Sáng 6/4, Tiến sĩ Trần Thanh Cảng, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực nội và chống độc – Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng cho biết, đêm 5/4, Khoa đã tiếp nhận bệnh nhân Nghiêm Thị Uyên (16 tuổi) ở tổ dân phố số 2 phố Điện Biên, Đồng Tiến 2, phường Bàng La, Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng bị ngộ độc vì ăn con so biển. Bố bệnh nhân là Nghiêm Danh Hiền, 52 tuổi đã tử vong trên đường đi cấp cứu.
Được chuyển từ Bệnh viện đa khoa Đồ Sơn đến Khoa Hồi sức tích cực nội và chống độc, bệnh nhân được các y bác sỹ tại đây cho thở máy, truyền dịch, lợi tiểu, rửa dạ dày để đào thải độc chất. Đến 11 giờ ngày 6/4, bệnh nhân Nghiêm Thị Uyên đã tỉnh táo.So biển
Theo lời kể của bệnh nhân, 11 giờ ngày 5/4, Uyên và bố luộc hai con so biển ăn (mỗi con nặng khoảng 200 gam). Sau 4 giờ, anh Hiền xuất hiện triệu chứng nôn, đau bụng, tê lưỡi, yếu hai chân và được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa Đồ Sơn cấp cứu nhưng đã chết trên đường đi. Do ăn ít so biển nên sau đó Uyên mới có biểu hiện bị ngộ độc.
Trước đó, bệnh nhân Nguyễn Thị Nhung (30 tuổi) ở Vạn Hương, Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng bị ngộ độc do ăn con so biển trong tình trạng nguy kịch cũng đã được tập thể y bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực nội và chống độc – Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng cứu sống.
So biển có hình dạng rất giống con sam nhưng nhỏ hơn, đuôi tròn và sống đơn lẻ. Khi trưởng thành con so có kích thước tối đa là 25cm, trọng lượng dưới 1 kg (trong khi đó sam trưởng thành nặng từ 1,5 - 2kg). So biển là loại không thể ăn được do trứng và thịt rất độc. Trong con so có chứa chất Tetrodotoxin - một loại độc tố thần kinh mạnh như trong cá nóc.
Điều đáng nói, các bệnh nhân bị ngộ độc, tử vong vì ăn so biển đều là ngư dân, song họ không phân biệt được giữa con so và con sam biển.
Đoàn Minh Huệ - TTXVN
Bình luận