Tác dụng của gạo lứt với sức khoẻ
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, gạo lứt là loại ngũ cốc nguyên hạt, được loại bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài, để lại phần cám gạo và mầm, chứa nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Dưới đây là những lợi ích tuyệt vời mà gạo lứt có thể mang lại cho sức khỏe của chúng ta:
Gạo lứt rất tốt cho sức khỏe tim mạch
Gạo lứt chứa nhiều chất xơ và một số loại hợp chất mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch. Chất xơ sẽ giúp phòng ngừa các bệnh lý tim mạch, bệnh về đường hô hấp.
Hợp chất lignans trong gạo lứt cũng mang đến tác dụng giảm huyết áp, giảm cholesterol và đồng thời giảm xơ vữa động mạch. Từ đó có thể ngăn chặn hiệu quả nguy cơ gây bệnh tim mạch.
Hơn nữa, loại gạo này cũng chứa nhiều magie, cần thiết để bảo vệ sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa nguy cơ suy tim và tử vong.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Sử dụng gạo lứt cũng là thói quen giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường vì loại gạo này có lợi ích kiểm soát tốt lượng đường trong máu và ngăn ngừa bệnh tiến triển.
Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyên bệnh nhân tiểu đường nên chú ý nhiều đến chế độ ăn của mình để đảm bảo bữa ăn cân bằng dưỡng chất. Tốt nhất hãy kết hợp gạo lứt với những thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất khác như các loại rau củ quả, chất béo lành mạnh, đồng thời hạn chế những thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ và thực phẩm chế biến sẵn.
Không chứa gluten
Đây là loại protein có thể tìm thấy trong lúa mạch, lúa mì. Thời gian gần đây, nhiều người đã thực hiện chế độ ăn không chứa gluten, vì chất này có thể gây ra những vấn đề như sau:
+ Một số trường hợp không dung nạp được gluten và khi tiêu thụ chất này có thể gây ra một số phản ứng dị ứng, gây đầy hơi, đau dạ dày, buồn nôn, tiêu chảy.
+ Hơn nữa, gluten cũng không tốt cho những người mắc bệnh tự miễn.
Điều quan trọng là gạo lứt không chứa gluten vì thế nó đã được nhiều người lựa chọn để bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày để đảm bảo không dung nạp gluten.
Hỗ trợ giảm cân hiệu quả
Nếu bạn hỏi “gạo lứt có tốt không” và muốn bổ sung loại thực phẩm này vào chế độ ăn kiêng nhằm thực hiện mục tiêu giảm cân thì câu trả lời là “có”. Thay vì ăn gạo trắng mỗi ngày, bạn có thể ăn gạo lứt để giảm cân hiệu quả hơn.
Trong gạo lứt chứa nhiều chất xơ, trung bình khoảng 158 gram gạo lứt thì có 3,5 gram chất xơ. Ăn nhiều chất xơ sẽ giúp bạn cảm thấy no nhanh hơn, đồng thời giảm cơn thèm ăn vặt và hạn chế nạp thêm calo cho cơ thể. Vì thế, nếu có ý định giảm cân, bạn có thể bổ sung loại thực phẩm này trong chế độ ăn hàng ngày.
Tăng cường sức khỏe xương
Trong gạo lứt có chứa nhiều magie - rất tốt cho xương, giúp xương luôn chắc khỏe. Hơn nữa, khi ăn gạo lứt thì quá trình hoạt hóa vitamin D trong cơ thể cũng diễn ra thuận lợi hơn và từ đó giúp hấp thụ canxi tốt hơn, ngăn ngừa những bệnh về xương khớp.
Ăn cơm gạo lứt thay cơm trắng có tốt cho sức khoẻ?
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời PGS.TS.Nguyễn Xuân Ninh - nguyên Trưởng khoa Vi chất Dinh dưỡng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Phó Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, khó có thể kết luận có nên ăn gạo lứt thay gạo trắng hay không. Trong khi gạo trắng là thực phẩm quan trọng của phần lớn dân số thế giới. Vì vậy, bạn nên cân nhắc sử dụng chúng linh hoạt, phù hợp.
Cách ăn gạo trắng
Nếu bạn chọn gạo trắng thay vì ngũ cốc nguyên hạt, hãy cân nhắc làm lạnh để giảm tác động lên lượng đường trong máu. Bạn cũng nên kết hợp gạo trắng với các loại thực phẩm toàn phần giàu chất dinh dưỡng khác, bao gồm rau, các loại đậu (đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu gà) và các loại hạt. Bạn cũng nên kết hợp ăn cơm với các món khác như: trứng, thịt, cá, món xào…
Cách ăn gạo lứt
Bạn có thể sử dụng gạo lứt để bổ sung chất xơ, vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa nhằm giảm nguy cơ bệnh tật. Tuy nhiên không nên ăn duy nhất một loại gạo lứt. Nên kết hợp một phần gạo lứt vừa phải với các loại thực phẩm toàn phần khác để tận dụng những lợi ích của nó và tối ưu hóa tốt nhất lượng dinh dưỡng và lượng calo tổng thể của bạn.
Như vậy cả gạo lứt và gạo trắng đều là thực phẩm quan trọng đối với sức khoẻ. Bạn hãy cân nhắc sử dụng hai loại gạo này phù hợp với nhu cầu cá nhân của mình.
Bình luận