Trận CLB Hà Nội - SHB Đà Nẵng trên sân Hàng Đẫy, vòng 5 Toyota V.League, giám sát trận đấu là Lê Hồng Thái, còn giám sát trọng tài là Dương Văn Hiền. Nguyên bộ đôi giám sát của trận CLB Hà Nội - HAGL tiếp tục làm nhiệm vụ, và điều đó đồng nghĩa với việc họ không sai, không bị kỷ luật, dù trước đó Ban Kỷ luật VFF “phạt bù” Hoàng Vũ Samson vì “phạm lỗi nghiêm trọng” và khẳng định những nhận định, quyết định trước đó là sai…
Cần phải nhắc lại “vụ Samson”: Sau trận CLB Hà Nội và HAGL ở vòng 2 V.League, tình huống phạm lỗi tiểu xảo của 2 cầu thủ chủ nhà là Văn Kiên và Samson qua mắt được trọng tài nhưng được băng hình ghi lại. Pha phạm lỗi kín cố tình đó, khán giả và các nhà chuyên môn khi xem lại đều khẳng định là lỗi bạo lực cần phải xử phạt nguội.
Tuy nhiên, theo khẳng định của VPF, BTC giải thì hồ sơ với báo cáo của các giám sát cùng các nhận định của Ban trọng tài, Ban chuyên môn VFF khi “mổ băng” đều nói rằng pha bóng đó không phải lỗi mà chỉ là “tranh chấp với mức độ liều lĩnh”.
Trước phản ứng của dư luận về sự vô lý trong cách nhìn nhận lẫn kết luận để cầu thủ của CLB Hà Nội trắng án, VFF đã yêu cầu VPF, BTC giải tường trình, xem xét lại vụ việc. Với quan điểm từ góc nhìn chuyên môn, một lần nữa cả Ban tổ chức, Ban trọng tài đều khẳng định đó không phải tình huống phạm lỗi, dù có văn bản nhắc nhở Hoàng Vũ Samson về thái độ thi đấu.
Clip: Cú đạp bóng thô bạo của Hoàng Vũ Samson
Samson không bị đề nghị phạt nguội. Thế nhưng ngày 7.2, Ban Kỷ luật VFF dựa theo đề nghị của Ban Tổng Thư ký VFF đã ra án phạt bổ sung dành cho chân sút nhập tịch của CLB Hà Nội, là treo giò 2 trận.
Với quyết định kỷ luật này, pha bóng gây tranh cãi của Hoàng Vũ Samson được xác định là sai. Nó cũng đồng nghĩa với việc phủ nhận những khẳng định cầu thủ này không có lỗi, vô tội của các bên liên quan trước đó. Và như thế, từ các giám sát đến Ban tổ chức, Ban trọng tài đều đã sai.
Thế nhưng, án kỷ luật mà Ban kỷ luật đưa ra theo chỉ đạo của Thường trực VFF, cả VPF, BTC giải lẫn Ban trọng tài đều không đồng tình. Thậm chí, họ phản đối và vẫn bảo lưu quan điểm đó không phải lỗi bạo lực, không có cơ sở để phạt Samson. Và những nhận định rồi quyết định của đơn vị tổ chức lẫn trọng tài trước đó không sai, kể cả khi có án phạt Samson.
Theo Tổng Giám đốc VPF Cao Văn Chóng, sau khi nghiên cứu băng hình, các bộ phận chuyên môn của VPF đều đánh giá tiền đạo Samson ở tình huống đó không chơi thô bạo hay ác ý.
Và một lần nữa, ông Chóng khẳng định các báo cáo của giám sát trọng tài, giám sát trận đấu cùng tiểu ban chuyên môn BTC giải đều chung quan điểm này. Bởi thế, BTC rất thất vọng trước án phạt nguội của Ban Kỷ luật VFF đối với Samson, khi ra án phạt không dựa trên hồ sơ BTC giải cung cấp.
Trưởng ban Trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi cũng bảo vệ quan điểm đưa ra trước đó, vẫn khẳng định “trên cơ sở nhận định của trọng tài cũng như tư liệu trận đấu, tình huống của Samson không phải pha bóng bạo lực, thế nên chúng tôi sẽ có ý kiến với VFF và VPF”.
Chỉ có duy nhất Hoàng Vũ Samson được xác định là sai, chịu án phạt, còn lại các bên liên quan đều không… liên quan.
Dưới rất nhiều sức ép và áp lực từ nhiều phía, án phạt dành cho Hoàng Vũ Samson vẫn được đưa ra bất chấp sự phản đối của VPF, BTC giải và Ban trọng tài. Bên trên yêu cầu xử, khẳng định đó là lỗi và ra án kỷ luật, nhưng bên dưới không đồng ý, đó là lý do mọi thứ chưa khép lại sau một án phạt.
Do khăng khăng với quan điểm ban đầu, thế nên giám sát trọng tài, giám sát trận đấu rồi cả Ban tổ chức, Ban trọng tài đều không sai. Không sai, nên cả giám sát trận đấu Lê Hồng Thái lẫn giám sát trọng tài Dương Văn Hiền - những người làm nhiệm vụ trận CLB Hà Nội - HAGL ở vòng 2, đều tiếp tục được phân công làm nhiệm vụ ở vòng 5 với trận CLB Hà Nội - SHB Đà Nẵng.
Và như thế, cuối cùng chỉ có duy nhất Hoàng Vũ Samson được xác định là sai, chịu án phạt, còn lại các bên liên quan đều không… liên quan. VFF với một án phạt đã khẳng định những cái sai trước đó, nhưng bên dưới lại không sai, vẫn phân công nhiệm vụ bình thường.
Câu chuyện bi hài liên quan đến một tình huống bóng và một án phạt chưa dừng lại, nó sẽ còn tiếp diễn. Và giờ, đó lại là “cuộc chiến” giữa đơn vị tổ chức V.League, Ban trọng tài và chính VFF. Đó mới là điều đặc biệt, đáng để... “chờ đợi”…
Bình luận