• Zalo

Ấn Độ: Những người hùng chân đất bỏ World Cup

Thể thaoThứ Hai, 02/06/2014 07:11:00 +07:00Google News

(VTC News) – Sau Indonesia, Ấn Độ là quốc gia thứ 2 của châu Á dự một kỳ World Cup nhưng lại bỏ cuộc chỉ vì FIFA không cho thi đấu bằng… chân đất.

(VTC News) – Sau Indonesia, Ấn Độ là quốc gia thứ 2 của châu Á ghi tên mình vào vòng chung kết một kỳ World Cup nhưng lại bỏ cuộc chỉ vì FIFA không cho thi đấu bằng… chân đất.

Lịch sử ghi danh Ấn Độ

Ấn Độ giành vé đến Brazil dự World Cup 1950 theo cách dễ dàng chẳng khác gì Indonesia của World Cup 1934 khi các đối thủ đấu loại của họ là Miến Điện (Myanmar), Philippines và Indonesia đồng loạt bỏ cuộc.

Dù giành vé mà không phải đấu trận nào vòng loại nhưng Ấn Độ tỏ ra rất tự tin trước thềm World Cup. Sự tự tin ấy có được nhờ những trận đấu tập có kết quả khả quan với Singapore, Hong Kong, Malaysia và Sri Lanka.

Thế nhưng trước ngày lên đường sang Brazil, Ấn Độ nhận tin sét đánh từ FIFA. Họ sẽ phải thi đấu với giày ở vòng chung kết World Cup theo điều luật vừa mới được bổ sung của tổ chức này. Cũng phải nói rõ, trước đó, trong các điều luật của FIFA không có điều luật nào quy định các cầu thủ vào sân phải mang giày. Họ chỉ đưa ra quy định khi xuất hiện trường hợp khác người của Ấn Độ.

Tuy nhiên, Ấn Độ từng dự môn bóng đá ở Olympic 1948 với đội hình toàn đi chân đất mà không thấy ai nói năng gì, nay phải xỏ giày thì rất khó đá và nhất quyết không chấp nhận cái quy định phát sinh của FIFA. Mặt khác, các quan chức Ấn Độ khẳng định họ không đủ kinh phí để chuẩn bị giày khi FIFA thông báo quá gấp.

FIFA cũng cương quyết không nhượng bộ và thế là Ấn Độ tuyên bố bỏ giải ngay trước thềm World Cup.
 Đội hình chân đất đi vào lịch sử của bóng đá Ấn Độ

Những cuộc “đào tẩu” lãng xẹt

Không chỉ Ấn Độ, Scotland cũng là đội từ chối đến Brazil (dù giành vé chính thức) vì cho rằng, mình xếp thứ 2 sau Anh mà cũng được dự World Cup là thiếu tự trọng. Bồ Đào Nha sau đó được mời thay thế Scotland nhưng cũng vì tự trọng mà từ chối.

Một đội bóng khác bỏ giải là Thổ Nhĩ Kỳ song do thiếu kinh phí. Pháp khác Bồ Đào Nha, gạt tự trọng sang một bên để đến Brazil thay cho Thổ Nhĩ Kỳ. Thế là World Cup 1950 từ 16 đội theo dự kiến còn lại 14 đội và được bốc thăm chia làm 4 bảng trong đó có 2 bảng 4 đội và 2 bảng 3 đội.

Theo kết quả bốc thăm Pháp nằm ở bảng D cùng Uruguay, Bolivia. Nhưng vì cho rằng kết quả bốc thăm khiến mình phải di chuyển cực khổ, Pháp lại bỏ cuộc khiến cho bảng đấu chỉ còn 2 đội.

Lần đầu tiên muối mặt của ĐT Anh

World Cup 1950 là kỳ World Cup đầu tiên ĐT Anh “chịu” tham dự. Thực tế, họ đến Brazil cũng rất gượng gạo bởi lâu nay luôn vỗ ngực mình là “quê hương bóng đá” và đã có nền bóng đá phát triển trước đó gần trăm năm, chẳng cần dự World Cup mới chứng tỏ mình đá bóng giỏi nhất thế giới.

Ở trận đấu đầu tiên, Anh thắng dễ Chile với tỷ số 2-0 với hai pha lập công của Mortensen ở phút 27 và Mannion ở phút 51.
Hình ảnh trận Anh - Mỹ ngày 29/6/1950

Tới trận thứ 2 gặp Mỹ, bất ngờ đã xảy ra. Đội hình toàn hảo thủ của Anh lúc bây giờ như thủ thành Bert Williams, Alf Ramsey, Billy Wirght (đội trưởng), John Aston, Roy Bentley, Stan Mortensen, Tom Finney… đã để cho đội bóng toàn giáo viên, sinh viên thi trượt chán đời, anh hầu bàn, rồi một anh tài xế chuyên chở xe tang, hay thậm chí một anh người Bỉ đi lạc đến Mỹ… đánh bại 1-0. Bàn thắng duy nhất của trận đấu được ghi bởi Gaetjens - một du học sinh người Haiti, theo học ngành kế toán tại ĐH Columbia.
 Đội hình ĐT Mỹ đánh bại Anh tại World Cup 1950

Sau trận thua này, các tờ báo ở Anh nhận thông tin qua điện tín còn chẳng tin cơn địa chấn đã xảy ra ở sân Estadio Independencia, thành phố Belo Horizonte, Brazil nên vô tư nghĩ rằng, đó là lỗi in ấn. Họ đồng loạt sửa kết quả thành Anh thắng Mỹ 10-1. 

Quá choáng váng về thất bại trước Mỹ, ĐT Anh thua tiếp Tây Ban Nha 0-1 ở lượt trận cuối và xách vali về nước không thể muối mặt hơn.

Clip thất bại của ĐT Anh trước Mỹ hơn 60 năm trước:


Hà Thành
Bình luận
vtcnews.vn