Chủ đầu tư chưa coi trọng phân khúc nhà giá rẻ
Báo cáo về thị trường bất động sản Việt Nam năm 2020, Bộ Xây dựng cho biết, năm 2020, nhìn tổng thể, cơ cấu hàng hóa bất động sản đã được điều chỉnh từng bước nhưng vẫn chưa thực sự hợp lý, vẫn còn biểu hiện dư cung ở một số phân khúc bất động sản cao cấp tại các đô thị lớn, trong khi rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.
Cũng theo Bộ Xây dựng, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt thông qua nhiều nghị quyết, chỉ thị. Đồng thời các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động có nhiều giải pháp hợp lý, sử dụng hiệu quả các công cụ điều tiết chính như: tín dụng, thuế, đất đai, quy hoạch...nên thị trường bất động sản trong năm 2020 không rơi vào trạng thái “trầm lắng”, “đóng băng” toàn diện mà chỉ giảm phát ở một số phân khúc như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, văn phòng cho thuê.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho hay, năm 2020, trên cả nước có 743 dự án nhà ở thương mại với 232.559 căn hộ được cấp phép; 288 dự án với 57.149 căn hộ hoàn thành.
Đối với dự án nhà ở xã hội, năm 2020 trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 256 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 104.200 căn, với tổng diện tích hơn 5.210.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 264 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 219.000 căn, với tổng diện tích khoảng 10.950.000 m2.
Trong đó, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị: đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 138 dự án, quy mô xây dựng khoảng 57.200 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 2.860.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 173 dự án, quy mô xây dựng khoảng 128.500 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 6.425.000 m2.
Nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 111 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 47.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.350.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 91 dự án với quy mô xây dựng khoảng 90.500 căn hộ, tổng diện tích 4.525.000 m2.
Đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng, trên cả nước có 147 dự án với 17.884 căn hộ du lịch, 4.178 biệt thự du lịch và 94 căn văn phòng kết hợp lưu trú được cấp phép; 53 dự án với 200 căn hộ du lịch, 1.001 biệt thự du lịch đã hoàn thành.
Gần 9.000 căn hộ tồn kho
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho hay, tính đến hết Quý I/2020, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch ước tính vào khoảng gần 13.000 căn.
Trong quý II/2020 và quý III/2020, do tác động ảnh hưởng tiêu cực của tình hình đại dịch COVID-19 cũng như các khó khăn vướng mắc của cơ chế, chính sách,… đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư dự án, tiến độ triển khai các dự án, do đó nguồn cung bất động sản trong giai đoạn này không có sự gia tăng đáng kể.
Mặt khác trong thời gian này, thị trường bất động sản vẫn là kênh đầu tư thu hút vốn tốt, được cho là an toàn và lượng giao dịch vẫn khá tốt. Vì vậy, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch tính đến hết Quý III/2020 ước tính vào khoảng gần 6.000 căn.
Sang quý IV/2020, thị trường được bổ sung thêm ước tính khoảng gần 30.000 căn; đồng thời lượng giao dịch trong quý IV vẫn khá ổn định. Do đó, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch riêng trong quý IV/2020 ước tính khoảng gần 3.000 căn.
"Tổng hợp lũy kế đến cuối năm 2020, số lượng nhà ở đưa ra thị trường còn tồn, chưa có giao dịch trong năm 2020 ước tính vào khoảng gần 9.000 căn", báo cáo của Bộ Xây dựng nêu rõ.
Trong đó, các khu vực có số lượng bất động sản đưa ra thị trường chưa được hấp thụ nhiều chủ yếu là các địa phương chịu nhiều tác động ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 như: TP Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Kiên Giang, tỉnh Bình Dương,....
Trong khi các tỉnh/thành phố, đô thị lớn, tập trung như: TP Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Ninh và các địa phương đang có tốc độ đô thị hóa mạnh như: TP Cần thơ, tỉnh Long An, tỉnh Đồng Nai cơ bản vẫn giữ được phát triển ổn định của thị trường bất động sản, lượng nhà ở đưa ra thị trường chưa được hấp thụ ở mức vừa phải.
Bình luận