Hôm nay (26/4), Ban Giải quyết khiếu nại LĐBĐ Việt Nam (VFF) đã quyết định hủy bỏ án phạt dành cho CLB Hà Nội trong vụ việc cổ động viên đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy ở vòng 6 V-League. Trước đó theo quyết định ngày 24/4, Ban Kỷ luật VFF phạt CLB Hà Nội 70 triệu đồng và cấm khán giả đến sân ở trận đấu gặp CLB TP.HCM ở vòng 7.
Đội bóng Thủ đô đã khiếu nại thành công đối với án phạt này và được dỡ bỏ án phạt cấm sân. CLB Hà Nội chỉ nhận án phạt tiền 70 triệu đồng do để khán giả đốt pháo sáng nhiều lần, không đảm bảo an ninh, an toàn gây hoang mang, ảnh hưởng đến sức khỏe người khác. Án phạt 70 triệu đồng dành cho CLB Hải Phòng không thay đổi.
Ban Giải quyết khiếu nại khẳng định "BTC trận đấu Hà Nội phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm nghiêm trọng là đốt pháo sáng, cần phải được xử lý nghiêm khắc". Tuy nhiên, khi so sánh mức áp dụng hình phạt giữa hai CLB thì BTC trận đấu CLB Hà Nội bị áp dụng hình phạt nặng hơn là không hợp lý vì hoạt động ném pháo sáng hoàn toàn do lỗi từ CĐV Hải Phòng.
"Để xảy ra vi phạm có trách nhiệm của nhiều đơn vị và cá nhân. Đặc biệt, Ban Giải quyết khiếu nại đánh giá: các trận đấu tiếp theo sẽ thu hút các cổ động viên của các CLB khác, các khán giả trung lập, nếu đóng cửa sân Hàng Đẫy vì lý do cổ động viên Hải Phòng vi phạm thì sẽ ảnh hưởng đến các cổ động viên của các CLB khác và những người hâm mộ bóng đá chân chính.
Một điểm nữa được xem xét đến chính là cặp đấu giữa CLB Hà Nội và CLB TPHCM sắp tới rất được chờ đợi, được tổ chức đúng dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, cần được tổ chức có số đông cổ động viên, tạo khí thế trong ngày hội".
Như vậy người hâm mộ, các cổ động viên của CLB Hà Nội và CLB TP.HCM vẫn được đến sân Hàng Đẫy để theo dõi màn thư hùng giữa hai đội cuối tuần này. Cặp đấu giữa hai đội bóng đầu bảng V-League hiện tại được đánh giá là trận cầu đinh của vòng 7.
Ban Giải quyết khiếu nại đã phản ứng rất nhanh trước đề nghị kháng án của CLB Hà Nội, khi chỉ mất 1 ngày để huỷ án của Ban kỷ luật.
Trường hợp gần nhất được Ban Giải quyết khiếu nại giảm án là cầu thủ Văn Quân của CLB Cần Thơ. Văn Quân được giảm án cấm thi đấu từ 11 trận xuống 7 trận sau khi đã chấp hành án phạt được 3 vòng vì có "dấu hiệu tiêu cực".
Video: Mưa pháo sáng trên sân Hàng Đẫy trận Hà Nội vs Hải Phòng
Trình tự xử lý kỷ luật của Ban kỷ luật LĐBĐ Việt Nam cũng như các quy định khác liên quan đến việc xử lý kỷ luật đối với các trường hợp vi phạm.
1. Đối với trường hợp Ban Kỷ luật xem xét xử lý kỷ luật:
a) Ban Kỷ luật tiếp nhận và nghiên cứu hồ sơ về vụ việc vi phạm kỷ luật.
b) Ban Kỷ luật có quyền trực tiếp hỏi những người có liên quan đến vụ việc (dù là người tố cáo hay là người biết sự việc), yêu cầu họ xuất trình và cung cấp những tài liệu cần thiết có liên quan. Đối với những vụ việc nghiêm trọng, Trưởng Ban Kỷ luật có thể phân công ủy viên của Ban điều tra, thu thập thông tin, gặp các bên và những người có liên quan để xem xét vụ việc. Nếu thấy cần thiết, Trưởng Ban Kỷ luật đề nghị các bộ phận, cơ quan chức năng phối hợp điều tra để xử lý.
- Các bên được hỏi có nghĩa vụ phối hợp để xác minh sự thật theo yêu cầu của Ban Kỷ luật. Đặc biệt, họ phải tuân thủ những yêu cầu cung cấp thông tin của Ban Kỷ luật.
- Khi thấy cần thiết, Ban Kỷ luật xác minh lại lời khai về các sự kiện thực tế của các bên.
- Nếu các bên chậm trễ trong việc trả lời, Trưởng ban Kỷ luật (sau khi đã cảnh cáo) có thể quyết định phạt tới 10.000.000 đồng.
c) Nếu các bên không phối hợp, bỏ qua thời hạn đã đặt ra, Trưởng Ban Kỷ luật ra quyết định xử lý kỷ luật dựa vào những tài liệu có trong hồ sơ.
d) Về nguyên tắc, Ban Kỷ luật xử lý theo hồ sơ. Bên bị kỷ luật trình bày ý kiến dưới dạng văn bản tường trình theo yêu cầu của Ban. Trong trường hợp đặc biệt, Ban có thể quyết định bố trí một buổi nghe đương sự trình bày, trong đó các bên liên quan có thể được triệu tập. Buổi trình bày được tổ chức kín.
