Hãng tin AP dẫn một nguồn tin riêng cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định cấm nhập khẩu dầu của Nga, một lệnh trừng phạt được cho là cứng rắn nhất từ trước tới nay nhằm buộc Moskva phải xuống thang trong cuộc chiến ở Ukraine.
Cũng theo nguồn tin của AP, quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng thống Ukraine Volodmyr Zelensky đề nghị các nhà lập pháp Mỹ và châu Âu bổ sung thêm các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành dầu khí Nga, điều chắc chắn sẽ tác động đến quyết tâm của Moskva đối với cuộc chiến hiện tại.
Xuất khẩu năng lượng của Nga hiện vẫn hoạt động ổn định bất chấp các lệnh trừng phạt tài chính từ phương Tây.
Nguồn tin của AP còn cho biết, Tổng thống Biden dự định sẽ công bố thông tin vào ngày 8/3 (theo giờ địa phương)
Trước đó, Nhà Trắng cho biết ông Biden sẽ có bài phát biểu vào sáng 8/3 (theo giờ Washington) để thông báo các hành động tiếp theo buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, Mỹ sẽ hành động đơn phương trong lệnh trừng phạt mới nhằm vào ngành dầu khí Nga, sau khi trao đổi về vấn đề này với các nước đồng minh ở châu Âu – khu vực vốn chịu phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung dầu khí từ Nga.
Theo AP, khí đốt tự nhiên từ Nga chiếm một phần ba lượng tiêu thụ của châu Âu. Còn Mỹ không nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga.
Chính quyền của ông Biden trước đó đã nhiều lần xem xét đến khả năng áp đặt trừng phạt nhằm vào ngành dầu khí Nga ngay sau khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra, tuy nhiên ông Biden lựa chọn trì hoãn kế hoạch này nhằm hạn chế tối đa tác động của lệnh trừng phạt lên thị trường xăng dầu ở Mỹ.
Trước xung đột ở Ukraine, dầu và khí đốt chiếm hơn một phần ba doanh thu xuất khẩu của Nga. Việc giá năng lượng toàn cầu tăng chóng mặt sau đó bất chấp việc các nước phương Tây điều phối lại các kho dự trữ chiến lược khiến xuất khẩu dầu của Nga thậm chí còn sinh lời hơn trước.
Mỹ và các phương Tây hiện đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng lớn nhất của Nga, bao gồm cả ngân hàng trung ương Nga và bộ tài chính nước này, đồng thời đình chỉ tư cách thành viên của Moskva trong một số hệ thống tài chính như SWIFT nhưng có vẻ các biện pháp này là chưa đủ.
Tuy nhiên các quy tắc do Bộ Tài chính Mỹ ban hành sau đó vẫn cho phép các giao dịch năng lượng của Nga tiếp tục được thực hiện thông qua các ngân hàng không bị trừng phạt và không có trụ sở tại Mỹ, một nỗ lực nhằm giảm thiểu bất kỳ sự gián đoạn nào đối với thị trường năng lượng toàn cầu.
Lạm phát, ở mức cao nhất trong 40 năm qua và càng có chiều hướng tăng mạnh do giá xăng dầu cao đang gây tổn hại về mặt chính trị cho chính quyền của ông Biden trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11 tới.
Bình luận