Chính trị

'Ăn cơm nghị trường' làm cầu nối Quốc hội với Nhân dân

Thứ Tư, 26/04/2023 16:00:00 +07:00

(VTC News) - Các nhà báo đưa tin hoạt động Quốc hội của VOV nhận định, Quốc hội luôn tạo điều kiện để báo chí tác nghiệp, giúp báo chí trở thành cầu nối Quốc hội với Nhân dân.

'Ăn cơm nghị trường' làm cầu nối Quốc hội với Nhân dân - 1

 

'Ăn cơm nghị trường' làm cầu nối Quốc hội với Nhân dân - 2

 

Nhà báo Sông Thao - Phó trưởng Ban Dân tộc (VOV4), kể về những kỷ niệm khi còn là phóng viên nghị trường.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề, trải qua nhiều vị trí, từ phóng viên, biên tập viên cho đến công tác quản lý, nhưng quãng thời gian đưa tin, tường thuật Quốc hội luôn để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc”. Đó là chia sẻ của nhà báo Trần Sông Thao - Phó trưởng Ban Dân tộc (VOV4), Đài Tiếng nói Việt Nam, người có 15 năm “ăn cơm nghị trường”.

Năm 1997 khi đang thường trú tại khu vực miền Trung, nhà báo Sông Thao được điều động ra làm phóng viên tại Ban Thời sự (VOV1) và được cử đi tác nghiệp tại Quốc hội, trong nhóm tường thuật trực tiếp. Ông cũng là một trong những thế hệ đầu tiên tham gia vào công tác phát thanh trực tiếp hoạt động của Quốc hội, sau giọng nói truyền cảm, sâu sắc của các nhà báo Kim Chi, Đình Khải…

'Ăn cơm nghị trường' làm cầu nối Quốc hội với Nhân dân - 3

 

Theo nhà báo Sông Thao, để một chương trình tường thuật trực tiếp Quốc hội đạt hiệu quả cao nhất thì công tác chuẩn bị tư liệu là vô cùng quan trọng. Thời kỳ cuối những năm 1990 Internet chưa phát triển, việc thu thập tài liệu của phóng viên vô cùng vất vả.

Ông Thao kể: “Tất cả những tư liệu đều nằm trên báo giấy, đặc biệt là báo Nhân dân. Muốn tìm tư liệu chúng tôi phải đến phòng Tư liệu của Đài Tiếng nói Việt Nam ghi chép những số liệu, những vấn đề trọng tâm của Quốc hội đặt ra trong nhiệm kỳ đó, hoặc trong giữa hai kỳ họp…”.

Ông Thao nêu ví dụ, nếu kỳ họp này tập trung cho công tác lập pháp là Bộ Luật tố tụng hình thì nhóm phóng viên phải xem lại có những điểm nào mà trước đó người dân chưa đồng tình, ĐBQH tranh luận, hoặc trong quá trình thực tiễn phát sinh ra những vấn đề gì mà các cơ quan chức năng xử lý chưa tốt… Những thông tin đó sẽ được cập nhật để khi đưa tin mới đầy đủ, mới phản ánh được những điểm đã được tiếp thu, sửa chữa hoặc những vấn đề mới phát sinh từ cuộc sống.

Bên cạnh đó, việc trao đổi giữa phóng viên và lãnh đạo Đài cũng gặp nhiều trở ngại khi điện thoại di động chưa phổ biến. Vì vậy kế hoạch chương trình phát thanh trực tiếp đều được xây dựng một cách chi tiết, lường trước các vấn đề phát sinh... Phóng viên này làm gì, cán bộ này làm gì, ai làm nội dung này, ai làm nội dung kia… đều được lên kịch bản, người nào được phân công việc gì thì cứ làm việc đó.

