Real Madrid là đội bóng giàu thành tích nhất Champions League. Juventus sở hữu cầu thủ có thành tích cá nhân tốt nhất giải đấu số một châu Âu - Cristiano Ronaldo. Nhưng cả hai đều phải run sợ trước đội hình có phân nửa quân số chưa quá 23 tuổi của Ajax, dù được đá sân nhà.
Cuối trận tứ kết lượt về tối 16/4, Ronaldo thậm chí liên tục phải chạy tới chỗ các đồng đội vỗ vai, kéo dậy chiến đấu tới phút cuối, còn Chủ tịch Andrea Agnelli thẫn thờ trên khán đài, im lặng... cắn móng tay.
Ajax là một ẩn số trước khi vòng knock-out Champions League mùa này diễn ra, nhưng những ông thầy ở học viện bóng đá lớn nhất Hà Lan chẳng lấy làm lạ về màn thể hiện vừa rồi. Ngay từ khi còn là những chú nhóc miệng hôi sữa, những đứa trẻ lò Ajax đã được nuôi dưỡng niềm kiêu hãnh thể thao theo hướng tích cực. Chúng được dạy rằng luôn phải ngẩng cao đầu, tự hào là người Ajax, chơi thứ bóng đá của Ajax, và theo đuổi triết lý ấy đến cùng.
Những người như Matthijs De Ligt, Frenkie De Jong, David Neres, Donny Van De Beek luôn thừa dũng cảm và tinh thần chiến đấu ấy là thành quả từ một quá trình đào tạo đầy táo bạo của Ajax. Tại Học viện Ajax, những đứa trẻ từ ngày đầu chập chững mới tới đã được "nhồi sọ" câu truyền miệng: "Nếu nhút nhát, hãy cuốn gói về nhà".
Những chú nhóc ở tuổi mới cắp sách đến trường bị ép phải thích ứng và cạnh tranh với nhau ở mức độ vô cùng khốc liệt.
Chỉ những người vượt qua được bài sát hạch ban đầu ấy mới có thể trở thành hạt giống để Ajax xây dựng một lối chơi không thể phá vỡ, vốn được bồi đắp từ sự trung thành và tự hào từ cầu thủ đến ban huấn luyện. Với mọi thành viên Ajax, đội bóng luôn là số một, cả trên sân lẫn trong phòng làm việc.
Mớ lý thuyết ấy được Ajax truyền dạy bắt đầu từ việc ra sân tập mỗi buổi sớm. Tất cả các đội của Ajax tập chung một chỗ, từ đội U9 đến đội một. 12 sân tập được trải dài, được chia đôi bởi một con đường rộng đủ chỗ cho hai ô tô tránh nhau, cách Quảng trường Dam 8 kilomet. Chỉ riêng sân tập chính có khán đài nhỏ ôm sát xuống mặt cỏ, được dành cho những trận đấu tập nội bộ Ajax. Học viên lò Ajax dành gần như nguyên ngày tại đây: tập, ăn, và học bài, trước khi trở về vào buổi tối.
Matthijs De Ligt, viên ngọc sáng giá nhất trong đội hình Ajax bây giờ, người vừa được tạp chí Tuttosport trao giải "Cậu Bé Vàng", đến Ajax từ khi lên 9 tuổi. Anh bảo: "Đây là nhà của tôi. Nó thật tuyệt".
Vẫn giữ ánh mắt mơ màng, đội trưởng Ajax nói tiếp: "Mọi đứa trẻ khi đặt chân tới đây đều không bao giờ quên 'De Toekomst' (tên trung tâm huấn luyện, có nghĩa là "Tương lai"). Đó là thử thách cũng là khao khát chinh phục bằng mọi giá của mỗi chúng tôi. Chúng tôi được dạy là phải chiến thắng mọi trận đấu, bất kể đối thủ là ai, và phải là người giỏi nhất. Sau giờ tập, mọi người thường hay đùa nhau rằng sau này sẽ được mua với giá bao nhiêu triệu đôla. Bởi thế, khi những tin đồn về tôi nhan nhản trên báo chí, tôi chẳng lấy làm phiền. Tôi sẽ đi khi nào tự tin đứng vững trên đôi chân mình".
