Thôn Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) được mệnh danh là thủ phủ làm đèn ông sao lớn nhất miền Bắc. Những ngày cuối tháng 7 Âm lịch, không khí mùa Trung thu đã rộn ràng từ khắp các ngõ nhỏ đến nhà người dân. Trong nhà mỗi gia đình đều ngập tràn đủ các sắc màu và nguyên liệu để làm ra chiếc đèn ông sao.
Theo người dân làng Báo Đáp, tất cả nguyên vật liệu làm đèn ông sao được chuẩn bị từ vài tháng trước. Nhu cầu của thị trường Tết Trung thu năm nay tăng mạnh nên đèn ông sao của làng Báo Đáp đắt hàng, không kịp làm để bán.
Theo nghề truyền thống làm đèn ông sao đã gần 50 năm, ông Nguyễn Văn Trận (57 tuổi) cho biết, từ đầu tháng 7 Âm lịch tới nay, đèn ông sao tại làng Báo Đáp luôn trong tình trạng cháy hàng, làm đến đâu hết đến đấy, thậm chí không có hàng để bán.
"Khoảng thời gian chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19, làng nghề truyền thống làm đèn ông sao rất ảm đạm, cùng với đó phải cạnh tranh gay gắt với các loại trò chơi hiện đại và ngoại nhập. Nhiều người phải bỏ nghề chuyển sang làm hoa giấy, hoa vải. Tuy nhiên năm nay rất phấn khởi khi đèn ông sao của làng Báo Đáp đắt hàng, làm không kịp bán”, Ông Trận phấn khởi.
Mỗi người trong gia đình ông Trận phụ trách một công đoạn, con trai thì sơn, phơi cán đèn, còn vợ ông dán giấy bóng và trang trí. Trung bình một ngày gia đình ông sản xuất khoảng 100 chiếc đèn lồng loại nhỏ với giá khoảng 10.000 đồng/chiếc.
Vật liệu làm đèn khá đơn giản gồm tre nứa, giấy bóng kính và xương cây đay làm cán. Không giống như các sản phẩm khác, đèn ông sao của làng Báo Đáp được làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công. Từng công đoạn, chi tiết đều đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì và đôi bàn tay khéo léo của người thợ.
Muốn có một khung đèn chắc chắn lại nhẹ nhàng, ngay từ sau Tết Nguyên đán, nhiều người dân trong làng đã mua tre nứa về ngâm, những thân đay (làm cán) phải được phơi qua nhiều nắng mới đạt đủ tiêu chuẩn.
Đang tất bật hoàn thiện các sản phẩm để kịp giao cho khách, ông Năm (ở xóm 7, làng Báo Đáp) cho hay, làm đèn lồng ông sao quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất vào 4 tháng trong năm, từ tháng 5 đến tháng 8 Âm lịch. Từ đầu tháng 7 Âm lịch tới giờ, đèn ông sao "cháy hàng", thương lái đưa ô tô về tận làng đánh hàng đi liên tục.
Ông Nguyễn Văn Đình có nhiều năm làm đèn lồng ông sao cỡ lớn cho biết, ông là đời thứ 3 được truyền nghề làm đèn ông sao. Ông cũng là một trong số ít những nghệ nhân làng Báo Đáp còn làm đèn ông sao loại to. “Sau một thời gian chạy theo các sản phẩm đồ chơi nhập ngoại, giờ đây người tiêu dùng đã quay lại với đèn ông sao được coi là hình ảnh đặc trưng nhất của ngày Tết Trung thu, gắn liền với phong tục, tập quán và nét văn hóa cổ truyền của bao thế hệ người Việt”, ông Đình chia sẻ.
Tất cả các công đoạn để tạo được một chiếc đèn ông sao đều được ông Đình chăm chú, tỉ mỉ. Trung bình một ngày ông Đình làm được khoảng 30 - 40 chiếc loại to.
Đèn ông sao được chia làm nhiều loại, trong đó loại lớn có đường kính lên tới 1 m, còn loại vừa là 50 cm, loại nhỏ 30 cm, thậm chí còn có cả loại to đại làm theo đơn đặt hàng của khách.
Dù gặp nhiều khó khăn vì đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc tràn về chiếm lĩnh thị trường, thế nhưng người dân làng Báo Đáp vẫn tự tin rằng nghề làm đèn ông sao sẽ không bao giờ mai một vì đèn ông sao là món đồ chơi đặc trưng truyền thống của dân tộc trong dịp Tết trung Thu.
Bình luận