Trở về nhà sau một ngày làm việc dài, bác sỹ Nguyễn Quốc Hội (sinh năm 1987, Hậu Giang) nằm dài trên chiếc giường nhỏ để nghỉ ngơi. Chuông điện thoại vang lên, số máy lạ, anh nhấc máy, giọng nói nhẹ nhàng của một người phụ nữ vang lên ở đầu dây bên kia.
“Hội à, khoẻ không em! Chị Lê Phương ở quận 5 – bệnh nhân COVID-19 của em này”, anh ngơ ngác chưa nhớ ra ai vì trong dịch COVID-19 anh đã giúp đỡ và điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân. Sau một hồi kể lại kỷ niệm, anh mới mường tượng ra người bệnh nhân được tận tay anh đi xin thuốc và phát trong những ngày TP.HCM đóng cửa vì dịch bệnh.
Sau cuộc điện thoại tình cờ ấy, sự mệt mỏi được xoá nhoà đi, thay vào đó là những ký ức trong dịch COVID-19 ùa về. Bác sỹ Hội mở lại đống gia tài - những hình ảnh chụp cách đây một năm. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện, một kỷ niệm vô cùng trân quý.
Tháng 7/2021, toàn bộ TP.HCM rơi vào trạng thái ngủ đông, mọi thứ đều bị đóng băng vì dịch COVID-19. Chính phủ và UBND thành phố áp dụng chỉ thị “ai ở đâu ở yên đó”.
Số lượng người mắc tăng lên chóng mặt từng ngày, nhiều người bị mắc kẹt trong nhà, khu dân cư hay trong chính khu điều trị cũng đang thiếu thuốc, thiếu nhân lực vì y tế cả thành phố đang quá tải, chưa kịp thời đáp ứng.
Không ngoại lệ, khu cách ly, điều trị tại trường Tiểu học Nguyễn Hiền – nơi anh Hội đang làm việc cũng rơi vào tình trạng khó khăn. Trong số đó, nhiều người chẳng có lấy một người thân, có người thì người thân đã mất vì COVID-19. Tất cả họ đều đang gửi gắm mạng sống mình cho anh.
Chứng kiến những sự vô vọng ấy, bác sỹ Nguyễn Quốc Hội đánh liều tìm đến sự giúp đỡ của các nhà báo. Vì nhiều người mách anh: "Nhà báo quen nhiều người, đi xin thuốc COVID-19 dễ lắm". Dường như anh chẳng còn quan tâm thật hay đùa, cứ ở đâu có hy vọng tìm được nguồn thuốc, anh sẵn sàng tới.
Và rồi, lần theo địa chỉ google, anh tìm đến Trung tâm Báo chí đứng chờ nhân dịp họp báo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-9 của TP.HCM ngày 15/8.
Sự đánh liều của anh đã được đền đáp. Hai ngày sau những túi thuốc đầu tiên được chúng tôi mang đến Khu cách ly trường Tiểu học Nguyễn Hiền. Thật khó để tìm được vị bác sỹ trẻ ngày hôm đó trong hàng trăm bệnh nhân đang điều trị. Ấy thế, tìm anh thì khó, nhưng tìm người kể về anh thì ngược lại. Chúng tôi cảm tưởng rằng, tất cả bệnh nhân tại đây đều đang chờ đến lượt để được kể về anh.
Góp nhặt thông tin từ các bệnh nhân, chúng tôi biết được TP.HCM không phải quê mà cũng chẳng phải là nơi làm việc của bác sỹ Hội. Cách đây gần 2 tháng, từ lời kêu gọi của Thủ tướng, anh trăn trở, tìm cách rời Hậu Giang để lên đường đến TP.HCM "chia lửa" với lực lượng tuyến đầu.
"Thật ra bác sỹ Hội không nói đâu, do tụi tôi nhiều chuyện quá nên mãi bác mới kể. Cái lúc bác sỹ tính lên Sài Gòn là bác sỹ còn nằm viện điều trị bệnh đại tràng. Mà may là xin không được giấy đi đường, chứ xin được chắc bác sỹ cũng bỏ viện mà đi.
