Sau khi cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường từ 20/7, Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới - lại tiếp tục áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ từ ngày 26/8. Động thái trên có thể làm giảm lượng gạo xuất khẩu từ Ấn Độ, đồng thời đẩy giá gạo toàn cầu - vốn đang cao nhất trong vòng 12 năm qua - tăng thêm.
Trước đó, Myanmar cũng tạm thời hạn chế xuất khẩu gạo trong khoảng 45 ngày, kể từ cuối tháng 8/2023, trong bối cảnh giá gạo nội địa tăng cao. Myanmar là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 5 thế giới, với hơn 2 triệu tấn mỗi năm.
Giá gạo Việt Nam tiếp tục bùng nổ?
Thông tin trên khiến giá gạo Việt lập đỉnh mới. Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (Vietfood) cho thấy, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam lên mức 643 USD/tấn - cao nhất thế giới.
Tại thị trường nội địa, sau khi điều chỉnh giảm nhẹ, ở tuần từ 17-25/8, giá lúa gạo đồng loạt tăng trở lại. Trong đó, lúa thường tại kho có mức tăng thấp nhất là 133 đồng/kg, gạo lứt loại 1 có mức tăng cao nhất là 313 đồng/kg.
Dự báo về giá gạo Việt Nam trong thời gian tới, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - cho biết, thị trường gạo Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng quá nặng nề bởi thông tin này. Vì gạo đồ là mặt hàng ít được Việt Nam sử dụng. Tuy nhiên, động thái mới của Ấn Độ sẽ ảnh hưởng đến giá gạo toàn cầu, do nguồn cung gạo từ Ấn Độ lâu nay luôn rất lớn. Những biến động trên thị trường thế giới có thể ảnh hưởng đến thị trường các nước.
Chuyên gia nông nghiệp - GS Võ Tòng Xuân cũng phân tích: Việc Ấn Độ áp dụng thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ sẽ khó tác động mạnh vào thị trường Việt Nam. “Giá gạo đang ở mức rất cao, hơn nữa mặt hàng gạo đồ ở Việt Nam không phổ biến. Thông tin mới nhất có thể tác động đến thị trường gạo trong nước chính là việc Myanmar sẽ hạn chế xuất khẩu gạo trong thời gian tới. Tuy nhiên mức độ tác động cũng không lớn vì giao dịch đơn hàng gạo giữa doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar không nhiều", GS Xuân giải thích.
Trong khi đó, đại diện Công ty gạo Phương Thảo nhận định, giá gạo trong nước đang ở mức rất cao nên khó có thể tăng lên hơn nữa. Hiện giá lúa bán từ ruộng của nông dân đang bị đẩy lên quá cao, đây cũng chính là rào cản khiến doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp khó. “Lượng hàng trong kho không nhiều trong khi giá gạo cao, doanh nghiệp khó mua vào để chào bán các đơn hàng xuất khẩu mới. Riêng việc có đủ số lượng để trả các đơn hàng đã ký trước đó cũng đã gặp nhiều khó khăn”, đại diện doanh nghiệp cho hay.
Vì sao doanh nghiệp khó thu mua gạo?
Không chỉ Công ty Phương Thảo mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác cũng phản ánh giá gạo bán ra từ nông dân hiện đang ở mức rất cao, khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó trong vấn đề thu gom, thậm chí càng kinh doanh càng thua lỗ.
Trả lời VTC News về vấn đề này, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, chỉ những doanh nghiệp thiếu chuỗi liên kết cung ứng mới kêu khó trong giai đoạn này.
"Giá gạo thế giới tăng thì giá gạo trong nước cũng sẽ tăng theo. Thị trường sẽ tạo ra quy luật và doanh nghiệp tham gia thị trường phải tuân thủ theo quy luật đó. Doanh nghiệp làm thương mại nhưng không có chân hàng, không có chuỗi cung ứng, không dự trữ nguồn hàng thì sẽ sớm bị đào thải", ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, doanh nghiệp xuất khẩu gạo nào trong giai đoạn này kêu khó khăn thì cần cơ cấu lại, xây dựng chuỗi cung ứng, nguồn cung cho chế biến xuất khẩu, tạo thành chuỗi liên kết thì lúc đó mới có thể xuất khẩu một cách bền vững. Còn như hiện nay, doanh nghiệp chỉ là đầu mối xuất khẩu, đi thu mua lại gạo từ các cơ sở xay xát, sau đó gia công, chế biến lại, phối trộn theo tiêu chuẩn nhà nhập khẩu thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn khi có biến động về giá trên thị trường quốc tế.
“Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Việt Nam hiện thiếu vốn lưu động để thu mua hàng phục vụ kinh doanh, xuất khẩu mà dựa phần lớn vào vốn vay ngân hàng khi có hợp đồng xuất khẩu và thế chấp để vay thì sẽ không giải quyết được bài toán về vốn. Bản thân doanh nghiệp phải có tích lũy từ việc kinh doanh để giảm lệ thuộc vào vốn vay, đó là kiểu làm "bóc ngắn cắn dài", không thể lớn mạnh và tự lực được.
Chính thị trường sẽ là nhân tố quyết định và sàng lọc đối với những doanh nghiệp không có chiến lược và chính sách thương mại bền vững. Đã đến lúc doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cần thay đổi tư duy và có định hướng chiến lược trong xuất khẩu gạo để xây dựng thị trường bền vững trong tương lai", ông Hòa nhấn mạnh.
Bình luận