Những tài năng lò Ajax được thèm muốn khắp châu Âu. Rất nhiều trong số đó như Johan Cruyff, Marco Van Basten, Patrick Kluivert, Van Der Sar, Wesley Sneijder, Christian Eriksen đã trở thành tên tuổi lớn làng túc cầu. Nhưng dù có là đôi chân triệu đôla hay một cậu nhọc mới chen chân lên đội U17, các thành viên Ajax được giáo dục phải giữ không khí thân thiện, gần gũi với nhau.
Buổi trưa ngay sau khi Barca tuyên bố chiêu mộ thành công De Jong, tiền vệ 21 tuổi vẫn hồn nhiên hít hà những đĩa thịt nạc và khoai tây bên cạnh đàn em nhuộm tóc highlight. Khi HLV đội trẻ Michael Reiziger và Giám đốc điều hành Van Der Sar ngang qua, không khí bỡn cợt chỉ trầm lại trong thoáng chốc, khi các cầu thủ trẻ đứng dậy chào hỏi lớp tiền bối, rồi lại vang lên tiếng cười.
Khu tập của Học viện Ajax được các thành viên gọi một cách mỹ miều là "nơi giao thoa giữa quá khứ và hiện tại". Chính giữa không gian sinh hoạt chung là một chiếc tủ kính lớn, bên cạnh là những mô hình chiến lợi phẩm mà CLB đoạt được từ thập niên 1970, khi họ trên đỉnh châu Âu. Cách bày biện ở De Toekomst được tối giản hết mức.
Những lãnh đạo Ajax muốn các cầu thủ trẻ giữ đôi chân trên mặt đất, chừng nào chưa ra nước ngoài, mà muốn vậy, tất cả phải tập chung, sống chung và được đối xử như nhau.
John Heitinga, cựu cầu thủ Ajax, nay là HLV đội U19 tâm sự: "Lãnh đạo Ajax luôn có niềm tin tuyệt đối vào học viện, vào khả năng tạo ra những tài năng mới cho đội bóng. Chúng tôi có thể bán một hoặc vài ngôi sao, nhưng đó không phải là điềm báo cho sự suy tàn. Đây là mô hình kinh doanh của Ajax: phát triển thế hệ kế cận, rồi lại bán để tài trợ cho những thế hệ tiếp nữa. Đó là một quá trình tự bền vững".
Làm nghề gõ đầu trẻ từ năm 2017, đến nay Heitinga chưa thôi ấn tượng về học trò ưng ý nhất - De Ligt. "Một sớm, tôi nổi hứng tới phòng gym và thấy cậu ta đã một mình mồ hôi nhễ nhại tại đó. Tôi không hỏi lý do, nhưng biết quyết tâm rất lớn của De Ligt. Cậu ấy là đội trưởng, và tự biết cần chuẩn bị những gì để trở thành một nhà lãnh đạo", Heitinga nói xen lẫn sự phấn khích.
"Tại đây, chúng tôi có mọi thứ hiện đại nhất để đo sự phát triển cầu thủ. Ronaldo là ngôi sao có thể chất hàng đầu bây giờ đúng không? Nhưng Ajax hiện có tiền đạo 16 tuổi Brian Brobbey, người có tỷ lệ mỡ cơ thể thấp dưới 10%, bật nhảy cao hơn Ronaldo, và chạy 30 mét chỉ hết 3,7 giây. Chúng tôi gọi cậu ấy là 'Brobeast' (Quái vật). Tất nhiên, để làm được những gì như PSG hay Man City đã đầu tư là chưa thể, nhưng chúng tôi cố gắng tiêm DNA mang tên Ajax càng sớm càng tốt cho bọn trẻ".
Van Der Sar, nhân vật quyền lực bậc nhất Ajax lúc này, cho rằng việc Ajax tìm lại ánh hào quang quá khứ chỉ là "vấn đề thời gian" bởi đội bóng luôn xây dựng được "sợi dây tình cảm gắn kết giữa cầu thủ và CĐV".
