• Zalo

Ầm ĩ kiện cáo tác quyền ‘Ru tình’ Trịnh Công Sơn

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 17/02/2012 06:00:00 +07:00Google News

(VTc News) - Hai chương trình trùng tên Ru tình sắp diễn ra. Khai mào là chuyện kiện cáo tác quyền,đòi thu hồi giấy phép, hẳn Trịnh Công Sơn không thể mỉm cười.

(VTC News) – Đã thành thông lệ hàng năm, cứ đến dịp gần ngày mất của nhạc sĩ tài danh Trịnh Công Sơn thì khắp cả nước lại diễn ra tháng tưởng nhớ vị nhạc sĩ này bằng các chương trình ca nhạc. Và cũng từ khi ông mất, chưa năm nào lại thiếu chuyện lùm xùm quanh câu chuyện tác quyền của các chương trình .

Năm nay, khai mào cho những lùm xùm của tháng kỷ niệm 11 năm ngày mất của Trịnh Công Sơn là việc kiện cáo xảy ra giữa hai chương trình nhạc Trịnh tại Hà Nội. Ru tình thứ nhất là Ru tình do Inter Brand Group tổ chức trong 4 đêm 3, 4, 7 và 8/3/2012 tại Rạp Công nhân. Ru tình thứ hai là Ru tình của LĐ Xiếc VN và đối tác là Mediamax tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội vào tối 7-8/3.

Chuyện trong cùng một thời điểm trên địa bàn Hà Nội, chỉ cách nhau có không đầy 3km, có hai chương trình trùng tên, Ru tình, trùng cả list các bài hát đến 80% và hầu như toàn bộ ca sĩ khiến không ít người ngạc nhiên.

 

To chuyện hơn nữa là việc bà Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đã ký hợp đồng tác quyền trị giá 20 triệu đồng với diện Inter Brand Group về việc sử dụng độc quyền ca khúc của ông tại Hà Nội trong thời gian từ 10/2-10/3/2012.

Do đó, chuyện Ru tình của LĐ Xiếc VN và đối tác là Mediamax tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội vào tối 7-8/3 được Cục NTBD cấp phép, được phía đại diện cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cá nhân bà Trịnh Vĩnh Trinh, và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam xem là trái pháp luật.

Bà Trịnh Vĩnh Trinh bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi nghĩ rằng việc cấp phép biểu diễn trên cả nước nên thực hiện theo như cách thức hiện nay ở TP.HCM: giấy phép chỉ được cấp sau khi thỏa thuận về tác quyền đã đạt được giữa các bên liên quan.

Về việc cấp phép cho chương trình của LĐ Xiếc VN, tôi chỉ có thể nói rằng gia đình và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN đã bày tỏ quan điểm, cũng như làm đủ các thủ tục giấy tờ liên quan theo quy định.

Phần còn lại thuộc về trách nhiệm của các cơ quan thẩm quyền. Tôi rất mong Cục NTBD thu hồi ngay giấy phép đã cấp cho chương trình Ru tình do LĐ Xiếc VN đứng ra xin.”

 

Nhưng theo như nhiều ý kiến đưa ra thì chuyện bà Trịnh Vĩnh Trinh và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam yêu cầu Cục NTBD rút giấy phép của chương trình Ru tình do LĐ Xiếc VN và đối tác là Mediamax tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội vào tối 7-8/3 là yêu cầu quá đáng và không có căn cứ.

Bởi chiểu theo các quy định của pháp luật VN, hợp đồng tác quyền giữa Inter Brand và bà Trịnh Vĩnh Trinh không có giá trị pháp lý. Được biết, gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có 8 anh em.

Sau khi ông mất, những người em khác đã đồng ý ủy thác quyền thừa kế cho ông Trịnh Xuân Tịnh và bà Trịnh Vĩnh Trinh. Song, đến thời điểm hiện tại, Inter Brand Group cũng chưa có trong tay văn bản đồng ý của ông Trịnh Xuân Tịnh cũng như những người đồng thừa kế ủy quyền hoàn toàn cho bà Trịnh Vĩnh Trinh.

Chưa kể chiều qua (16/2), Cục phó Cục NTBD, Phạm Đình Thắng đã khẳng định: Không có chuyện sai luật trong việc Cục NTBD cấp phép cho chương trình Ru tình (do LĐ Xiếc VN và đối tác là Mediamax tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội vào tối 7-8/3).

Trong các thông tư, quy chế về quản lý nghệ thuật biểu diễn, không yêu cầu đơn vị tổ chức biểu diễn phải chứng nhận đã đóng tác quyền mới được cấp giấy phép. Do đó về luật, Cục NTBD không sai trong vụ cấp phép cho Ru tình.

Như vậy về mặt luật pháp, như khẳng định của Cục NTBD, thì Ru tình nào cũng đúng luật, và không có chuyện rút giấy phép của bất cứ Ru tình nào trong cả hai Ru tình trên.

 

Chia sẻ về quan điểm của phía Cục NTBD khi cho rằng, Cục không sai khi cấp phép cho Ru tình do LĐ Xiếc VN và đối tác là Mediamax tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội vào tối 7-8/3, bà Trịnh Vĩnh Trinh nói: “Tôi rất buồn khi chứng kiến những ứng xử không đẹp lắm trong việc tổ chức một chương trình văn hóa liên quan tới người thân trong gia đình.

Cá nhân tôi nói riêng và tất cả những người hiện sở hữu quyền tác giả nói chung có lẽ cũng đều cảm thấy buồn khi luật pháp và các quy định về bản quyền bị xem thường như vậy. Như đã nói, tôi chỉ mong các cơ quan nhà nước có biện pháp để thiết lập kỷ cương trên lĩnh vực bản quyền. Phần còn lại, xin để dư luận phán xét câu chuyện cả về khía cạnh pháp lý và đạo lý”.

Câu chuyện của hai Ru tình một lần nữa nói lên sự chồng chéo trong việc cấp phép giữa hai đơn vị ngay trên cùng một địa bàn Hà Nội, là Sở VH, TT & DL Hà Nội và Cục NTBD.

Chuyện của Ru tình cũng cho thấy, những yêu cầu “phải nộp tác quyền âm nhạc, mới có giấy phép tổ chức biểu diễn” từ phía Trung tâm bảo vệ tác quyền âm nhạc Việt Nam và các nhạc sĩ đã bị Cục NTBD lờ đi.

Không thể trách ai được, khi đã là Cục NTBD, thì chắc chắn, không có chuyện sai luật. Và khi phía các nhạc sĩ và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam muốn được Cục tạo điều kiện cho việc thu tiền tác quyền, thì cũng không thể ép Cục.

Bởi đơn giản, chuyện thu được phí tác quyền âm nhạc hay không, không phải chuyện của Cục NTBD. Và Cục này cũng chẳng dại gì mà ôm thêm cái “ung nhọt” đầy nhức nhối như vấn đề tác quyền vào mình.

Tính tới chiều qua (16/2), cả hai chương trình Ru tình đều chưa được Sở VH,TT&DL TP Hà Nội cấp phép vì hồ sơ đang “có tranh chấp”.

Đàm Mộng Hoài

Bình luận
vtcnews.vn