• Zalo

Ám ảnh với giao thông Hà Nội, Đà Nẵng 'ủ mưu tính kế'

Thời sựThứ Năm, 27/03/2014 07:36:00 +07:00Google News

(VTC News) - Nhiều nhà quản lý, chuyên gia Đà Nẵng nói trong khi thành phố bắt đầu quá tải xe máy, Đà Nẵng cần đi đầu cả nước hạn chế phương tiện này.

(VTC News) - Nhiều nhà quản lý, chuyên gia Đà Nẵng nói trong khi thành phố bắt đầu quá tải xe máy, Đà Nẵng cần đi đầu cả nước hạn chế phương tiện này.

Bắt đầu quá tải

Theo thống kê của Phòng cảnh sát Giao thông công an TP Đà Nẵng, tính đến ngày 15/2/2014, toàn thành phố có hơn 683.600 phương tiện xe máy, gần 42.000 xe ô tô đã được đăng ký.

Trong đó, chỉ tính trong 3 tháng đầu năm 2014 (từ 16/11/2013-15/2/2014), toàn thành phố đã có 7.270 xe mô tô và 763 xe ô tô được đăng ký mới. Các phương tiện tham tham gia giao thông gia tăng khiến tình trạng ùn tắc trên địa bàn thành phố thường xuyên xảy ra.

Đặc biệt, các nút giao thông quan trọng như: đầu phía Tây cầu Sông Hàn; Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ - Lê Độ, Nguyễn Văn Linh - Ông Ích Khiêm… được xem là nỗi ám ảnh đối với giao thông đô thị Đà Nẵng.

Mặc dù vào giờ cao điểm luôn có lực lượng cảnh sát đứng chốt, hướng dẫn, phân luồng phương tiện tham gia giao thông, song dư luận vẫn lo ngại về tình trạng ùn ứ tương tự như ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại Đà Nẵng thường xuyên xảy ra tại các nút giao thông trọng yếu vào giờ tan tầm (Trong ảnh: Cầu Sông Hàn đông cứng giờ tan tầm)
Tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại Đà Nẵng thường xuyên xảy ra tại các nút giao thông trọng yếu vào giờ tan tầm (Trong ảnh: Cầu Sông Hàn đông cứng giờ tan tầm) 
Về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (PC67), Công an TP Đà Nẵng cho biết: “Hiện mật độ phương tiện giao thông Đà Nẵng tăng rất nhanh. Nếu chỉ tính riêng xe máy, mật độ này lên đến 2 người dân/1 xe máy.
Đó là chưa kể số lượng xe máy và phương tiện tham gia giao thông đến từ các địa phương khác cũng như các cơ quan đóng tại Đà Nẵng chiếm đến 30% tổng số phương tiện của toàn thành phố, khiến tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại các điểm nút giao thông quan trọng”.

“Điều này cho thấy năng lực giao thông của Đà Nẵng hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu tăng cao của phương tiện giao thông, công tác tổ chức giao thông chưa hợp lý.

Và nguyên nhân gây ra tình trạng ùn tắc cục bộ tại một số tuyến đường trên địa bàn thành phố vào giờ cao điểm không ai khác chính là do hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, trong khi phương tiện xe máy quá nhiều.

Nếu là ô tô thì các phương tiện sẽ lần lượt đi qua, nhưng hễ có một chiếc xe máy chen ngang thì y như rằng, cả nút giao thông ùn ứ.

Không chỉ vậy, phương tiện xe máy là nỗi ám ảnh đối với giao thông Việt Nam chứ không chỉ Đà Nẵng. Mặc dù đã nỗ lực kiểm soát, tuần lưu, nhưng trong tổng số vụ tai nạn giao thông xảy ra thì có đến 80% tổng số vụ có nguyên nhân từ xe máy khiến xã hội bị thiệt hại cả vật chất cả con người”, Đại tá Nguyễn Đến cho biết thêm.

Thời gian qua, để đảm bảo giao thông đô thị, Đà Nẵng đã áp dụng rất nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, giảm tai nạn như: phân làn một loạt các tuyến đường trung tâm, phân một số tuyến đường thành đường một chiều,… nhưng gần như các biện pháp ấy vẫn chưa giải quyết tận gốc tình trạng ùn tắc giao thông ở Đà Nẵng vào giờ cao điểm tại các điểm nút giao thông.

Anh Phó, một lái xe ôm tại nút giao thông Điện Biên Phủ - Lê Độ cho biết: “Cứ đến giờ cao điểm thì nút giao thông này trở nên hỗn loạn. Mặc cho các phương tiện đi lại, xe máy cứ chen ngang và chỉ cần 1 chiếc chui qua là y như rằng hàng loạt xe ào ào lấn xe ô tô cắt tuyến khiến giao thông càng ùn ứ. Có thời điểm, đi từ bùng binh Điện Biên Phủ sang Lê Độ, lái xe phải mất đến hơn 15 phút mới qua được.

