Trước tình trạng các quốc gia giàu có dự trữ hầu hết các loại vaccine COVID-19 được sản xuất trong năm nay, nguồn cung cấp vaccine chủ yếu cho các nước đang phát triển sẽ là viện Huyết thanh Ấn Độ. Tuy nhiên, việc nước này cấm xuất khẩu vaccine có thể khiến các quốc gia nghèo hơn phải chờ hàng tháng để bắt đầu tiêm chủng.
Ông Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành viện Huyết thanh Ấn Độ, cho biết vaccine do viện phát triển đã được cấp phép để đưa vào sử dụng hôm 3/1. Nhưng để đảm bảo rằng các nhóm dân cư dễ bị tổn thương ở Ấn Độ được ưu tiên tiêm chủng, loại vaccine này không được phép xuất khẩu và bị cấm buôn bán trên thị trường tư nhân.
“Hiện giờ chúng tôi chỉ có thể cung cấp (vaccine) cho chính phủ Ấn Độ”, ông Poonawalla nói.
Do đó, việc viện Huyết thanh xuất khẩu vắc xin vaccine cho Sáng kiến COVAX, nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19 của mọi quốc gia, cũng bị trì hoãn.
Ông Poonawalla cho biết viện Huyết thanh đang trong quá trình ký một hợp đồng lớn với COVAX để xuất khẩu 300 - 400 triệu liều vaccine, thỏa thuận sẽ được hoàn tất trong những tuần tới. Dự định, 200 – 300 triệu liều thuốc sẽ được cung cấp cho COVAX vào tháng 12/2021.
100 triệu liều vaccine COVID-19 đầu tiên của Ấn Độ đang được bán cho chính phủ nước này với “giá đặc biệt” là 200 rupee (2,74 USD) mỗi liều, sau đó giá sẽ cao hơn. Vaccine sẽ được bán trên thị trường tư nhân với giá 1.000 rupee (13,68 USD) mỗi liều.
Giám đốc Poonawalla thừa nhận viện Huyết thanh sẽ phải cân đối việc phân phối vaccine giữa Ấn Độ và COVAX.
Ông nói thêm rằng ngay cả khi kế hoạch của tất cả các nhà sản xuất vaccine trên thế giới thành công, vaccine COVID-19 vẫn có thể thiếu hụt trên toàn cầu trong năm tới.
Bình luận