Arsenal: Đá hay nào thay được nguy hiểm

Thể thaoThứ Ba, 19/02/2013 06:52:00 +07:00

Nếu bóng đá chỉ cần đến cái đẹp, như thế giới cần ở Picasso, thì Wenger đáp ứng cái đẹp trọn vẹn bằng những “thùng sơn” rẻ tiền của ông.


Wenger đã nổi điên khi người ta cứ cố tra hỏi ông về thất bại trước Blackburn. Đã lâu rồi, Giáo sư mới mất bình tĩnh và nói ra những lời cay đắng đến vậy: "Tôi cố tình thua trận đấu đó cho các người thỏa lòng, được chưa?"


1.
Tuần này, các nhà khoa học Mỹ sử dụng công nghệ quét nano để xác tín một chi tiết quan trọng trong lịch sử nghệ thuật, vốn đã bị nghi ngờ từ lâu: Pablo Picasso sử dụng sơn tường phổ thông thay vì sơn dầu dùng cho hội họa để vẽ nên nhiều tác phẩm.

Kết quả phân tích bức “Người phụ nữ trên chiếc ghế bành đỏ” (1929) chỉ ra rằng, đại danh họa người Tây Ban Nha dùng nhãn sơn Ripolin, thương hiệu sơn đầu tiên của thị trường xây dựng thế giới, để vẽ bức tranh đó. Chính việc dùng sơn tường đã tạo nên nhiều hiệu ứng đặc biệt cho các tác phẩm của Picasso.

Đó là một chuyện lạ, nhưng không gây sốc. Từ lâu, việc sử dụng sơn công nghiệp trong hội họa đã là một phong cách được nhiều đại danh họa lựa chọn. Jackson Pollock, người vẽ nên bức tranh đắt giá thứ nhì lịch sử hội họa (Bức “No.5”, giá 140 triệu USD) chỉ dùng sơn tường trong suốt sự nghiệp.

Đó là giá trị của nghệ thuật: những thiên tài có thể sử dụng những chất liệu tầm thường nhất để tạo ra những điều phi thường.

Và có lẽ, đó cũng là điều mà những CĐV Arsenal đang hy vọng trong cuộc chiến với Bayern đêm nay.

 Đi về đấu, Pháo thủ trẻ?

2. Xét về “chất liệu vẽ”, Arsenal thua Bayern về mọi mặt. Dù đã cố, những người Đức cũng không thể giấu nổi sự coi thường dành cho đội bóng đang khủng hoảng của HLV Wenger.

Lehmann, một cố nhân của Arsenal, nói rằng “gặp Bayern là lá thăm tồi tệ nhất mà Arsenal nhận được”. Helmer, cựu đội trưởng Bayern, thì phũ phàng hơn: “Họ luôn chơi hay. Nhưng không có chút nguy hiểm nào. Bayern sẽ thắng cả hai loạt trận”.

Theo định giá của các chuyên gia chuyển nhượng tại trang transfermarkt.de, tổng giá trị đội hình của Arsenal là 281 triệu euro. Trong khi đó, giá của đội hình Bayern là 435 triệu euro. Xin nhớ rằng giá của cầu thủ tại Premier League còn cao hơn Bundesliga vì vấn đề thương hiệu.

Nhưng hơn ai hết, chính những người Munich, với đầy những vết sẹo có được từ bao nhiêu năm chinh chiến tại châu Âu, hiểu hơn ai hết về nghĩa của từ “cú sốc”. Họ đã hơn một lần để vuột những chiến thắng dù tưởng như có thể đè bẹp đối phương. Những thất bại phi lý và đau đớn không thể quên.

Và bởi Picasso có thể vẽ lên các siêu phẩm bằng sơn tường, không ai có thể cấm CĐV Arsenal hy vọng Wenger có thể làm được điều tương tự.

 Arsene Wenger: "Tôi muốn thua trận đấu đó (gặp Blackburn) cho các người thỏa lòng"

3. Song có một điều mà CĐV Arsenal cũng hiểu hơn ai hết: họ thường xuyên tạo ra những “tác phẩm nghệ thuật” đẹp mắt, nhưng không thể có chiến thắng.

Sự khác biệt cơ bản giữa hội họa và bóng đá, là tính khả dụng. Nếu bóng đá chỉ cần đến cái đẹp, như thế giới cần ở Picasso, thì Wenger đáp ứng cái đẹp trọn vẹn bằng những “thùng sơn” rẻ tiền của ông.

Nhưng còn tốc độ, còn thể lực? Jens Lehmann nói rằng lá thăm đưa Bayern đến cho Arsenal, đã tồi tệ còn tồi tệ hơn bởi đây là vòng 1/8. Đây là thời điểm mùa Đông vừa đi qua, các đội bóng Anh bị dày vò trong một lịch thi đấu kín đặc. Và Arsenal thì đã nổi tiếng với việc xuống sức sau giai đoạn này, với lý do cơ bản là đội hình mỏng. Người Đức thì ngược lại: đá với phong cách nào, họ cũng khỏe mạnh vượt trội.

Vẫn biết rằng trong bóng đá, phút 89 chưa phải là hết giờ (người Munich, lại một lần nữa, đã nếm trải điều này quá rõ ở Nou Camp năm 1999). Nhưng thành London cần rất nhiều lời cầu nguyện để câu chuyện thần kỳ “không bột cũng gột nên hồ” diễn ra.


Theo Đức Hoàng (Bóng đá)

Bình luận
vtcnews.vn