Video: Thăm lại hầm vũ khí bí mật trong chiến dịch Mậu thân 1968
Ẩn mình trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3, TP.HCM), căn nhà số 287/70 từng là nơi cất giấu gần 2 tấn vũ khí của Biệt động Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Hơn 40 năm đi qua, ngôi nhà này nay trở thành một chứng tích lịch sử, là một trong những minh chứng hiển hách của quân và dân ta để làm nên ngày toàn thắng 30/4/1975. Ngày nay, ngôi nhà được công nhân là di tích với tên gọi “Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968”.
Trước đây, ngôi nhà này được chủ nhà là ông Trần Văn Lai (Năm Lai - Mai Hồng Quế) mua và đào hầm bí mật. Hồi đó, để tránh nghi ngờ và che mắt địch, ông lấy cớ sửa nhà để đào hầm vệ sinh và hệ thống thoát nước. Ông đưa vợ con về Gò Vấp, một mình ở lại căn nhà, ngày đi thầu khoán, đêm đào hầm.
Các đồ nghề được sử dụng trong việc đào hầm.
Sau 7 tháng, căn hầm được hoàn thành với kích thước dài 2m, ngang 1,2m, cao 2,5m với 4 cửa thoát, vách và nền hầm được làm bằng xi măng dày để chống thấm. Trong hầm có 4 khung tròn nối với ống thoát nước, kích thước vừa một người chui để thoát hiểm. Điểm đặt miệng hầm được chọn gần cầu thang và nắp đậy được cấu tạo bằng 6 miếng gạch dính liền có chốt vặn.
Quá trình tiếp nhận vũ khí của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn.
Để không bị phát hiện khi vận chuyển, các chiến sĩ giấu vũ khí trong các thùng đựng thực phẩm như cà chua, dưa leo. Mỗi lần xe chở vũ khí về nhà, các chiến sĩ đều chọn thời điểm trời gần tối, lùi xe vào tận trong nhà để tránh sự chú ý của mọi người xung quanh.
Sau đó, số vũ khí vừa được vận chuyển về nhà lại được các chiến sĩ khéo léo cất giấu trong bộ ván rồi dùng xe bò chở đến điểm hẹn, nguỵ trang như một cuộc mua bán. Bộ ván có chứa vũ khí bên trong tiếp tục được đưa lên ô tô do Ba Bảo (Nguyễn Văn Bảo) lái chở đến điểm tập kết cất giấu trong hầm bí mật nhà ông Năm Lai.
Nhờ đó, rất nhiều vũ khí với nhiều chủng loại gồm súng ngắn, AK, đạn các loại, B40, bộc phá… được vận chuyển về căn hầm, chờ ngày xuất kích.
Sau khi có lệnh tấn công của Chủ tịch uỷ ban mặt trận giải phóng miền Nam, khuya mùng 1, rạng sáng mùng 2 Tết Mậu Thân (31/1/1968), 15 chiến sĩ Đội 5 Biệt động tập trung tại căn nhà ông Năm Lai nhận vũ khí. Xuất phát trên 3 ô tô và một xe máy tiến về Dinh Độc Lập, đội 5 đã thực hiện trận đánh táo bạo, vang dội dưới sự chỉ huy của ông Trương Hoàng Thanh (tức Ba Thanh).
Các chiến sĩ Đội 5 Biệt động và chiếc xe tấn công Dinh Độc Lập.
Sau trận đánh, địch cho người đến bắn phá căn nhà vì chúng nghi đây là nơi trú ngụ của đội Biệt động Sài Gòn. Vì lực lượng quá mỏng, ông Năm Lai bị bắt và đày ra Côn Đảo. Căn nhà rơi vào tay Mỹ nhưng Mỹ không biết có hầm vũ khí ở dưới.
Sau khi đất nước thống nhất, căn nhà được trả lại cho chủ cũ (ông Năm Lai, đã mất vào năm 2002). Khi du khách vào tham quan, nếu không được người hướng dẫn thì không một ai có thể phát hiện ra vị trí nắp hầm.
Vị trí miệng hầm được đặt gần cầu thang, nắp hầm có chốt vặn ở giữa để nhấc lên, vừa đủ cho một người chui xuống.
Hiện tại, kho vũ khí vẫn đang được trưng bày dưới hầm.
Các lối thoát hiểm dưới hầm.
Cà tang đựng vũ khí và xe gắn máy từng phục vụ cho cuộc tổng tấn công nay cũng được trưng bày tại ngôi nhà.
Ông Trần Văn Lai được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân.
Đến 16/11/1988, Di tích “Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn tấn công Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968” được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia. Địa điểm này mở cửa cho khách tham quan miễn phí.
An Nhiên
Bình luận