Kỳ 2 (Kỳ cuối): Những trăn trở đằng sau kỳ án khó tin
Kỳ án của ông Hàn Đức Long ( thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, Tân Yên, Bắc Giang) làm chúng tôi lại nhớ vụ án oan chấn động khác cũng xảy ra trên địa bàn Bắc Giang cách đây không lâu, người tử tù trong vụ án cũng được giải oan, trở về từ cõi chết, đó là ông Nguyễn Thanh Chấn.
Ông Chấn bị gán oan tội giết người, hiếp dâm, ông Long cũng vậy. Và cả 2 vụ án đều có điểm chung, người chồng thoát án tử kỳ diệu phần nhiều nhờ công sức của người vợ tảo tần, tuyệt đối tin tưởng chồng, tin tưởng vào công lý.
Trong vụ án Hàn Đức Long, tôi cứ bị ám ảnh trước hình ảnh người đàn bà lam lũ ôm cả đống đơn lóc cóc đi gõ cửa khắp các cơ quan từ địa phương đến trung ương những mong minh oan cho chồng.
Hồi tháng 6/2007, bà Nguyễn Thị Mai (vợ ông Long) lần đầu tiên được gặp chồng vỏn vẹn 15 phút. Lúc đó, bà đã quá sốc khi nhìn thấy chồng mình suy sụp. Bà Mai gắng không khóc theo chồng, khuyên ông Long trong tù phải cố gắng thì mình ở ngoài mới đi kêu oan được, chứ lỡ ông chết đi rồi thì oan ức biết kêu ai. Rồi sau đó là cả một hành trình đằng đẵng đi tìm công lý cho người bạn đời của mình.
Bà Mai tâm sự, đơn phải tính bằng cân, cả mấy chục cân hồ sơ rải khắp tất cả những nơi có thể gửi. Bà thuộc lòng từng tình tiết nhỏ nhất của vụ án.
“Suốt một thời gian dài, ban ngày đi gửi đơn, đêm xuống tôi lại chong đèn ngồi viết tiếp, cắn răng để không bật khóc. Đã có những lúc tôi suy sụp vì thấy họ hủy án xử lại rồi lại tuyên án tử. Nhưng tôi vẫn luôn tin chồng mình, chúng tôi sống với nhau mấy chục năm trời, tính ông như nào tôi là người hiểu rõ nhất, không bao giờ ông ấy lại làm những việc thất đức như vậy”, bà Mai cho biết.
Làm ruộng chỉ đủ ăn, không đủ chi phí lo việc đơn thư cứu chồng, không còn lựa chọn nào khác, bà Mai gửi lại nhà cho người thân rồi lang bạt khắp nơi theo các công trình xây dựng đi làm thuê. Lúc đầu chỉ là nấu ăn cho thợ, rồi sau đó bà xin thêm làm phụ hồ, xách vữa. Số tiền vất vả kiếm được, bà một phần trang trải cuộc sống, phần gửi về lo việc ở quê nhà, phần lớn còn lại phục vụ việc kêu oan.
Cho đến lúc quá mỏi mệt vì hành trình 11 năm ròng rã, bà Mai về nhà tính nghỉ ngơi một thời gian rồi lại tiếp tục lên Hà Nội làm thuê và đi gửi đơn tiếp, thì bất ngờ ông Long đã trở về.
“Sau bữa cơm tối, tôi đang ngồi trong nhà thì có tiếng người gọi cổng, tôi ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy chồng đứng ngay trước mặt mình. Tôi phải đưa tay sờ sờ, nắn tay nắn vai anh ấy để biết rằng đây không phải là một giấc mơ, rồi khóc nghẹn vì hạnh phúc…”, bà Mai kể lại.
Tuy nhiên, việc ông Hàn Đức Long được trả tự do mới chỉ là một nửa hành trình. Sắp tới, gia đình họ sẽ tiếp tục một hành trình mới, đi tìm công lý cho cả một quãng thời gian dài sống trong tủi nhục, uất ức.
Bởi dân làng Yên Lý trước đến giờ nhiều người vẫn tin rằng ông Long là thủ phạm của thảm án hiếp dâm cháu bé năm xưa, họ bảo rằng không phạm tội thì làm sao ông Long lại nhận. Thậm chí có người còn xỉa xói, khinh bỉ cả dòng họ.
