• Zalo

Đóng BHXH theo cách mới tác động đến doanh nghiệp và người lao động

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 14/05/2017 07:20:00 +07:00Google News

BHXH là một vấn đề quan trọng, liên quan đến quyền lợi của mọi người dân, đóng vai trò trụ cột của an sinh xã hội.

BHXH là một vấn đề quan trọng, liên quan đến quyền lợi của mọi người dân, đóng vai trò trụ cột của an sinh xã hội. Vì thế, để BHXH đi vào đời sống, phát huy hiệu quả, cũng như tạo được sự đồng thuận, niềm tin của mọi người lao động thì những chính sách BHXH phải thực tế, phù hợp với nhu cầu của người lao động, cũng như thể hiện được tính tiến bộ của nó.

Kể từ ngày 01/01/2017, theo quy định mới cách tính BHXH sẽ được thay đổi với cơ sở tính dựa trên tiền lương và các khoản phụ cấp hàng tháng, trong đó người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 18% chiếm 26% lương hàng tháng

Theo Khoản 2, Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH, các khoản phụ cấp tính vào lương: Phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt; phụ cấp mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đủ (như phụ cấp độc hại, chức vụ, thu hút…). Từ năm 2018, ngoài những khoản đã quy định trên, tiền lương tính BHXH sẽ được cộng thêm những khoản bổ sung, gồm: Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể, cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Hinh anh Anh nong dan va chiec may cay khong dong co ky la o Thai Binh 4

 

Với cách tính này, có nhiều ý kiến lo ngại rằng các doanh nghiệp có thể dự tính đến việc cắt giảm nhân sự trong một thời gian ngắn hạn để giảm chi phí. Về phía người lao động, cũng nhiều ý kiến e ngại rằng mức thu nhập cũng sẽ bị giảm so với trước đây.

Vậy, đóng BHXH theo cách mới tác động đến doanh nghiệp và người lao động như thế nào?

Về phía doanh nghiệp,

Theo các quy định trước, tình trạng phổ biến là các doanh nghiệp cố tình “chẻ” thu nhập thực tế của người lao động thành nhiều khoản và chọn mức lương tối thiểu để đóng BHXH (chỉ bằng 50%-60% tổng thu nhập). Gần một nửa tổng thu nhập của người lao động bị doanh nghiệp “ỉm” đi (dưới dạng phụ cấp và các khoản bổ sung khác), không đóng BHXH.

Cùng với việc tăng lương tối thiểu vùng 12,4% và cách tính mới BHXH tác động đến các doanh nghiệp lâu nay chỉ đóng BHXH trên nền lương tối thiểu thay đổi lớn về chi phí. Cụ thể, quy định mới sẽ khiến chi phí lương cho 2 khoản này của doanh nghiệp tăng khoảng 14%. Theo khảo sát mới đây, Công ty may Hưng Yên tính toán với quy mô 2.000 lao động hiện nay, doanh nghiệp này đóng 30 tỷ đồng BHXH mỗi năm nhưng với luật mới, số tiền BHXH sẽ lên 40 tỷ đồng vào 2018. Còn với công ty may Việt Tiến,  theo quy định mới, mỗi tháng công ty phải đóng thêm 5 tỷ đồng tiền BHXH. Đối với nhiều doanh nghiệp, điều này tạo “gánh nặng” tài chính lớn cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Quy định mới tác động đến cơ cấu thang bảng lương của doanh nghiệp, cũng như là các khoản chi phí phải trả cho người lao động phát triển theo chiều hướng đi lên.

Đối với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động thì cần phải quan tâm nhiều hơn vì có rất nhiều lao động doanh nghiệp sẽ sử dụng mức lương lớn hơn mức lương tối thiểu vùng, cần phải cân đối bài toán chi phí cho lao động cũng như bài toán cắt giảm chi phí cho phù hợp.

Với cách tính BHXH có hạn chế các doanh nghiệp “lách luật” đóng giảm BHXH cho người lao động hay không? Thực tế các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp linh hoạt để điều chỉnh chi phí của doanh nghiệp không còn mới mẻ nữa. Đó là sự thay đổi của chính sách và phần lớn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp họ luôn có cách ứng phó trong trường hợp này. Họ có thể tìm mọi biện pháp để cắt giảm trong đó có một số biện pháp như thuê ngoài lao động theo quy định của Luật lao động hay có sự sàng lọc có chất lượng tốt thì giữ lại, còn những lao động không phù hợp thì có thể giảm lương hoặc có những bài toán cân đối của việc sử dụng lao động đó.

Việc “lách luật” có thể xảy ra nhưng không hề đơn giản. Vấn đề là cơ chế giám sát của Nhà nước thế nào để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước và quyền lợi của người lao động. Các thông tư hướng dẫn đã định nghĩa rõ mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Các khoản phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định được thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp không được tự ý điều chỉnh, cắt giảm các khoản phụ cấp đã thỏa thuận, thực hiện cho người lao động trước đây đã áp dụng.

Theo quy định, doanh nghiệp phải thỏa thuận, ghi nhận đầy đủ tiền lương trả cho người lao động trong hợp đồng lao động, gồm: mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Do vậy, nếu doanh nghiệp tự ý thay đổi cơ cấu tiền lương hay xác định các mức phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác không đúng tính chất, mục đích chi trả của các khoản tiền này hoặc không ghi cụ thể trong hợp đồng lao động là thực hiện không đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ gặp các khó khăn khi quyết toán tiền lương với cơ quan thuế do không kê khai hoặc kê khai, ghi nhận chưa đầy đủ trong hợp đồng lao động hoặc xác định không đúng các khoản tiền lương trả cho người lao động.  

Về phía người lao động,

Với quy định mới, không ít chủ doanh nghiệp lo lắng bởi sẽ phải tăng chi phí trích nộp BHXH, trong khi người lao động thì phấn khởi vì sẽ có lợi về sau. Tuy nhiên, thực tế chưa hẳn như vậy. Các doanh nghiệp lập luận, khi tăng lương, tăng thêm các khoản trích nộp BHXH cho người lao động sẽ dẫn đến chi phí sản xuất tăng. Trong khi đó, nếu đơn giá không tăng và không tăng sản lượng thì doanh nghiệp sẽ không có lãi. Như vậy, gánh nặng tăng phí BHXH tưởng chừng đè lên vai doanh nghiệp nhưng thực chất là trên vai người lao động buộc phải tăng năng suất lao động. Chưa kể đến việc khi đóng BHXH dựa trên lương và phụ cấp thì phần đóng của người lao động cũng tăng, đồng nghĩa với thu nhập của người lao động sẽ bị giảm sút.

Như vậy, với quy định mới về BHXH sẽ tác động trực tiếp đến doanh nghiệp và người lao động theo nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết “BHXH là lo cho sau này, nhà nước luôn khuyến khích người dân khi còn sức lao động hãy tích góp 1 phần thu nhập, để sau này không còn sức lao động sẽ hưởng”. Vì quyền lợi lâu dài của người lao động, các doanh nghiệp cần chấp hành đầy đủ pháp luật lao động và chính sách đãi ngộ tốt người lao động. Về phía các cơ quan chức năng của Nhà nước và Công đoàn cơ sở cần có kế hoạch tuyên truyền để người lao động hiểu, thấy được cái lợi lâu dài của việc nâng mức đóng BHXH./.

Th.S Nguyễn Thanh Nga (Trường Cao đăng Kinh tế Kỹ thuật Thương mại)
Bình luận
vtcnews.vn