Trước kia, thôn Xà Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà, Hà Nội) có nghề làm hương đen. Tuy nhiên, công việc này mang lại thu nhập không ổn định nên nhiều năm nay, các hộ dân trong thôn chuyển sang thu gom phế liệu để tái chế.
Ông Trang Văn Viễn, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho hay, hiện tại thôn Xà Cầu có khoảng 180 hộ làm nghề tái chế phế liệu, chiếm 80% trên tổng số hộ dân của toàn thôn. Về kinh tế, thôn Xà Cầu đang đứng đầu toàn xã Quảng Phú Cầu. Tuy nhiên, người dân ở đây đang phải chịu ảnh hưởng bởi tiếng ồn của hàng trăm máy ép nhựa tra tấn suốt ngày và vấn nạn ô nhiễm không khí từ việc đốt rác thải.
Rác thải, phế liệu được bà con thu mua ở khắp nơi mang về tái chế. Phần không sử dụng được, người dân vứt bỏ bừa bãi khắp làng gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường. "Những thứ không thể tái chế được nữa chẳng biết mang đi đâu nên cứ chất vào các mảnh sân, góc vườn. Quanh làng Xà Cầu, gần như chỗ nào cũng chất đầy rác cùng với nỗi lo về cháy do rác", một người dân cho hay.
Lượng rác thải quá lớn nhưng địa phương không có hệ thống xử lý chất thải theo quy trình nên các hộ dân tự đem đổ ra các bãi đất trống quanh làng rồi đốt, khiến không khí trong làng luôn ngột ngạt.
Các đoạn đường quanh làng bốc khói nghi ngút, khét lẹt ngày đêm, người dân đi qua chỉ biết bịt mũi, lắc đầu ngao ngán.
Việc đốt rác tự phát khiến nhiều ruộng lúa, cây xanh bị vàng úa, không còn khả năng sống sót.
Với những loại rác thải được cơ quan chức năng khuyến cáo không được đốt, nhiều hộ kinh doanh chất thành đống gần nguồn nước. Việc này khiến cáo ao, hồ trong thôn ô nhiễm trầm trọng, gần như không thể nuôi cá thương phẩm.
Được biết, mỗi năm lượng rác thải phát sinh từ nghề tái chế phế liệu, rác thải ở thôn Xà Cầu là khoảng 150 tấn. Mặc dù lực lượng cảnh sát môi trường và công an xã đã xử phạt hành chính rất nhiều trường hợp về hành vi xả rác, đốt rác, nhưng tình hình chưa được cải thiện.
"Hiện nay, chưa có số liệu thống kê về tình trạng bệnh tật của những hộ kinh doanh ở thôn Xà Cầu cho nên khó đánh giá ảnh hưởng của nghề tái chế rác thải đối với sức khoẻ người dân", Phó chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho hay.
Nghề tái chế phế liệu đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân thôn Xà cầu nên dù biết công việc này gây ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe nhưng người dân cũng không còn cách nào khác. "Nghề này giúp gia đình tôi phát triển kinh tế, có của ăn của để trong nhà. Nghề không đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, ai cũng có thể làm được. Nhà tôi thuê một chỗ để chứa hàng khi đi thu mua về, xong về phân loại, rồi gọi các chủ to trong làng đến mua. Công việc của thôn quê nó thế, diễn ra bao nhiêu năm nay rồi”, ông Lý Đình Tuấn có thâm niên 20 năm làm nghề chia sẻ.
Công đoạn phân loại rác thải đều được người dân làm thủ công.
Anh Duy (SN 1996, ở thôn Xà Cầu) cho hay, nghề thu gom phế liệu để tái chế mang lại thu nhập cao nhưng không tránh khỏi việc gây ô nhiễm. “Nhiều người thiếu ý thức, tranh thủ lúc nửa đêm, gần sáng lén đem rác ra đồng đốt, khiến không chỉ những người Xà Cầu bị ảnh hưởng mà các thôn lân cận cũng bị vạ lây. Có nhiều lần rác cháy to còn phải gọi cả đội phòng cháy chữa cháy đến cứu hộ”, anh Duy bày tỏ.
Với đồ phế thải bằng nhựa, người ở thôn Xà Cầu không bỏ đi bất cứ thứ gì, từ vỏ ô tô, xe máy, vỏ chai, ống nước, tấm lợp... Tất cả đều được gom về, sau đó phân loại rồi tái chế.
Mọi không gia trống đều được tận dụng thành nơi tập kết phế liệu tái chế nên những trẻ em trong thôn vui chơi luôn trên nhũng núi rác, kiếm những thứ còn sử dụng được để biến thành đồ chơi.
Hiện tại, chính quyền địa phương đã lập thêm điểm tái chế rác thải ra khu vực ít dân cư hơn. Tuy nhiên, dù đã cách xa nhà dân nhưng tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước vẫn không được cải thiện.
Tại khu vực này, rác thải chất từng đống, cao khoảng 3-4m, được người dân gom lại chờ xử lý.
Theo ghi nhận của PV, khu vực này có hàng chục xưởng tái chế rác thải. Mỗi xưởng tái chế rác thải có khoảng 3-6 công nhân thường xuyên làm việc. Tất cả các công nhân phải tự trang bị những bộ đồ bảo hộ cần thiết như găng tay, quần áo hay cả ủng đi chân.
Đang miệt mài làm việc, bà Vũ Thị Thanh (50 tuổi) cho biết: "Mỗi ngày tôi làm 8 tiếng, công việc của tôi ở xưởng này là phân loại rác thải sử dụng được, gom lại đưa đi tiêu thụ. Làm việc trong môi trường ô nhiễm suốt nhiều năm tôi cũng rất lo lắng cho sức khỏe bản thân".
Dù phải chịu nhiều tác động từ môi nhiễm môi trường, song nhiều người dân ở đây vẫn cố gắng bám trụ với nghề tái chế rác thải nhựa. "Làm nghề này kinh tế thì có nhưng thật sự rất lo lắng sức khoẻ của mình và gia đình sau này vì mỗi ngày ở đây đốt rất nhiều rác thải gây ô nhiễm không khí. Chúng tôi chỉ mong địa phương có điểm tập kết riêng, có phương pháp xử lý rác thải đúng quy trình để môi trường sống của người dân được cải thiện", người dân ở làng làng tái chế nhựa phế thải lớn nhất Hà Nội chia sẻ.
Bình luận