Sau một tuần, lúc bác sỹ vừa uống hết thuốc điều trị thì cũng có giấy. Giấy bác sỹ xin được ở phường An Phú vì phường thiếu bác sỹ quá nên làm giấy đi đường để bác lên đây hỗ trợ", chúng tôi thấy được sự cảm phục trong lời kể của một bệnh nhân tên T., 48 tuổi.
Ở thời điểm đó, dịch COVID-19 tại Hậu Giang đang được kiểm soát rất tốt với số ca nhiễm chưa đầy 20. Song, tỉnh vẫn thực hiện tiêm vaccine cho lực lượng tuyến đầu, trong đó có y bác sỹ. Bác sỹ Hội cũng nằm trong danh sách được tiêm, tuy nhiên anh từ chối vì "các bác ở bệnh viện công cần hơn, mình làm phòng khám tư thì từ từ cũng được". Thế là, lúc anh vào tâm dịch TP.HCM, cơ thể chưa có một mũi vaccine nào.
Điều khiến chúng tôi cảm phục nhất, phải kể đến hành trình vào tâm dịch của anh. Đêm 2/8, khi vừa nhận được giấy đi đường qua tin nhắn, anh trằn trọc không ngủ được. Anh thức giấc, dành thời gian trò chuyện với người thân. Dù cả anh và mọi người trong gia đình không ai nói ra, nhưng tất cả đều ngầm hiểu, phải chuẩn bị tâm lý nhận tin dữ bất cứ lúc nào cho chuyến đi này của anh.
4h ngày hôm sau, với vài bộ đồ xếp vội vào balo, anh tự mình chạy xe máy lên Sài Gòn...
TP.HCM đón bác sỹ Hội bằng cơn mưa như trút nước. Trước thông tin hơn 200 F0 không có bác sỹ theo dõi, anh chạy thẳng đến Khu cách ly trường Tiểu học Nguyễn Hiền, thay vội bộ đồ bảo hộ và vào việc.
Dòng chữ "BS Hội" giúp chúng tôi nhận ra anh trong số 4 người mặc đồ bảo hộ tại đây. Trước khi chưa có lực lượng Quân y từ Bắc vào, một mình anh gồng gánh 200 F0 mỗi ngày. Hiện tại, số ca nhiễm tại đây đã vượt con số 300, nhưng anh được 3 bác sỹ Quân y cùng "chia lửa".
Cách anh gập sâu người cảm ơn khi nhận túi thuốc khiến các nhà báo chúng tôi khó xử. Trong giấy phút ngắn ngủi, chúng tôi tự vấn mình đã thật sự cố gắng hết sức để giúp đỡ người khác như anh chưa. Hàng loạt câu hỏi từ đâu cứ thế hình thành, vì đâu mà anh làm được như thế.
Chưa kịp thoát ra khỏi mớ suy nghĩ hỗn độn, nhân vật đặc biệt của chúng tôi đã vội cúi đầu cảm ơn lần nữa rồi rời đi. Những bước chân gấp gáp của anh cho chúng tôi biết có ca bệnh đang nguy kịch.
Gặp được bác sỹ Hội đã khó, nói chuyện điện thoại được với anh càng khó hơn. Sau 3 cuộc gọi liên tục đầu dây đều báo máy bận, bác sỹ Hội nghe máy và ngỏ ý chúng tôi kết bạn Zalo. Bởi nếu gọi điện qua Zalo thì các cuộc gọi đến vẫn hiện thông báo, trường hợp bệnh nhân bị bỏ lỡ khi gọi đến cầu cứu sẽ giảm đi.
Điều này đồng nghĩa, chúng tôi được xếp vào danh sách không ưu tiên. Danh sách ưu tiên của anh dành cho những bệnh nhân cần trợ giúp. Cứ là người cần giúp đỡ về sức khoẻ, bất kể trong hay ngoài khu cách ly, bất kể ngày hay đêm anh đều lập tức hỗ trợ.