Tất nhiên vẫn có những sai số, sự cố về nội dung cũng có, sự cố về kỹ thuật cũng có. Về mặt nội dung, có vấn đề quá mới mẻ mình chưa thể chuẩn bị được tư liệu, khi trực tiếp sẽ bị tắc, buộc phóng viên phải trám vào những tư liệu khác. Ví dụ như “Thưa quý vị và các bạn, chúng tôi nói thêm về vấn đề này…” để sóng không bị ngắt quãng”, nhà báo nghị trường năm xưa cho hay.

'Ăn cơm nghị trường' làm cầu nối Quốc hội với Nhân dân - 4

 

Bên cạnh đó, nhà báo Sông Thao nhìn nhận, thời điểm những năm đầu ông đi đưa tin nghị trường, điều kiện tác nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Phóng viên muốn phỏng vấn ĐBQH phải gửi câu hỏi trước để đại biểu soạn tư liệu, sau đó mời họ vào buồng phát thanh và đọc đúng theo những gì đã soạn ra, không có phỏng vấn hành lang trực tiếp như hiện nay.

Từ góc nhìn của một nhà báo có thâm niên 15 năm đưa tin hoạt động và hiện vẫn theo sát thông tin, ông Thao nhận xét, càng ngày Quốc hội càng đổi mới, cứ mỗi một nhiệm kỳ qua đi thì Quốc hội đổi mới một bước cả về nội dung, phương thức hoạt động và cách thức tạo điều kiện cho báo chí tiếp cận với nghị trường, với đại biểu Quốc hội.

Điều đó thể hiện sự dân chủ, công khai, gần gũi nhân dân của Quốc hội. Chính vì thế mà những bài báo trên Đài Tiếng nói Việt Nam nói riêng và trên các cơ quan báo chí khác càng được người dân theo dõi nhiều hơn, nhân dân hiểu biết và cảm thông, đồng lòng cùng Quốc hội. Và chúng tôi cũng nêu được những vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm mà họ muốn nói ra với cử tri”, ông Thao nói.

'Ăn cơm nghị trường' làm cầu nối Quốc hội với Nhân dân - 5

 

Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh thường hỏi: “Chúng tôi đang định như thế này, anh em báo chí thấy được không?”. Ông Nguyễn Văn An thì nói rõ luôn: “Tới đây Quốc hội sẽ làm những việc này, các đồng chí phóng viên chuyên trách thạo việc phải góp ý cho chúng tôi những vấn đề này, vấn đề kia, như thế nào là được, như thế nào là không được”. Ông An ngay khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch Quốc hội khóa XI cũng đã quyết định cho báo chí vào dự và đưa tin các phiên họp hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, nhà báo Sông Thao kể lại.

Theo ông, trên cơ sở những đổi mới từng bước đó, về sau Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lại tiếp bước và đi vào cụ thể hơn. “Rõ ràng có những thứ gọi là gối đầu, từ đổi mới này tiếp nối đổi mới khác, nó vừa logic, chặt chẽ mà đảm bảo sự phát triển theo từng bước chứ không phải mang tính chất đột biến. Để cho báo chí thực sự là cầu nối giữa Quốc hội với cử tri, Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai và gần dân hơn”.

'Ăn cơm nghị trường' làm cầu nối Quốc hội với Nhân dân - 6

 

Trước năm 2014, khi hội trường Ba Đình được phá đi để xây mới, các kỳ họp Quốc hội được tổ chức tại hội trường của Bộ Quốc phòng (đường Nguyễn Tri Phương). Trung tâm báo chí khi đó được bố trí khi thì ở số 19C Hoàng Diệu, lúc lại ở số 37 Hùng Vương.

Nhớ về quãng thời gian tác nghiệp đó, nhà báo Ngọc Thành - Báo Điện tử VOV, Đài Tiếng nói Việt Nam - chia sẻ, anh chị em phóng viên phải luôn “cơ động” để hoàn thành nhiệm vụ, nhất là quãng thời gian Quốc hội giải lao và báo chí được tiếp cận đại biểu Quốc hội bên hành lang Quốc hội.