đ) Thảo luận
- Ban Kỷ luật thảo luận kín.
- Nếu có buổi trình bày của đương sự, thảo luận sẽ được tổ chức tiếp sau buổi trình bày, trừ trường hợp ngoại lệ
- Việc thảo luận phải được tiến hành liên tục, trừ trường hợp ngoại lệ.
- Trưởng Ban quyết định trình tự các nội dung thảo luận.
- Uỷ viên trình bày ý kiến, Trưởng Ban trình bày sau cùng rồi lấy ý kiến biểu quyết.
- Trưởng Ban Kỷ luật quyết định
2. Đối với trường hợp Trưởng Ban tự mình xem xét kỷ luật:
Thực hiện tương tự theo quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều này.
3. Đối với trường hợp thành lập Hội đồng Tư vấn:
Thực hiện tương tự theo quy định tại điểm a, b, c, d, đ khoản 1 Điều này. Trưởng Ban Kỷ luật ký quyết định xử lý kỷ luật.
Khi thấy cần thiết, nếu vượt quá thẩm quyền, Hội đồng Tư vấn có thể đề xuất Trưởng Ban Kỷ luật xem xét, giải quyết.
4. Kết luận và thông báo
Trong vòng 60 ngày đối với các vụ việc thông thường và 90 ngày đối với vụ việc phức tạp, Ban Kỷ luật phải kết luận về vụ việc theo một trong các hướng sau:
a) Kỷ luật chủ thể vi phạm;
b) Tạm đình chỉ việc xem xét kỷ luật khi có lý do chính đáng ngăn cản việc xem xét kỷ luật tại thời điểm ra quyết định;
c) Đình chỉ việc xem xét kỷ luật khi không có căn cứ để xử lý kỷ luật;
d) Trường hợp hình thức kỷ luật cần áp dụng vượt quá thẩm quyền của Ban Kỷ luật, Ban Kỷ luật lập báo cáo kiến nghị hình thức kỷ luật lên Ban Chấp hành hoặc Đại hội LĐBĐVN để xem xét quyết định.
5. Hình thức và nội dung quyết định kỷ luật và thể thức thông qua
a) Quyết định được làm bằng văn bản, nội dung bao gồm:
- Đối tượng bị kỷ luật;
- Căn cứ pháp lý và thực tiễn để quyết định xử lý kỷ luật;
- Nội dung quyết định;
- Khả năng khiếu nại quyết định;
- Hiệu lực của quyết định.
b) Thể thức thông qua
- Quyết định được thông qua bằng hình thức biểu quyết bởi các thành viên tham gia xử lý kỷ luật.
- Mỗi thành viên có một phiếu.
- Nếu số phiếu ngang nhau, Trưởng Ban có lá phiếu quyết định.
- Căn cứ kết luận cuối cùng của Ban Kỷ luật hoặc Hội đồng Tư vấn, Trưởng Ban Kỷ luật ra quyết định xử lý kỷ luật.
6. Hiệu lực và khiếu nại:
a) Quyết định kỷ luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Đương sự có quyền khiếu nại đối với Quyết định kỷ luật theo trình tự quy định. Trong thời gian giải quyết khiếu nại theo quy định, đối tượng bị kỷ luật vẫn phải thực hiện Quyết định kỷ luật.
Trường hợp Quyết định giải quyết khiếu nại khác với Quyết định kỷ luật:
- Nếu đối tượng bị kỷ luật đã chấp hành một phần biện pháp kỷ luật theo Quyết định kỷ luật thì biện pháp kỷ luật còn lại được thực hiện theo Quyết định giải quyết khiếu nại;
- Nếu đối tượng bị kỷ luật chưa chấp hành hình thức kỷ luật theo Quyết định kỷ luật thì thực hiện theo Quyết định giải quyết khiếu nại.
b) Các quyết định của Ban Kỷ luật có thể bị khiếu nại với Ban Giải quyết khiếu nại LĐBĐVN trừ trường hợp biện pháp kỷ luật là cảnh cáo, khiển trách, đình chỉ ít hơn 04 trận đấu hoặc tới 30 ngày, phạt tiền đến 10.000.000 đồng và quyết định kỷ luật do vi phạm nghĩa vụ trả tiền.
c) Thời hạn khiếu nại như sau:
- Đối với Quyết định kỷ luật đình chỉ thi đấu hoặc đình chỉ làm nhiệm vụ có thời hạn là 03 ngày, kể từ ngày nhận quyết định.
- Các trường hợp khác thời hạn gửi đơn khiếu nại là 07 ngày kể từ ngày nhận quyết định.
- Thời điểm bắt đầu tính thời hạn khiếu nại là thời điểm nhận được quyết định (gửi qua fax hoặc qua đường bưu điện), theo báo cáo fax gửi đi hoặc ký nhận quyết định gửi qua đường bưu điện (nếu không gửi fax).
Bình luận