Ông kể: "Khi một cầu thủ rời Ajax, không có nghĩa anh ta dứt tình với đội. Đó chỉ là phương án tốt nhất cho tất cả. Khi tôi đến Juventus năm 1999, có khoảng 400 CĐV tới tạm biệt, với pháo hoa, và những lời chúc sức khỏe. Heitinga cũng vậy. Trận đấu cuối của cậu ấy cho Ajax năm 2008 được kết thúc bằng một bức tranh khổng lồ trên khán đài sân vận động.
Đó là những thứ chúng tôi hướng cho lớp trẻ, về sự tận hiến cho người hâm mộ. CĐV muốn dõi theo những cầu thủ mà họ đã biết tên từ khi 11, 12 tuổi, sau đó lên đội một, và trở thành trụ cột. Chúng tôi cố gắng làm thật tốt công việc là giúp mỗi cầu thủ trẻ tự tạo ra di sản cho chính họ, từ triết lý, lịch sử và truyền thống của Ajax".
Là một đội bóng có kinh phí hoạt động eo hẹp, khoảng 110 triệu USD mỗi năm, Ajax hiểu rằng họ cần đi trước một bước so với chuyển động của thị trường chuyển nhượng. Họ không thể nói "Không" trước đề nghị mua cầu thủ hấp dẫn từ một đại gia sừng sỏ của bóng đá châu Âu, và thay vì chống lại, Ajax chọn cách "sống chung với lũ". Frenkie De Jong là ví dụ.
Ngay từ cách đây hai năm, Ajax đã đong đếm được sự tiến bộ của tiền vệ này và sớm chọn ra một người thay thế. Điều tương tự cũng xảy ra ở vị trí HLV. Đội bóng Hà Lan không bao giờ mời những người đến Amsterdam với tư tưởng làm bến đỗ tạm thời. Họ luôn đòi hỏi một kế hoạch phát triển dài hơi trong khoảng 3 tới 5 năm, và chủ động chọn sớm HLV kế vị.
Khi Frank De Boer được Inter để ý trong mùa 2015-2016, Ajax đã chấm Peter Bosz - lúc đó mới dẫn dắt Maccabi Tel Aviv. Hết mùa 2016-2017, Ajax vào chung kết Europa League và Borussia Dortmund chi đủ phí phá vỡ hợp đồng với Bosz, Ajax mời Erik Ten Hag - người theo đuổi lối chơi tấn công dù làm việc ở CLB ít tên tuổi Utrecht.
Chính sách chuyển nhượng của Ajax cũng thay đổi nhằm giúp đội bóng gặt hái thành công ở châu Âu, sau nhiều năm thất bại. Thay vì chỉ tập trung mũi nhọn vào cầu thủ trẻ, đội bóng thủ đô Hà Lan dàn trải sự quan tâm sang những cựu binh dày dạn kinh nghiệm thi đấu quốc tế và có kiến thức về bóng đá Hà Lan như Dusan Tadic hay Daley Blind.
Sự pha trộn này đem tới sự cân bằng cho Ajax, đồng thời nhen dần lên niềm tin chiến thắng nơi cầu thủ. CLB từng bốn lần vô địch C1 cũng công khai chính sách nhân sự trước mỗi mùa với từng cầu thủ. Ai cũng ý thức rõ ràng về thời điểm họ được phép rời đội bóng. Ngoài ra, họ cũng được tư vấn tận tình về bến đỗ mới, nên là Ngoại hạng Anh, La Liga hay Serie A, để phù hợp lối chơi. Nhờ cách vận hành này, Ajax tránh được thế bị động và cảnh "chảy máu chất xám".
Jordi Cruyff, trong buổi phỏng vấn trên El Pais, thổ lộ rằng như thấy hình bóng người cha Johan qua cách chơi hiện tại của Ajax.
"Cách tiếp cận trận đấu, sức trẻ, sự can trường và việc giao đội bóng cho những cựu binh quản lý làm tôi nhớ tới Ajax thập niên 1970. Nếu còn sống, hẳn ông phải rất tự hào về thế hệ này, với Edwin Van Der Sar giữ ghế Giám đốc điều hành, Marc Overmars làm Giám đốc bóng đá, Dennis Bergkamp có chân trong ban huấn luyện, còn Wim Jonk là Giám đốc học viện. Tất cả tạo nên hơi thở đặc trưng của Ajax: Không biết sợ hãi là gì", Jordi Cruyff bộc bạch.
Bình luận