Năm 2007, iPhone của Apple là một trong những điện thoại thông minh (smartphone) đi kèm pin không thể tháo rời.
14 năm kể từ đó, pin rời trở thành một đặc điểm hiếm xuất hiện trên smartphone.
Thực tế là việc sửa chữa và thay thế linh kiện trên smartphone bất tiện, đôi khi đắt đỏ đến mức hầu hết người dùng sẽ cảm thấy thà mua luôn một chiếc điện thoại đời mới còn hơn.
Vì vậy, có một chút ngạc nhiên khi Apple - một trong những "thủ phạm" lớn nhất của tình trạng này đã khởi xướng cái gọi là “Chương trình tự sửa chữa” (Self Service Repair). Đây là một bước ngoặt khá lớn đối với một thương hiệu từng ra quyết định vô hiệu hóa tính năng khóa nhận diện khuôn mặt Face ID trên các thiết bị thay đổi màn hình tại một cửa hàng bên thứ ba.
Quan trọng hơn, động thái của Apple có thể khuyến khích sự thay đổi trên toàn bộ ngành smartphone, đặc biệt với các nhà sản xuất thiết bị Android.
Vài nét về chương trình mới
Trong bài đăng trên blog chính thức, Apple cho hay bắt đầu từ năm 2022 họ sẽ cung cấp hơn 200 linh kiện đi kèm với các công cụ cũng như tài liệu để khách hàng có thể tự sửa chữa các sản phẩm thuộc dòng iPhone 12 và iPhone 13 tại Mỹ. Hãng thậm chí còn đi xa hơn khi Apple sẽ đảm bảo thời gian bảo hành ngay cả khi thiết bị đã được khách hàng tự sửa chữa.
Một số người chỉ ra rằng thông báo của Apple được đưa ra vào thời điểm khá “trùng hợp." Green Century, một nhà đầu tư của Apple, đã trình kiến nghị với hãng vào tháng Chín, trong đó kêu gọi “Táo khuyết” xem xét lại các chính sách chống tự sửa chữa của mình.
Đáp lại, Apple đã trình lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) yêu cầu Green Century chuẩn bị một báo cáo về lợi ích xã hội và môi trường của đề xuất này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó đã ban ra một lệnh hành pháp yêu cầu Ủy ban Thương mại Liên bang kiểm soát việc các nhà sản xuất công nghệ có thể hạn chế hoạt động sửa chữa thiết bị, khiến SEC có khả năng sẽ đứng về phía Green Century.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, Liên minh châu Âu (EU) cũng chuẩn bị thông qua một đạo luật quy định về việc nhà sản xuất phải đảm bảo nguồn cung linh kiện thay thế và sách hướng dẫn sửa chữa chính thức.
Nói một cách đơn giản, việc Apple phải tuân thủ luật chỉ là vấn đề thời gian. Thông báo của Apple được đưa ra vào đúng ngày Green Century dự kiến sẽ đưa ra báo cáo phản hồi. Bằng cách thông báo trước về chương trình này, Apple dễ dàng giành được sự chú ý lẫn điểm cộng trong mắt người tiêu dùng.
Quan trọng hơn, “Táo khuyết” cũng gây áp lực buộc các nhà sản xuất smartphone Android phải có động thái bắt kịp mình.
Lợi ích từ các chương trình tự sửa chữa
Thay pin vốn không đòi hỏi kỹ thuật cao. Ngay cả khi người dùng tự nhận mình thiếu kỹ năng, các kỹ thuật viên tại cửa hàng sửa chữa có thể nhanh chóng hỗ trợ. Vấn đề nằm ở chỗ thiếu các linh kiện thay thế chất lượng cao. Trong nhiều trường hợp, các công cụ độc quyền có thể khiến việc sửa chữa bất khả thi. Ví dụ, chiếc Macbook xuất xưởng năm 2009 của Apple từng rất nổi tiếng vì có một con vít pentalobe độc quyền, khiến nó gần như không thể tháo rời vào thời điểm đó.
Chi phí sửa chữa cao cũng là một vấn đề rất phổ biến. Việc chỉ thay màn hình một chiếc smartphone cao cấp nhiều khi còn tiêu tốn hơn so với việc mua một thiết bị tầm trung mới.
Với khả năng được tiếp cận các linh kiện chính thức, việc sửa chữa các sản phẩm smartphone sẽ dễ dàng hơn với chi phí thấp hơn. Khi đó, người dùng có thể lựa chọn sửa chữa thay vì phải vứt đi để mua điện thoại mới.
Việc dễ dàng tiếp cận các linh kiện gốc cũng đảm bảo chất lượng sửa chữa, đặc biệt khi thay thế pin. Việc sử dụng pin chất lượng thấp có nguy cơ giảm tuổi thọ pin, thậm chí gây cháy nổ. Các sản phẩm pin chính thức chắc chắn sẽ an toàn hơn cho thiết bị.
Đến lúc nhà sản xuất Android bắt kịp Apple
Việc Apple có lợi thế đi đầu đồng nghĩa là các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) của Android cần phải có nỗ lực tương tự, thậm chí tốt hơn. Mặc dù đã công bố khả năng tự sửa chữa trong bài kiểm tra ở Pháp, Samsung tới giờ vẫn “dán kín” các sản phẩm của mình.
Ngành công nghiệp đã ghi nhận một số nỗ lực như phong trào “Fairphone” kêu gọi các nhà sản xuất cung cấp khả năng sửa chữa cho các thiết bị di động. Song phong trào này sẽ không đủ động lực cho đến khi những “đại gia” như Samsung và Google chấp nhận tham gia. Bên cạnh đó, các điều khoản trong hợp đồng chuỗi cung ứng cấm nhà cung cấp bán các thành phần riêng lẻ để thay thế cũng cần được loại bỏ.
Tuy nhiên, dù sự thay đổi của Apple có thể đã đặt ra một chuẩn mực để các thương hiệu khác noi theo, “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ cũng còn nhiều điều cần cải thiện. Việc hỗ trợ một số lượng thiết bị và linh kiện khá hạn chế (hiện chỉ tập trung vào pin, máy ảnh và màn hình) không phải là điều lý tưởng.
Ngoài ra còn có các câu hỏi chưa được trả lời về giá cả và cam kết của Apple trong việc tạo ra các thiết bị có "khả năng sửa chữa cao hơn."
Dù vậy, kế hoạch của Apple vẫn đặt ra một cơ sở tốt để xây dựng một xu hướng mới cho toàn ngành công nghiệp. Các điều luật mới dù có thể buộc tất cả các công ty phải sớm tuân thủ, nhưng không thể phủ nhận ở hiện tại rằng chương trình tự sửa chữa của Apple đã đặt ra tiêu chuẩn để các nhà sản xuất điện thoại Android phải chạy đua.
Bình luận