Theo quy định, ngoài thẻ tác nghiệp chính được cấp trước khi kỳ họp diễn ra thì trong các ngày làm việc của Quốc hội, phóng viên phải có thêm “thẻ sự kiện” - đăng ký và phát ở Trung tâm báo chí để được vào khu vực hội trường. Giờ giải lao chỉ hơn 20 phút, do đó, phóng viên cũng phải rất tranh thủ để kịp di chuyển sang trụ sở Bộ Quốc phòng.

Có kỳ họp, phóng viên thuộc một số cơ quan báo chí như Đài Tiếng nói Việt Nam được cấp thẻ B nên có thể được phép vào thẳng khu vực hội trường. Tuy nhiên, sau này không còn thẻ B nữa, tất cả đều phải đăng ký thẻ C tại Trung tâm báo chí. Nhiều khi mải làm tường thuật, đến giờ giải lao mới lấy xe máy để đi thì đến hội trường cũng gần hết giờ. Có đề tài tòa soạn giao cần phỏng vấn ý kiến đại biểu Quốc hội cũng không kịp hoàn thành”, phóng viên Ngọc Thành nói.

'Ăn cơm nghị trường' làm cầu nối Quốc hội với Nhân dân - 7

 

Từ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII (10/2014), Nhà Quốc hội khánh thành và đưa vào sử dụng, phóng viên nghị trường được tạo thuận lợi hơn rất nhiều. Dù số lượng thẻ sự kiện có hạn, nhưng phóng viên có thể đăng ký online qua cổng thông tin. Vụ Thông tin thuộc Văn phòng Quốc hội cũng điều phối hài hòa căn cứ vào nội dung chương trình để các báo có thể luân phiên tiếp cận hành lang, và đặc biệt là có 5 thẻ dành cho phóng viên đến sớm nhất nên nhìn chung mọi thứ thuận lợi hơn.

Trung tâm báo chí được đặt ngay trong tòa nhà nên phóng viên chỉ cần lên tầng 3 vào giờ giải lao là có thể gặp được đại biểu mình định phỏng vấn, vì thế mà nhiều vấn đề “nóng” cần tiếng nói của đại biểu dân cử không còn bị “nguội” nữa”, phóng viên Ngọc Thành của Báo Điện tử VOV phấn khởi nói.

'Ăn cơm nghị trường' làm cầu nối Quốc hội với Nhân dân - 8

 

Anh nhấn mạnh, ngoài ra tín hiệu trực tiếp từ hội trường mà các phóng viên có thể theo dõi, khai thác (trừ các phiên họp kín), Trung tâm Báo chí ngày càng cung cấp đầy đủ và kịp thời tài liệu, hình ảnh kỳ tới cơ quan báo chí; không ít nội dung “nóng” được Tổng Thư ký Quốc hội tổ chức họp báo ngay lập tức để thông tin kịp thời.

Nhà báo Ngọc Thành cho hay, thời gian bên hành lang Quốc hội rất quan trọng để các báo có những thông tin “độc quyền” hoặc đi sâu vào vấn đề tòa soạn hướng đến mà dư luận đang rất quan tâm, cần tiếng nói của Đại biểu Quốc hội.

Do đó, để có thể tận dụng tốt, phóng viên phải có sự chuẩn bị, thậm chí hẹn trước người mình định phỏng vấn và đôi lúc cũng cần một chút may mắn nữa vì không phải lúc nào cũng gặp được người mình định tiếp cận.

'Ăn cơm nghị trường' làm cầu nối Quốc hội với Nhân dân - 9

 

Về công tác thông tin, truyền thông, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn từng đề nghị, báo chí cần tiếp tục tăng cường phỏng vấn về những vấn đề đang được Quốc hội xem xét, bàn thảo… để thấy được hình ảnh của Quốc hội công khai, minh bạch, đổi mới, vì cử tri, vì Nhân dân.

Là phóng viên theo dõi, đưa tin các hoạt động nội chính nhiều năm nay, nhà báo Trần Thị Thanh Tâm - Kênh VTC1, Đài truyền hình KTS VTC - nhận thấy công tác tổ chức tác nghiệp cho phóng viên nghị trường đã có nhiều bước phát triển, đổi mới, sáng tạo.

