Kỳ 1: Những nỗi tủi nhục không thể tả bằng lời
Những ngày này, ngôi nhà nhỏ tồi tàn ở thôn Me (xã Nghĩa Chung, Việt Yên, Bắc Giang) lúc nào cũng chật ních người đến thăm hỏi, chia vui cùng với gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn. Niềm vui đoàn tụ đã đến với cả gia đình sau 10 năm ròng rã kêu oan với một niềm tin sắt đá.
Bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn), dường như không còn đủ sức chịu đựng nữa, cứ ngất lên ngất xuống. Mấy hôm nay, bà liên tục phải nhập viện cấp cứu.
Bỗng dưng... mắc tội!
Ngôi nhà của gia đình xập xệ, cũ nát, đã lâu không được sửa chữa. Chiếc máy xay xát nằm chỏng chơ trước cửa, hoen rỉ, có lẽ đã rất lâu rồi không được vận hành.
Ít ai hình dung ra được, 10 năm trước, đây là một tổ ấm hạnh phúc của gia đình ông Chấn. Vợ chồng chăm chỉ lao động, con cái được học hành đầy đủ.
Bà Nguyễn Thị Chiến liên tục ngất xỉu trong vòng tay của mọi người |
Thời điểm ấy, gia đình đầu tắt mặt tối với mẫu ruộng và vô số lợn gà. Ông bà mở thêm tiệm tạp hóa, làm thêm dịch vụ xay xát. Bản thân ông Chấn có 1 chiếc xe ngựa tranh thủ chở hàng thuê khi trong xã có ai yêu cầu.
Kinh tế gia đình đang lên thì bỗng dưng tai họa ập đến. 10 năm với biết bao nỗi đắng cay tủi nhục. Ngày công an đến bắt ông Chấn đi, ai cũng ngỡ ngàng.
Ông Nguyễn Hữu Bộ, cựu chiến binh của xã Nghĩa Chung nhớ lại: “Lúc Chấn bị bắt vì tội giết người, tôi không tin và một mực bảo nó không thể làm ác với ai, vì bình thường nó hiền như cục đất”.
Bà Phạm Thị Vì, hàng xóm gia đình ông Chấn tâm sự: “Tôi sống cạnh nó từ ngày nó còn bé chả bao giờ thấy có điều tiếng gì. Nó siêng năng lắm, làm quần quật, bất cứ việc gì miễn là có tiền để nuôi sống gia đình”.
Bà Phạm Thị Vì: 'Tôi sống với nó từ bé chả bao giờ thấy điều tiếng gì'. |
Cột trụ chính của gia đình gãy xuống. Tiếng tăm “nhà có người đi tù vì tội giết người” khiến vợ con không dám đi đâu. Có những lúc, gia đình nạn nhân đến trước cửa chửi mắng thậm tệ mà cũng không ai dám nói lại.
Ruộng vườn bỏ trống, máy xay xát không ai làm, tiệm tạp hóa không ai mua cũng phải đóng cửa. Chiếc xe ngựa không còn ai thuê cũng phải bán rẻ.
Bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) quá sốc trước tin dữ, ốm nặng nằm liệt cả tuần lễ. Lành bệnh, tin rằng chồng bị oan sai, thương các con khổ cực, bà Chiến lăn ra làm việc quần quật, làm việc bằng năm, bằng mười người khác. Ai thuê gì làm nấy, vừa lo cho cả gia đình vừa để phục vụ cho hành trình đi kiện đằng đẵng 10 năm của mình.
Lỡ dở học hành
Vợ chồng Nguyễn Thanh Chấn có tất cả 4 người con. Chỉ có duy nhất anh con trai út tên Nguyễn Thế Anh là được học đầy đủ hết cấp 3, sau đó thi đỗ cao đẳng. Nhưng học được 1 năm, Thế Anh phải bỏ học giữa chừng vì bị bạn bè xa lánh, kỳ thị khi biết tin bố mang tội “giết người sau khi không hiếp dâm được nạn nhân”.
