Công ty phân tích Canalys đã công bố báo cáo mới nhất về thị trường smartphone Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm 2024 và Apple có kết quả tệ nhất trong số 5 thương hiệu hàng đầu đang tranh giành vị trí thống trị tại thị phần lớn nhất châu Á.
Huawei trở lại vị trí dẫn đầu sau 13 quý với 17% thị phần. Hãng nội địa này đã xuất xưởng 11,7 triệu smartphone nhờ dòng Mate và nova nổi tiếng, trong khi OPPO vươn lên vị trí thứ hai nhờ hiệu suất mạnh mẽ của dòng Reno 11, xuất xưởng 10,9 triệu chiếc. Ngược lại, HONOR, vivo và Apple đều giảm lượng hàng bán ra trong quý, lần lượt xếp thứ ba, thứ tư và thứ năm.
HONOR đã xuất xưởng 10,6 triệu chiếc với thị phần 16%, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi vivo xuất xưởng 10,3 triệu chiếc với thị phần 15%, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Apple tụt dốc nhiều nhất trong top 5, tụt xuống vị trí thứ 5 từ vị trí đầu tiên, với 10 triệu chiếc và thị phần 15%, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh số của Huawei đã tăng 70% so với một năm trước, thời điểm công ty vẫn đang tổ chức lại hoạt động kinh doanh điện thoại sau các lệnh trừng phạt của Mỹ. 5G Mate 60 Pro của Huawei sử dụng bộ xử lý 7 nanomet do Trung Quốc sản xuất được thiết kế riêng cho thị trường nội địa, thể hiện loại khả năng sản xuất chất bán dẫn tiên tiến mà các lệnh trừng phạt của Mỹ vốn được thiết kế để ngăn chặn.
Huawei kể từ đó đã phát hành dòng điện thoại thông minh hàng đầu Pura mới của mình và đang bận rộn phát triển hệ điều hành của riêng mình, HarmonyOS, vì hãng không thể sử dụng Android và Google Mobile Services của Google. Việc tiếp tục mở rộng hệ sinh thái HarmonyOS đã phá vỡ cuộc đua song mã giữa Android và iOS ở Trung Quốc đại lục.
Có điều, "bộ tứ đại gia" Trung Quốc xếp trên Apple trong quý này vẫn chưa thể vội mừng. Dưới đây là biểu đồ thị phần smartphone hơn 3 năm qua tại Trung Quốc.
Nếu chỉ nhìn vào 2 quý vừa qua, dễ thấy trong khi Huawei và OPPO đang vươn lên mạnh mẽ, thì Apple "tụt dốc", suýt rơi ra khỏi top 5 và chỉ hơn Xiaomi một chút. Một xu hướng dễ thấy đã lặp lại vài năm qua: Apple luôn "bùng nổ" ở quý 4 hàng năm, sau đó tụt dần vị trí ở thời điểm còn lại trong năm tiếp theo.
Điều này liên quan trực tiếp đến chiến lược sản phẩm và bán hàng của nhà Táo, khi sản phẩm chủ lực của họ là dòng iPhone chính (không tính iPhone SE) luôn ra mắt và mở bán thời điểm tháng 9-10 hàng năm. Mỗi lần iPhone mới ra mắt, hiệu ứng sản phẩm đều rất tốt ở thị trường tỷ dân, vượt xa các đối thủ còn lại. Mỗi khi Apple giành được "đỉnh", thì không hãng nào nhăm nhe lại nổi.
Trong khi đó, chiến lược sản phẩm của các hãng nội địa Trung cho phép họ giữ một mức thị phần ổn định suốt cả năm. Trái ngược với biên độ "hình sin" của Apple, HONOR hay OPPO, Xiaomi đều có biểu đồ khá "lặng sóng". Có lẽ Tim Cook và các lãnh đạo Apple vẫn có thể rung chân, nếu như không có một "con ngựa ô" đang lăm lăm phi mã: Huawei.
Cuộc cạnh tranh giữa Apple và Huawei có lẽ sẽ cần thêm thời gian để trả lời, nhưng đến thời điểm này, vấn đề của nhà Táo đã rõ ràng hơn bao giờ hết: Thu hút người mới vào hệ sinh thái sản phẩm của hãng - và khiến người dùng hiện tại nâng cấp sớm hơn.
Không có gì ngạc nhiên khi tốc độ nâng cấp iPhone đã chậm lại trong những năm gần đây. Có nhiều lý do giải thích cho điều đó: giá điện thoại tăng cao, nền kinh tế bất ổn và thực tế là thế giới vẫn đang cố gắng hồi phục sau đại dịch COVID-19. Hơn cả, Apple đang khiến người tiêu dùng có ít lý do hơn để nâng cấp.
Hãy đối mặt với sự thật: Sản phẩm chủ lực của Apple đã không thay đổi nhiều kể từ khi iPhone 12 được phát hành vào năm 2020. Và trước đó, không có bất kỳ nâng cấp lớn nào kể từ năm 2017. Trong khi đó, người dùng ở phân khúc từ thấp đến trung luôn có vô số lựa chọn hấp dẫn. Câu hỏi là, liệu Apple đã sẵn sàng cách mạng hóa dòng sản phẩm của mình và chú tâm tới những chiếc điện thoại đời thấp hơn để chiếm thị phần?
Bình luận