'Ăn cơm nghị trường' làm cầu nối Quốc hội với Nhân dân - 10

 

Theo dõi các kỳ họp gần đây có thể thấy, Quốc hội ngày càng đổi mới không chỉ về tư duy mà còn cả về phương thức thể hiện khi các phiên phát thanh - truyền hình trực tiếp ngày càng rộng rãi hơn. Việc tất cả các đài từ Trung ương cho đến địa phương đều có thể tiếp sóng các phiên truyền hình trực tiếp là một ví dụ minh chứng cho sự đổi mới đó.

Ngoài ra, việc cung cấp thông cáo báo chí, các dự thảo Luật, các Báo cáo thẩm tra trong các phiên cũng nhanh chóng, kịp thời. Việc khai thác hình ảnh cũng đơn giản, tiện ích.

Đặc biệt, thay bằng việc giới hạn số thẻ tác nghiệp của phóng viên lên hàng lang để phỏng vấn trực tiếp đại biểu, giờ đây, Văn phòng Quốc hội cũng đã cho tất cả các cơ quan báo chí đăng kí online, chủ động phát thẻ sự kiện xuyên suốt kỳ họp cho một số cơ quan truyền thông lớn.

Theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, để đáp ứng tiêu chí “công khai, minh bạch, đổi mới, bên cạnh việc tạo điều kiện tác nghiệp cho phóng viên, trong nhiều phiên họp, cử tri cũng sẽ được mời vào Hội trường Diên Hồng dự khán để theo dõi hoạt động của Quốc hội. Việc này không chỉ tạo điều kiện cho phóng viên có không gian tác nghiệp mà ngay cả người dân cũng có những tiếp cận gần gũi, thân thuộc hơn với Quốc hội.

'Ăn cơm nghị trường' làm cầu nối Quốc hội với Nhân dân - 11

 

Để có được sự thuận tiện trong tác nghiệp của phóng viên nghị trường như thế không thể không nhắc đến đổi mới trong tư duy phục vụ báo chí của Văn phòng Quốc hội.

Với thâm niên 13 năm phụ trách công tác “bếp núc” ở Văn phòng Quốc hội, là người giúp đỡ tích cực báo chí tác nghiệp và chính mình cũng là cộng tác viên uy tín của nhiều tờ báo, TS Nguyễn Sĩ Dũng nêu rõ, thời kỳ phụ trách công tác thông tin truyền thông tại Văn phòng Quốc hội, ông không dùng thuật ngữ “quản lý báo chí”, thay vào đó là “cung cấp dịch vụ cho báo chí”.

Nghị trình như thế nào, lịch hoạt động các Ủy ban như thế nào… là một phần của dịch vụ báo chí. Tiếp theo là thẻ tác nghiệp như thế nào, cung cấp tài liệu ra sao, những phiên không phải là họp kín thì phải tạo điều kiện cho báo chí, không độc đoán, tránh tình trạng thích thì cho không thích thì thôi…

Ông khẳng định, báo chí là cầu nối của Quốc hội với cử tri. Nước ta có hơn 50 triệu cử tri thì không thể đến hết Nhà Quốc hội giám sát nên phải giám sát thông qua truyền thông.

Nếu không được đưa lên mặt báo, lên sóng phát thanh, truyền hình thì đại biểu và thành viên Chính phủ luận bàn công việc mà như đóng cửa nói trong nhà, mất đi sự hào hứng. Càng có nhiều người nghe, người xem thì mới càng nhiều người đánh giá, càng tạo được sự hứng khởi trong tranh luận dân chủ. Bảo đảm trách nhiệm giải trình, làm cho vấn đề minh bạch đối với dân là những công việc quan trọng mà truyền thông đóng góp”, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng nói.

'Ăn cơm nghị trường' làm cầu nối Quốc hội với Nhân dân - 12

 

(Trong bài sử dụng các hình ảnh của Quốc hội Media)
Bình luận
vtcnews.vn