Theo RBTH, những năm tháng khắc nghiệt theo sau Cách mạng Nga năm 1917 và Nội chiến Nga (1917 – 1922) đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Nga gần như trở về thời Trung cổ. Nhà nước Xô Viết mới hình thành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh tả, thương hàn và đậu mùa; thiếu hụt nhân lực trình độ cao, bệnh viện và dược phẩm.
Trong những năm đầu khi nhà nước Xô Viết lãnh đạo, tỷ lệ tử tăng gấp ba, trong khi tỷ lệ sinh giảm một nửa. Nhu cầu thành lập một hệ thống hỗ trợ y tế tập trung trở nên bức thiết.
Khi đó, Xô Viết giới thiệu một hệ thống chăm sóc y tế thống nhất cho cả nước, từ Matxcơva đến Leningrad và cả những vùng xa xôi hẻo lánh. Tất cả công dân được “phân phối” đều đến các cơ sở y tế ở nơi họ sống.
Điểm đầu tiên tiếp nhận các bệnh nhân sẽ là các trạm sơ cứu. Sau đó, bệnh nhân có thể đến phòng khám đa khoa ở địa phương. Khi cần, họ sẽ nhận được sự giúp đỡ từ bệnh viện tỉnh hoặc thành phố. Trong những ca đặc biệt nặng, bệnh nhân được gửi đến các viện chuyên khoa. Một hệ thống tương tự cũng được thành lập cho trẻ em.
Bên cạnh đó, một hệ thống bệnh viện theo ngành được thành lập. Mỗi cơ sở lại phụ trách chăm sóc y tế đặc biệt cho nhóm người lao động riêng của mình như: cảnh sát, công nhân đường sắt, nhân viên hải quan, thợ mỏ, v.v…
Quyền tiếp cận chăm sóc y tế miễn phí được khẳng định trong Hiến pháp Liên Xô năm 1936 như một trong những quyền cơ bản của công dân, bên cạnh các quyền như giáo dục, làm việc,…
Tại Liên Xô, phần được tập trung chú ý không chỉ là điều trị y tế mà còn là các phương pháp phòng bệnh. Một loạt trạm xá được thành lập chủ yếu chuyên về bệnh xã hội, nghiện rượu và bệnh lao. Những cơ sở này chữa bệnh và theo dõi bệnh nhân trong cuộc sống hàng ngày, sẵn sàng ngăn chặn những mối đe dọa mà bệnh nhân và những người xung quanh có thể phải đối mặt.
Một phương pháp phòng bệnh được áp dụng rộng rãi khác là tiêm chủng, được quy định bắt buộc đối với cả người lớn và trẻ em. Một người dân có thể bị từ chối khi xin việc nếu không được tiêm phòng đầy đủ.
Hệ thống y tế Liên Xô đến cuộc Chiến tranh Vệ quốc (1941 – 1945) cho thấy rõ kết quả. Chăm sóc y tế giúp 72% binh sỹ bị thương và 90% binh sỹ mắc bệnh có thể hồi phục, trên khoảng 17 triệu người.
Hệ thống chăm sóc y tế của Liên Xô không chỉ bao gồm phòng khám đa khoa và bệnh viện mà còn có hàng loạt nhà điều dưỡng và nghỉ dưỡng. Trong khi các nhà điều dưỡng đóng vai trò tiếp nối trong quá trình điều trị, thì nhà nghỉ dưỡng trợ giúp đáng kể trong quá trình phục hồi.
Nhìn chung hệ thống là miễn phí, chỉ có một số dịch vụ ở giai đoạn sau này yêu cầu trả phí. Bên cạnh đó, người bệnh có truyền thống cảm ơn bác sỹ với những món quà nhỏ như hộp chocolate hoặc chai rượu cognac.
Sau khi Liên Xô tan rã, hệ thống chăm sóc y tế vẫn được duy trì miễn phí ở phần lớn nước Nga. Dù vậy, hệ thống này phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng trong khi cạnh tranh với các phòng khám tư nhân, nơi thường cung cấp cho bệnh nhân nhiều dịch vụ y tế chất lượng hơn.
Video: CIA tiết lộ những điều Mỹ lo ngại ở Hải quân Liên Xô
Bình luận