Video: Cận cảnh quy trình làm mật mía ở làng nghề nổi tiếng Hà Tĩnh
Xã Thọ Điền, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh được xem là thủ phủ của mật mía Hà Tĩnh, nghề này có từ nhiều đời trước. Những ngày cuối năm, khi mọi người còn đang say giấc ngủ, tại những cơ sở làm mật mía làng Thọ Điền tiếng gọi nhau í ới, tiếng máy ép mật ù ù làm sôi động cả một vùng quê heo hút.
Để có được những giọt mật thơm ngon, người làm nghề nơi đây phải triển khai qua nhiều công đoạn: làm sạch mía, ép lấy nước, nấu mật, chắt mật, đóng chai. Mía được dùng để ép chủ yếu là mía xanh, cứng và nhiều nước.
5h chiều, ông Lương Sĩ Công (thôn 1, xã Thọ Điền) ngồi nghỉ ngơi chốc lát sau khi đã nấu xong gần 2 tạ mía. “Việc nấu mật mía rất vất vả, tôi phải dậy từ sớm để chuẩn bị củi lửa. Mía vụ cuối năm của gia đình tôi đã xay hết, nên thời gian này chủ yếu xay cho những bà con trong làng. Giá mật năm nay cao gấp đôi so với năm trước, hiện tại chúng tôi nấu đến đâu là bán đến đấy”, ông Công nói với PV VTC News.
Trước đây người dân dùng sức trâu để ép mía, nhưng nay đã chuyển sang làm bằng máy nhằm tiết kiệm thời gian, công sức. Việc ép mía bằng máy cũng nâng cao chất lượng của sản phẩm và đảm bảo vệ sinh.
Nước mía sau khi ép ra được làm sạch, loại bỏ các tạp chất, rồi cho vào những chiếc chảo lớn để nấu từ 4 - 5 tiếng. Trong thời gian đun mật, người nấu phải hết sức để ý đến độ lửa, lửa quá to sẽ bị cháy, nếu quá nhỏ sẽ cô đặc mật mía. Loại củi được dùng để nấu mật là những thân gỗ khô lâu năm.
Suốt quá trình đun mật, người nấu dùng muỗng đảo đều tay và liên tục để tránh bị cháy phía dưới, tạo độ sánh, mịn.
Khi nước mía chuyển sang màu nâu đen, sền sệt thì công đoạn nấu mật coi như hoàn tất. Người dân sẽ đổ mật vào thùng nhựa khoảng 1 tiếng cho mật cô đọng lại, lớp bọt sẽ nổi lên và vớt đi.
Công đoạn cuối cùng là đóng chai. Giá một lít mật mía hiện tại khoảng từ 55.000 - 60.000 đồng.
Lãnh đạo xã Thọ Điền cho hay, nghề làm mật mía giúp xóa đói giảm nghèo hiệu quả khu vực miền núi. Nếu so với cây hoa màu như lúa, ngô, lạc… thì thu nhập từ làm mật mía cao hơn khoảng 4 lần và đầu ra ổn định hơn. Để khuyến khích bà con tăng quy mô, diện tích trồng, làm mật mía, chính quyền địa phương hỗ trợ 500.000 đồng/sào.
Mật mía Thọ Điền nổi tiếng với mùi thơm hấp dẫn, không phẩm màu, màu sắc đẹp mắt, đảm bảo an toàn thực phẩm, nên được nhiều người ưa chuộng. Ngày Tết, người dân thường dùng mật để nấu chè, làm bánh kẹo, pha vào nước chè, chấm bánh chưng,...
Bình luận