Video: Tử tù Hàn Đức Long xúc động chia sẻ trong ngày được trả tự do
Suốt một thời gian dài, gia đình sống chui sổng lủi, đêm cũng không tròn giấc vì bị người ta mang đá ném vào nhà, ra đường thì không ai tiếp chuyện, con cái đành chịu cảnh phiêu bạt vì không thể sống nổi giữa sự ghẻ lạnh, căm ghét của làng xóm. Qua lại nhà người tử tù để thăm hỏi, động viên gia đình chỉ là một số ít người của dòng họ Hàn.
Bà Mai khổ cực đã đành, nhưng 2 đứa con trong gia đình cũng đâu có được yên ổn. Ngày ông Hàn Đức Long bị bắt, 2 chị em bảo nhau gắng thẳng lưng để sống, nhưng sự khắc nghiệt của người đời cứ áp xuống.
Người con cả là chị Hàn Thị Linh (SN 1988), thời điểm bố dính án oan, chị Linh đã có người để ý nhưng vì mang tiếng là có bố giết người, hiếp dâm trẻ em, nên nhà trai nhất quyết không ưng thuận. Cũng thật may là đôi trẻ đã vượt qua được mọi sóng gió, đến được với nhau.
Ngày cưới, ông Long không có mặt, bà Mai đành ra phố huyện nhờ người ta ghép ảnh ông vào ảnh cưới, cho có đầy đủ bố mẹ, cho con đỡ tủi nhục. Dù vậy, chị Linh chẳng mấy khi dám về nhà ngoại vì sợ điều tiếng.
Người con trai thứ 2 tên Hàn Đức Trọng. Ngày bố đi tù Trọng mới chỉ học lớp 9, nhưng đành bỏ học trước sự khinh ghét, lạnh nhạt của bạn bè lối xóm, phiêu bạt đi làm thuê để có chi phí phụ mẹ cứu bố. Mấy năm sau nữa đến tuổi thanh niên, người con gái mà Trọng yêu thương cũng từ bỏ cậu vì lẽ “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.
Nản chí, cậu bỏ vào tận Tây Nguyên đi hái cà phê để tránh xa thực tại. Một thời gian sau lại cắn răng quay trở về vì biết rằng mẹ và chị gái mình cũng cần phải có chỗ để dựa vào. Thật may là cho đến giờ, Trọng đã có nghề mộc để kiếm sống và phụ giúp chi phí cho mẹ đi kêu cứu, nhưng cậu cũng ít khi dám trở về làng Yên Lý.
Chúng tôi tìm qua nhà cháu bé nạn nhân trong vụ thảm án 11 năm trước, căn nhà đóng cửa im ỉm, gọi mãi mới thấy có người đi ra mở cửa.
Tuy nhiên, khi biết chúng tôi là nhà báo, chị Liễu (mẹ cháu bé) lại dừng ngay ý định mời vào nhà, chỉ đứng đằng sau cánh cửa sắt nói vọng ra. Chị bảo gia đình đã mệt mỏi lắm rồi, không muốn tiếp xúc với người lạ mặt nữa.
Vụ án tưởng chừng như đã khép lại, nhưng một lần nữa lại bùng lên khi ông Hàn Đức Long được xác định là bị oan, kèm với đó là nỗi đau mất con năm xưa ùa về khiến vợ chồng chị Liễu gần như không thể trụ vững. Trong thâm tâm, chị vẫn nghĩ rằng ông Long là thủ phạm, bởi “Theo tôi thấy mọi việc đã rõ ràng rồi, suốt hơn 10 năm chứ có ít đâu, không có tội sao ông ấy phải nhận tội…”.
Một người hàng xóm (giấu tên) lôi chúng tôi ra một chỗ khác trò chuyện, bảo nỗi đau quá lớn đã khiến cho chị Liễu trở nên tiêu cực như vậy. Đối với bản thân họ, thì tất cả chỉ là đồn đoán, nhưng họ luôn tin vào sự nghiêm minh của pháp luật và chờ ngày mọi việc được giải tỏa.
Giờ ông Hàn Đức Long đã được trở về, điều mà tất cả người dân làng Yên Lý mong mỏi là cơ quan điều tra sẽ sớm phanh phui ra được hung thủ thật sự của vụ thảm án năm xưa, lý giải mọi nghi vấn đồn đoán, để cho tình làng nghĩa xóm được gắn kết trở lại, chứ không phải sống trong cảnh nghi ngờ, thù nghịch như 11 năm nay nữa, ít nhất là giữa 2 gia đình đó.
Hải Minh – Đức Thuận
Bình luận