Sau những mẩu hội thoại đứt quãng qua tin nhắn, bác sỹ Hội hứa dành cho chúng tôi 30 phút để gọi điện. Anh ví von xem như là cách "giữ mối" xin thuốc giúp bệnh nhân. Khung giờ anh đưa ra là sau 23h, vì giờ này sẽ ít người bệnh gọi hơn.
Cảm xúc đúng là điều luôn khó lý giải, chúng tôi mặc nhiên để bác sỹ Hội tự quyết định mọi lịch trình mà lòng vẫn rất vui. Cũng phải thôi, đố ai giữ được suy nghĩ hơn thua khi chứng kiến những vết hằn trên trán, những vạt áo đẫm mồ hôi của anh trong thời khắc giành lại sự sống cho các F0.
Là chủ 2 phòng khám lớn ở Hậu Giang, sự nghiệp đang trên đà phát triển, anh vẫn sẵn sàng bỏ lại mọi thứ phía sau để dấn thân. Bác sỹ Hội làm chúng tôi nhớ đến hình ảnh hai nhân vật chính trong cuốn tiếu thuyết "Hai số phận" đình đám của tác giả Archer.
Kane và Abel, hai con người đi lên từ hai xuất phát điểm khác nhau và rồi trở thành những người giàu nhất nước Mỹ. Thế nhưng, khi Đức tuyên chiến Mỹ, cả hai đều lập tức đăng ký tòng quân. Bỏ lại thành quả huy hoàng bằng sự cố gắng cả đời người, họ ra chiến trường vì lòng tự tôn dân tộc.
Bác sỹ Hội cũng vậy, tuy không phải là người mang tầm ảnh hưởng như Kane và Abel, nhưng anh cũng đang dấn thân vì chính lòng tự tôn nghề nghiệp. Đối với anh, tự tôn nghề nghiệp là ý thức giữ gìn các giá trị và danh dự của nghề. Là một bác sỹ, phải luôn làm việc với lòng tự tôn của nghề.
23h30, chúng tôi gọi điện cho bác sỹ Hội khi anh vừa kết thúc ca trực. Tưởng chừng sẽ là một cuộc hội thoại suôn sẻ, nhưng không. Một F0 tự điều trị tại nhà ở quận Bình Thạnh đang trở nặng, cần được cấp cứu. Và rồi, trong màn đêm, một mình anh lại len lỏi đi giành lại sự sống cho F0.
Chúng tôi nhận được tin nhắn của bác sỹ Hội lúc 0h30, anh xin lỗi vì lại thất hứa. Đêm nay, anh phải trực theo dõi diễn biến sức khoẻ của bệnh nhân.
Hơn một tháng vào tâm dịch là thời gian anh không có một giấc ngủ trọn vẹn. Những ngày Sài Gòn lên đỉnh dịch, cả tuần anh chỉ được chợp mắt vài giờ. Hết cấp cứu bệnh nhân ở khu cách ly trở nặng, lại chạy túc trực các ca F0 tại nhà...
Đến giờ, chúng tôi vẫn còn ám ảnh bởi dòng tin nhắn của anh: "Mình là bác sỹ, lúc này mình không làm thì còn chờ ai. Đôi lúc đừng suy nghĩ quá nhiều, cứ theo tiếng gọi tâm can mà làm".
Đối với bác sỹ Hội, hành trình của anh chẳng phải là sự dấn thân, cũng chẳng cần đo đếm thiệt hơn. Anh gọi đó là hành trình của tuổi trẻ, của sự cho đi và nhận lại. Cuộc đời đã thật ưu ái khi cho anh sức khoẻ để giúp đỡ mọi người...
Sau những tháng cháy hết mình ở trận địa TP.HCM, hiện bác sỹ Nguyễn Quốc Hội trở về lại Hậu Giang tiếp tục công việc và vẫn hỗ trợ địa phương trong công tác phòng chống dịch. “Ngoài những đau thương, mất mát, dịch COVID-19 dạy tôi biết trân trọng cuộc sống hơn và tiếp thêm lửa cho tôi làm nhiều việc tốt với cộng đồng hơn mỗi ngày”, mắt bác sỹ trẻ ánh lên sự hy vọng.
Bình luận