• Zalo

App siết giá tận thu, hàng quán chán bán online, tài xế xe công nghệ rỗng túi

Thị trườngThứ Tư, 29/06/2022 06:44:41 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều cửa hàng cho biết họ đã chán, không muốn bán hàng qua app, còn shipper thì "đình công" lúc thời tiết khắc nghiệt do làm không có lãi.

Giữa lúc lúc hàng hóa leo thang theo giá xăng, việc bán hàng online thông qua các ứng dụng đặt hàng cũng bị ảnh hưởng trầm trọng.

Anh Quốc Hiệp, chủ một quán bánh mì kẹp thịt ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, ngay khi mở quán anh đã bán hàng trên các ứng dụng đặt hàng online và từng sử dụng công cụ quảng cáo của các ứng dụng này. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán đến giờ, cùng với việc xăng tăng giá là các hãng đồng loạt tăng chiết khấu khiến anh làm ăn không có lãi.

App siết giá tận thu, hàng quán chán bán online, tài xế xe công nghệ rỗng túi - 1

Quán bánh mì của anh Hiệp vắng khách, vắng cả shipper giữa trưa nắng nóng.

“Trước đây, chiết khấu của các app chỉ khoảng 15-20%, nhưng hiện nay đều từ 25% trở lên, như Baemin là 25%, Loship là 27,5%”, anh Hiệp nói.

Với mức chiết khấu này, nếu bán được một chiếc bánh mì giá 15.000 đồng, thì anh chỉ thu về được khoảng hơn 11.000 đồng. Trong khi đó giá cả nguyên vật liệu mọi thứ đều tăng khiến việc bán hàng thông qua app không có lãi.

Phần doanh thu phải chia sẻ cho các hãng công nghệ càng cao khiến hàng quán phải tăng giá bán nếu muốn có lãi. “Nhưng việc tăng giá lại ảnh hưởng đến lượng khách hàng, mà bán hàng qua app chỉ mong có nhiều khách để lấy số lượng bù cho lãi ít. Nếu tăng giá bán thì có mà bằng nhau, khách đã ít còn không có lãi thì chỉ còn đường tắt app”, anh Hiệp nói.

Tương tự, chị Thanh Thủy, chủ quán mì gà tần ở An Dương (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, với mức cắt chiết khấu trên 25% như hiện tại thì chị thà không bán hàng qua app còn hơn.

“Một suất mì gà tần tôi bán chỉ 15.000 - 20.000 đồng, bán giá này là tôi xác định bán cho khách bình dân, sinh viên. Bán qua app mà bán giá này thì làm quần quật cũng chẳng có lãi”, chị nói.

Chị Thủy cho biết, chị đã nghỉ bán hàng qua các hãng công nghệ tuy nhiên thi thoảng vẫn có shipper đến gọi đồ. Chị tìm hiểu mới biết trên ứng dụng có gian hàng mang tên thương hiệu mì gà tần của gia đình chị nhưng bán với giá cao hơn hẳn.

“Chắc chắn có người nào đó đã mở gian hàng với thương hiệu của tôi trên ứng dụng để bán với giá cao mà không được sự đồng ý của tôi, điều này rất ảnh hưởng đến uy tín của quán tôi đã gây dựng suốt 12 năm”, chị Thủy bức xúc.

Tương tự, anh Phương, chủ một quán cơm rang tại Hoàng Mai, Hà Nội cho hay, việc bán hàng qua ứng dụng chỉ được thời gian đầu là đông khách do có mã khuyến mãi.

“Trên app chạy chương trình giảm giá đến 50% thì khách nườm nượp nhưng nhà hàng tự gánh thiệt thòi. Hết khuyến mãi là hết khách. Còn bình thường giá bán trên app phải gánh cả phí chia sẻ doanh thu nên bị đẩy lên quá cao, khách không đặt. Dù có bán được cũng bị mang tiếng là bán đắt trong khi tiền chênh thì app lấy chứ quán ăn có được lợi đồng nào đâu”, anh nói.

Chủ quán này cho biết thêm, với một suất cơm 40.000 đồng thì nhà hàng phải chia khoảng 25% cho app, trong khi khách hàng vẫn phải chịu thêm phí ship 15.000 đồng, như vậy là quá nhiều.

Không chỉ mạnh tay thu ở phía nhà hàng, quán ăn mà các app còn thu cả ở phía người vận chuyển. 15.000 đồng tiền ship kể trên không đổ 100% về túi shipper mà các app cũng sẽ cắt lại phần trăm tương ứng.

App siết giá tận thu, hàng quán chán bán online, tài xế xe công nghệ rỗng túi - 2

Nhiều tài xế tắt app nghỉ trưa vì cho rằng số tiền công nhận lại không tương xứng với tiền tăng dịch vụ của app và không xứng với việc phải chịu đựng thời tiết khắc nhiệt.

Anh Nguyễn Duy, tài xế Gojeck cho biết, với một đơn vận chuyển tính phí 15.000 đồng, anh chỉ được nhận về hơn 11.000 đồng do bị cắt chiết khấu 25%.

Hà Nội những ngày này trời nóng như đổ lửa, dù vào giờ cao điểm, thời tiết khắc nghiệt phí vận chuyển của các ứng dụng có thể tăng gấp đôi, gấp ba, nghe thì mọi người liên tưởng là cho các shipper “mài mặt” ngoài đường. Nhưng tuy tăng phí dịch vụ cao ngút với khách, nhưng số tiền tăng thêm cho shipper không tương ứng. Hết sức vô lý!”, anh Duy nói.

Nhiều tài xế công nghệ cũng bày tỏ sự bức xúc, khó hiểu với cách tính phần trăm chiết khấu khi các ứng dụng tăng giá cước vào giờ cao điểm hoặc thời tiết khắc nghiệt.

Anh Quốc Huy, tài xế Baemin, nói: “Ví dụ như mấy ngày nay, khoảng thời gian từ 11h - 12h30 nắng nóng đỉnh điểm, phí dịch vụ có đôi khi tăng đến 400% nhưng tôi cũng không chạy. Một cuốc lúc bình thường khoảng 15.000 đồng, thời tiết mát mẻ chạy cuốc này thì tôi nhận được khoảng 12.000 đồng. Vẫn là cuốc tương tự lúc nắng nóng lên đến 40.000 đồng thì tôi cũng chỉ nhận được thêm số tiền lẻ, còn chưa đến 10.000 đồng. Khoản tăng như vậy chỉ vỗ béo cho app”.

Hạo Nhiên
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp