theo thống kê của (PFA), chỉ có hơn 10% số cầu thủ gia nhập các học viện trước năm 16 tuổi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Đây là một tỷ lệ rất thấp và họ muốn tìm hiểu nguyên nhân. Kênh BBC tìm sang Bỉ, một nền đào tạo trẻ đang lên, và ở đây, họ phỏng vấn HLV trứ danh Michel Bruyninckx, giám đốc học viện của Standard Liege.
Ngày buồn của Arsenal |
Khi được hỏi vấn đề mà các học viện bóng đá đang phải đối mặt, Bruyninckx chỉ tay lên đầu: “Chúng ta cần thôi nghĩ rằng bóng đá là môn chơi của cơ thể”. Có tới 25% các cầu thủ U16 qua tay Bruyninckx đã trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Ông gọi phương pháp đào tạo của mình, là “giáo dục lấy não bộ làm trung tâm”. Ở đó, trước khi nói về rê bóng, sút bóng, họ dạy cầu thủ cách giữ sự tỉnh táo, thư giãn trong tinh thần khi chạy trên sân.
Đó là một cách nhìn mới trong bóng đá châu Âu, và không biết là HLV Arsene Wenger đã cập nhật những giáo án tương tự như vậy chưa? Rất đáng nghi ngờ, bởi vì cầu thủ của ông thường có kỹ thuật rất tốt, nhưng không bao giờ giữ được sự bình tĩnh vào những thời khắc quan trọng. Họ thường xuyên có thể chơi những trận đấu rất hay, những pha bóng rất mãn nhãn, và cũng có thể phạm sai lầm rất vô duyên.
Wenger: Tất cả là lỗi tại tôi |
Trận thua 0-6 trước Chelsea có thể coi là một cú sốc cũng được, nhưng nếu coi là một kịch bản quen thuộc cũng được.
Những cầu thủ Arsenal phạm sai lầm trong một trận đấu lớn, điều đó có gì đáng sốc? Arsenal chơi hay trong một giai đoạn dài (ở đây cụ thể là hàng thủ Arsenal) nhưng rồi đến khi cần phải chơi hay nhất thì bỗng nhiên lại lơ ngơ, luống cuống, điều đó có gì đáng sốc? Họ có thể thua Birmingham trong một trận chung kết thì tại sao không thể thua Chelsea? Nói một cách hình ảnh, một học trò ruột của Arsene Wenger chủ động dùng tay chơi bóng trong vòng cấm thì có gì đáng sốc?
Năng lực của Arsenal không hề xứng đáng để họ phải nhận những kết quả như trước Liverpool và Chelsea. Nhưng tinh thần của họ đã tạo ra điều ấy: đội bóng của Wenger sẽ vẫn chơi hay nếu như chỉ phải gặp các đối thủ yếu, nhưng không thể là chính họ trong những trận đấu lớn, nơi sức ép và sự kỳ vọng được nâng lên quá cao.
Mọi chuyện đã luôn diễn ra như thế trong nhiều năm qua, và bây giờ thì người ta có quyền đặt nghi vấn về phương thức huấn luyện của Arsene Wenger. Cầu thủ không thể bỗng nhiên trở nên lạnh lùng trên sân cỏ: phải có một người dạy họ điều đó từ tuổi bẻ gãy sừng trâu. Nhưng ông chỉ tạo ra những cầu thủ mạnh mẽ về thể chất mà yếu đuối về tâm can.
Chelsea là khắc tinh của Arsenal |
Người ta có thể trách GĐĐH Ivan Gazidis hay ông chủ Stan Kroenke nếu Arsenal không có một danh hiệu: đó là chuyện của những khoản đầu tư. Nhưng khi Arsenal thua Chelsea tới 0-6, thì những ánh mắt phải hướng về phía Arsene Wenger: ông là người chịu trách nhiệm. Một thất bại như thế, dù là trước đội đầu bảng, có thể khiến cho HLV của Sunderland hay Fulham mất việc chứ đừng nói tới HLV của Arsenal.
Hôm qua, để kỷ niệm trận đấu thứ 1.000 của HLV Wenger, người ta phỏng vấn cựu chủ tịch Peter Hill-Wood, người đã đưa HLV người Pháp về sân Highbury năm xưa. Hill-Wood nói: “Wenger có thể dẫn dắt Arsenal tới một kỷ nguyên vàng mới”, và hết lòng tán dương khả năng đào tạo trẻ của Wenger.
Sau trận đấu đêm qua, điều đó rất đáng bị nghi ngờ. Ít nhất là không ai biết liệu Wenger có ở lại Emirates để mà tạo ra “kỷ nguyên vàng” hay không.
Đức Hoàng (Báo Bóng đá)
Bình luận