“Mặc dù chưa đến mức như các đô thị lớn khác, nhưng chúng ta cần phải tính toán ngay từ bây giờ nếu không tình trạng ùn tắc giao thông tại Đà Nẵng sẽ diễn ra ngày càng phức tạp và nặng nề hơn”, Đại tá Nguyễn Đến nói.

Giải pháp tối ưu

“Tôi nghĩ, hạn chế phương tiện cá nhân, trong đó có xe máy trong bối cảnh hiện nay là giải pháp tối ưu nhất. Đặc biệt, việc điều chỉnh hạ tầng giao thông đô thị mang tính đột phá khó thực thi. Tuy nhiên, song song với đó cần phải tăng cường giao thông công cộng để phục vụ người dân”, Đại tá Nguyễn Đến chia sẻ.

Theo các chuyên gia về giao thông đô thị, để thực hiện chủ trương trên, Đà Nẵng cần có chính sách đầu tư lâu dài và bền vững. “Muốn thực hiện tốt chủ trương, phải vận động, tuyên truyền bằng nhiều cách để người dân thấy được lợi ích từ chủ trương này, từ đó ủng hộ và vận động nhiều người khác làm theo.

Bên cạnh đó, cần thực hiện đồng bộ trong cả nước chứ không nên chỉ một vài tỉnh thành, vì nếu chỉ vài ba tỉnh thành sẽ rất khó, dễ sinh ra tâm lý so bì. Và khi ấy chủ trương bị hiểu sai lệch”, Ths. Quy hoạch đô thi Võ Văn Chương chia sẻ.
Theo Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT Công an Đà Nẵng, hạn chế xe máy là giải pháp tối ưu nhất đối với giao thông đô thị hiện nay
Theo Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT Công an Đà Nẵng, hạn chế xe máy là giải pháp tối ưu nhất đối với giao thông đô thị hiện nay 
“Một bài học tại Đà Nẵng mà chúng tôi rất tâm đắc là việc phân làn, phân tuyến đường cũng như đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Ban đầu chúng tôi dự kiến tuyên truyền 1 tháng, nhưng thực tế thì dài hơn, thậm chí vài tháng cho đến khi người dân thấy được lợi ích của chủ trương này không chỉ đối với mình mà còn cả đối với xã hội, từ đó mới đồng thuận và thực hiện theo.

Nếu quyết định thực hiện thì lực lượng cảnh sát giao thông chúng tôi sẽ tập trung toàn lực để thực hiện chủ trương này. Ban đầu có thể là tuyên truyền đối với việc mua mới xe máy, khuyến khích người dân hạn chế sử dụng xe máy đang sử dụng.

Ví dụ nhà 5 người đi 5 xe thì vận động chỉ đi 2 chiếc, đi ghép khi thuận đường, dùng xe máy khi thật cần,… số còn lại dùng phương tiện công cộng. Như vậy cũng đã giảm đến phân nửa xe máy lưu thông trên đường và hạn chế được ùn tắc”, Đại tá Nguyễn Đến chia sẻ.

Còn Th.s Võ Văn Chương lại cho rằng: “Chúng ta cần phải thực hiện song song hai chủ trương: vừa đầu tư, định hình và dần đưa vào hoạt động hệ thống giao thông công cộng. Một mặt vừa ra quy định khuyến khích hạn chế xe máy.

Như vậy, người dân sẽ dễ nhận ra lợi ích của việc thay đổi thói quen hơn và dần rời xe máy chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Một số quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,... là những quốc gia sản xuất xe máy, nhưng ra đường không hề thấy xe máy. Nếu có cũng rất ít, còn lại người dân đi xe buýt và tàu điện”.

“Nói thì như vậy, song chủ trương nào cũng phải được sự đồng thuận của nhân dân, cam kết theo đuổi của các cấp lãnh đạo, đến từng tổ dân phố, từng hộ dân, trở thành phong trào xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị rồi từ đó nhân rộng ra mới thành công chứ không thể ngày một ngày hai mà làm được.

Như việc một số công an khu vực trên địa bàn TP Đà Nẵng sử dụng xe đạp để đi cơ sở chẳng hạn. Đó là hình ảnh đẹp, một điển hình để có thể nhân rộng ra các lực lượng khác. Tiếp đó là đến cán bộ công chức, học sinh. Cứ thế chúng ta nhân rộng lên sẽ thành công.

Tôi nghĩ nếu thực hiện sẽ tốn nhiều thời gian và không thể vội vàng được khi văn hóa xe máy đã ăn quá sâu trong nếp sống người dân thì càng phải làm từng bước, đồng bộ. Sớm cũng phải mất vài năm mới gọi là thành công”, Đại tá Nguyễn Đến chia sẻ thêm.

» Thí điểm xe đạp công cộng ở 5 thành phố: Nhiều tranh cãi
» Khi người ta chán sống, đến 10 ông Thăng cũng chịu!


Bửu Lân
Bình luận
vtcnews.vn