Cậu con trai út theo học nghề lắp ráp ô tô xe máy, xin được vào làm việc tại một công ty ở Vĩnh Phúc. Được một thời gian ngắn, anh nhận quyết định nghỉ việc không có lý do.
Gia đình lúc nào cũng chật ních người đến động viên thăm hỏi |
Thế Anh xin vào một công ty khác trên thị trấn. Phỏng vấn suôn sẻ, anh tin mình sẽ tìm được một việc làm mới phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, hôm sau hồ sơ được trả về, hỏi nguyên nhân thì họ im lặng.
Trầy trật mãi, Thế Anh mới xin được vào làm việc bán hàng tại một công ty tư nhân chuyên về hàng điện tử ở thành phố Bắc Giang với mức lương tạm đủ sống. Anh quyết tâm chắt bóp, dành dụm tiền gửi về cho mẹ đi kêu oan cho bố.
Anh con trai cả trong gia đình tên Nguyễn Hữu Quyết cũng lỡ dở biết bao nhiêu dự định, kể từ lúc bố mang án tù tội. Quyết bỏ học đi làm thợ xây, phụ hồ ở khắp nơi, miễn có tiền. Về sau, là con trai trưởng, anh trở về sống với gia đình, hằng ngày mổ heo cho mẹ ra chợ bán.
Người con gái đầu tên Nguyễn Thị Quyền, sinh năm 1984, có tiếng là xinh xắn ở địa phương, cho đến giờ vẫn chưa lập gia đình. Ngày bố bị bắt, chị Quyền nghỉ học, quyết không lấy chồng để đi làm kiếm tiền kêu oan cho bố.
Ông Nguyễn Hữu Bộ: "Bình thường thằng Chấn hiền như cục đất, tôi không tin nó lại phạm tội giết người". |
Quyền xin vào làm công nhân tại một công ty may ở thành phố Bắc Giang. Hết giờ làm việc, chị lại xin đi quét dọn, giặt giũ... Chị làm bất kể việc gì miễn là có thêm tiền gửi về cho gia đình.
Năm 2009, Quyền tìm được cơ hội sang làm việc tại Đài Loan. Thương con, bà Chiến đi lạy lục khắp nơi, anh em bạn bè gần xa, trầy trật mãi mới mượn được 20 triệu chi phí cho con gái đi xuất khẩu lao động.
Ngày tạm biệt gia đình, Quyền ôm mẹ và anh em khóc lớn: “Con sẽ cố gắng kiếm được nhiều tiền gửi về cho mẹ, cả gia đình phải minh oan cho bố. Lúc nào bố về thì con mới về”.
“Bố đã được minh oan, nhưng chị vẫn chưa sắp xếp được để về thăm bố, ăn bữa cơm với cả gia đình”, chị Nguyễn Thị Thu, con gái út của ông Chấn nghẹn ngào.
Ông Nguyễn Thanh Chấn bật khóc nức nở ngày trở về |
Ông Chấn bị bắt lúc Thu đang ở tuổi 15. Thu phải nghỉ học vì không chịu nổi sự trêu chọc, kỳ thị của bạn bè. Nhiều bạn cùng trang lứa không chịu ngồi cùng bàn, chỉ vì lý do bố bị đi tù.
Thu ở nhà trợ giúp mẹ mọi công việc có thể. Đến tuổi lấy chồng nhưng chị gặp muôn vàn khó khăn trắc trở. Có người đưa Thu về ra mắt, gia đình họ đã nói thẳng: “Cấm chỉ lấy con của thằng tù”.
Mãi về sau, có một người con trai yêu thương chị thật lòng, quyết tâm vượt qua tất cả mọi dị nghị, dư luận xã hội để đến với Thu.
Còn tiếp…
Hải Minh
Bình luận