Điều dễ nhận thấy ở những học sinh gặp áp lực, căng thẳng trong học tập là mệt mỏi, thiếu ngủ. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến những vấn đề về sức khỏe và tâm lý. Rất nhiều trường hợp phải nhờ đến sự can thiệp của bác sĩ, chuyên viên tâm lý vì stress, trầm cảm do áp lực của việc học liên tục ngày đêm.
Hơn 80% học sinh ngủ dưới 7 tiếng mỗi ngày
Một năm trước, Trần Thùy Trang và Phạm Thị Khánh Vy, học sinh lớp 12 chuyên Toán, trường THPT Gia Định, TP.HCM, bị thiếu ngủ, lờ đờ khi lên lớp. Hai nữ sinh đã làm một cuộc khảo sát và phát hiện đây là tình trạng chung của nhiều học sinh phổ thông tại TP.HCM.
Kết quả khảo sát trên 7.300 học sinh khối THPT tại thành phố cho thấy hơn 80% học sinh thường ngủ dưới 7 tiếng mỗi ngày, hơn 10% ngủ dưới 5 tiếng. Một nửa số học sinh được hỏi cho biết họ ngủ khá muộn, thường sau 23h và 20% sau 0h, nhưng hôm sau phải thức dậy lúc 5h30-6h để kịp đến trường. Hơn 44% học sinh cho biết các em không có thời gian ngủ trưa.
Khảo sát của Thùy Trang - Khánh Vy cũng chỉ ra rằng cứ 10 học sinh lên lớp, 8 em gặp khó khăn trong vấn đề tập trung, do ảnh hưởng từ thiếu ngủ.
Nguyên nhân hàng đầu được chỉ ra là do áp lực học tập, thi cử. Bên cạnh đó, việc sử dụng các thiết bị điện tử, mạng xã hội cũng "lấy đi" thời gian giấc ngủ của các em.
“Nhiều bạn cứ đến lớp là ngủ gật, không thể tập trung, càng ảnh hưởng việc học nhiều hơn. Em thắc mắc đây có phải vấn đề chung của học sinh ở TP.HCM hay không? Kết quả khảo sát đã cho ra những con số đáng báo động, thực tế giấc ngủ của học sinh đang ngược lại những khuyến nghị của các tổ chức y tế", Khánh Vy nói.
Một khảo sát khác do Phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM thực hiện cũng chỉ ra học sinh đang phải đối mặt nhiều vấn đề. Kết quả khảo sát tại 150 cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố gồm 74 trường THPT, 34 trường THCS, 8 trường tiểu học và 34 cơ sở giáo dục khác cho thấy 53,8% học sinh không có động lực học tập, 31% học sinh cảm thấy stress, áp lực, mệt mỏi với việc học.
“Em đã nghĩ đến chuyện tự tử”
Trần Thùy Trang, người cùng với Khánh Vy thực hiện đề tài khảo sát vấn đề giấc ngủ của học sinh TP.HCM, kể như vậy khi nói về quãng thời gian lớp 12 của mình.
Thời điểm Trang thực hiện đề tài khảo sát cũng là lúc em chìm sâu vào căng thẳng, mệt mỏi do phải học quá nhiều. Câu chuyện trầm cảm nặng phải điều trị bằng thuốc và suýt chút nữa đã tự tử dường như chẳng ăn nhập với những điều người ta thường nghĩ về một học sinh lớp chuyên, luôn học giỏi (lúc đó Trang là học sinh của lớp chuyên Toán).
“Có thể chỉ cần kéo dài thêm vài ngày nữa thôi, em đã chọn tự tử để không phải mệt mỏi, khổ sở mỗi ngày”, nữ sinh tâm sự.
Có sức học tốt, thành tích khả quan nên trước năm lớp 12, Trang không học thêm. Đến cuối cấp, vì không thể theo kịp bài giảng, yêu cầu của thầy cô, nữ sinh phải học thêm.
“Lớp 12, em đi học cả ngày ở trường, tối học thêm rồi sau đó làm bài tập, đề thi. Đó là những ngày tháng em rất áp lực. Em thấy mình không có cách nào để học hết kiến thức, làm hết bài tập thầy cô giao. Em ngại đến lớp vì sợ bạn bè chê mình không làm hết bài tập. Em cũng không dám đi ngủ khi chưa xong bài”, Trang kể.
Vốn trước đó bị stress nhẹ, cộng thêm áp lực học tập lớn, tình hình của Trang càng tồi tệ. Đến bây giờ, nữ sinh vẫn không khỏi rùng mình khi kể lại quãng thời gian học lớp 12 của mình.
“Em bị đau đầu thường xuyên, đau vai gáy, cổ. Hệ tiêu hóa cũng có vấn đề. Em phải dùng thuốc điều trị trầm cảm, những cơn đau mới đỡ. Có hôm đang học, gặp những bài không giải được, em lo sợ nếu không tìm ra đáp số, ngày mai thầy gọi lên bảng là chết. Lúc đó, tay em bắt đầu run, toát mồ hôi, và khóc. Em nằm trên giường, không có động lực làm gì. Em ôm mẹ và hỏi rằng bao giờ mình mới qua được giai đoạn khủng hoảng này. Nó áp lực lắm”, Thùy Trang tâm sự.
Nhìn lại khoảng thời gian năm lớp 12, nữ sinh nói thương chính mình và nhiều bạn bè vì phải học nhồi nhét quá nhiều với áp lực lớn. Trong khi đó, những kiến thức sách vở lại không quá cần thiết cho cuộc sống thực tế của mỗi bạn trẻ.
Cô Thanh, giáo viên phụ trách tham vấn tâm lý học đường tại một trường THPT ở TP.HCM, cho biết nhiều em trong trường gặp vấn đề về tâm lý, xin tư vấn. Không ít bạn phải điều trị trầm cảm. Có em nói muốn tự tử để kết thúc áp lực nhưng may mắn được chuyên gia tâm lý can thiệp kịp thời.
"Một nữ sinh lớp 10 đã lên kế hoạch tự tử bằng thuốc ngủ và thuốc trừ sâu. Rất may, bạn bè, thầy cô đã phát hiện kịp. Em ấy xa cha mẹ từ nhỏ, đến năm 9 tuổi mới được ở chung với gia đình. Phụ huynh kỳ vọng quá nhiều vào con, bắt phải học giỏi, dù học lực của em ở mức trung bình. Thay vì gần gũi chia sẻ, cha mẹ lại thường la mắng, đánh đập", cô Thanh kể về một trường hợp bị trầm cảm vì áp lực học tập.
Theo thống kê của tổ chức UNICEF, năm 2018 có 8%-29% trẻ em và trẻ vị thành niên mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần. 2,3% trẻ vị thành niên tự tử.
Kết quả khảo sát hàng năm ở học sinh lớp 10 của trường THPT Marie Curie (TP.HCM) cũng chỉ ra rằng 10%-15% học sinh có ý định tự tử. Nguyên nhân lớn nhất chính là sự xung đột giữa cha mẹ và con cái, các em không tài nào đáp ứng được sự kỳ vọng của phụ huynh về mặt học tập.
Bình luận