Trước đây, Liên minh Châu Âu (EU) cáo buộc Apple đã lạm dụng vị trí thống trị của mình, bằng cách hạn chế quyền truy cập vào công nghệ thanh toán di động. Vì vậy, trong động thái mới nhất, Apple đã đề nghị cung cấp cho các đối thủ quyền truy cập vào công nghệ thanh toán không tiếp xúc và ví di động của mình, nhằm nỗ lực xoa dịu các cơ quan quản lý chống độc quyền ở Châu Âu.
Trước giờ, Apple Pay, tính năng ví di động của công ty, cho phép người dùng mua hàng bằng cách chạm vào iPhone của họ, chạy trên hệ điều hành iOS của Apple. Nhưng vì Apple kiểm soát độc quyền hệ điều hành này nên quyền truy cập của các nhà phát triển ví di động bên thứ ba vào công nghệ thanh toán của Apple đã bị hạn chế ngay lập tức.
Vào năm 2022, Ủy ban Châu Âu, cơ quan điều hành của EU, nhận thấy rằng việc để Apple Pay là lựa chọn duy nhất dành cho người dùng iPhone, kiểu hành vi như vậy có thể hạn chế sự cạnh tranh công bằng trong thị trường ví di động trên các thiết bị iOS. Do đó, trong động thái mới Apple đã đề xuất một loạt cam kết nhằm giải quyết những lo ngại của Ủy ban.
Apple cho biết, họ sẽ cho phép các nhà phát triển bên thứ ba có quyền truy cập vào công nghệ thanh toán di động, cung cấp các tính năng mới cho người dùng như đặt mặc định cho các ứng dụng thanh toán ưa thích, và áp dụng “tiêu chí đủ điều kiện không phân biệt đối xử” cho các nhà phát triển đối thủ.
“Thông qua các cuộc thảo luận đang diễn ra với Ủy ban Châu Âu, chúng tôi đã đưa ra cam kết cung cấp cho các nhà phát triển bên thứ ba trong Khu vực Kinh tế Châu Âu một tùy chọn cho phép người dùng của họ thực hiện thanh toán không tiếp xúc NFC từ bên trong ứng dụng iOS của họ, tách biệt hoàn toàn với Apple Pay và Apple Wallet”, một phát ngôn viên của Apple nói với Đài CNBC trong một tuyên bố.
Ủy ban Châu Âu cho biết, những thay đổi này sẽ được duy trì trong 10 năm. Trước mắt, họ đang tìm kiếm phản hồi về các giải pháp mà Apple đã đề xuất. Nếu các cam kết của Apple xoa dịu được những lo ngại về cạnh tranh công bằng của các cơ quan quản lý Châu Âu, thì Ủy ban Châu Âu sẽ áp dụng chúng và yêu cầu Apple tiến hành thực hiện các thay đổi về mặt pháp lý để phù hợp với thị trường khối EU. Nếu không tuân thủ, công ty Apple có thể bị phạt tới 10% tổng doanh thu, mà trong trường hợp của Apple, có thể lên tới hàng chục tỷ USD.
Hiện tại, Apple cũng đối mặt với áp lực từ các cơ quan quản lý chống độc quyền ở Mỹ, khi Bộ Tư pháp Mỹ được cho là đang ủng hộ một vụ kiện chống lại công ty này, theo báo cáo từ Bloomberg. Vụ việc của Bộ Tư pháp Mỹ được cho là xoay quanh những thống trị về mảng phần mềm và phần cứng trên iPad và iPhone, nhằm hạn chế cạnh tranh công bằng trên thị trường.
Bình luận