Ngày 27/12, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị vừa có công điện về việc chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là mưa lớn cuối năm.
Theo đó, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã, TP Huế và các cơ quan chức năng có liên quan trong tỉnh cấm tất cả các tàu thuyền (bao gồm cả thuyền bãi ngang ven biển) ra khơi từ 14h ngày 27/12.
Đồng thời, cơ quan chức năng cần thông báo cho chủ và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết về diễn biến của không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão để chủ động phòng tránh, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Ngoài ra, các địa phương cần rà soát, kiểm tra và triển khai phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển; toàn bộ các khu dân cư thấp trũng; khu vực ngập úng đô thị; các nhà cao tầng có tầng hầm chú ý chuẩn bị phương tiện, thiết bị đấu úng, phương án di chuyển các xe máy lên khu vực cao hơn; đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện.
Chủ đầu tư các công trình đang thi công dở dang ven biển, trên đất liền cần có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công; bố trí biển báo, lực lượng ứng trực, hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông đi qua khu vực hiện trường thi công, khơi thông dòng chảy hạn chế ngập úng.
Chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tổ chức trực ban theo dõi, quan trắc diễn biến của mưa lũ; thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành đã được phê duyệt và Lệnh vận hành hồ chứa của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du (đặc biệt là thủy điện A Lưới và hồ Hương Điền), tuân thủ sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để chủ động ứng phó với các đợt mưa lũ này.
Đối với các hồ chứa đã tích đầy nước, các chủ đập tăng cường kiểm tra, tuần tra đảm bảo an toàn hồ chứa và an toàn cho nhân dân khu vực hạ du. Các đoạn ngầm bị ngập tràn, bố trí lực lượng ứng trực hướng dẫn người và phương tiện qua lại an toàn.
Hồi 7h ngày 27/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,7 độ Vĩ Bắc; 129,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển miền Trung Philippines khoảng 450km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km.
Đến 7h ngày 28/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 125,7 độ Kinh Đông, ngay bờ biển khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km.
Đến 7h ngày 29/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 121,0 độ Kinh Đông, cách phía Bắc đảo Palawan (Philippines) khoảng 180km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông sau đó khả năng mạnh lên thành bão. Đến 7h ngày 30/12, tâm bão cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 300 km về phía Đông, sức gió tối đa tăng lên 75 km/h (cấp 8).
Bình luận