• Zalo

Ai là tể tướng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam?

Hỏi - ĐápThứ Hai, 12/08/2024 10:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Vị tể tướng đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam thuộc triều đại nhà Đinh.

Ông chính là Định Quốc Công Nguyễn Bặc - vị tướng khai quốc công thần triều Đinh, giúp vua Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) bình định mười hai sứ quân.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Nguyễn Bặc (924 - 979) quê ở làng Đại Hữu, tổng Đại Hoàng, nay thuộc xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, là con trai của Nguyễn Thước - nha tướng dưới quyền Dương Đình Nghệ.

Thuở nhỏ, Nguyễn Bặc cùng Đinh Bộ Lĩnh là bạn bè, lớn lên kết nghĩa anh em và cùng nhau dấy nghĩa ở Linh Sơn, Hoa Lư.

Định Quốc Công Nguyễn Bặc phò tá vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân. (Ảnh minh hoạ)

Định Quốc Công Nguyễn Bặc phò tá vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân. (Ảnh minh hoạ)

Theo nguồn sử liệu cùng tộc phả, ông Đinh Văn Đậu, chi trưởng họ Đinh, hậu duệ đời thứ 43 dòng tộc Đinh Tiên Hoàng cho biết: “Cụ Nguyễn Bặc, sinh năm 924, cùng với vua Đinh. Lúc nhỏ vua Đinh cùng 4 người nữa, tức 5 người bạn là Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú và Lưu Cơ cùng chăn trâu, tập đánh trận. Sau khi dẹp loạn thống nhất 12 sứ quân, lên ngôi vua thì Đinh Tiên Hoàng phong các chức sắc, đặc biệt là Nguyễn Bặc được phong là Định Quốc Công tể tướng. Ông là người rất trung thành với vua Đinh”.

Với những cống hiến to lớn trong sự nghiệp dẹp loạn và dựng nước, năm Tân Mùi (971), Nguyễn Bặc được vua Đinh gia phong là Khai quốc công thần, Phụ quốc, Thừa tướng, Thái tể Định Quốc Công, tức là vị tể tướng đầu tiên trong lịch sử nước ta từ thế kỷ thứ X.

Trong gần 10 năm từ năm 971 đến năm 979, Nguyễn Bặc có nhiều đóng góp to lớn vào các công việc nội trị, ngoại giao, xây dựng và củng cố nền độc lập. Về ngoại giao, ông giúp vua Đinh thiết lập mối giao bang ngang hàng với nước Tống. Khi đó, nhà Tống đã phải công nhận với nước ta là quốc gia độc lập tự chủ.

Về nội trị, ông giúp vua Đinh xây dựng hệ thống chính quyền phong kiến trung ương thống nhất, xoá bỏ cát cứ của các sứ quân, xây dựng thành luỹ cung điện, ổn định kinh tế mở mang phát triển nông nghiệp.

Về quân sự, ông góp phần xây dựng đội quân thống nhất gồm 10 đạo do Lê Hoàn chỉ huy, tạo lực lượng hùng mạnh đánh tan quân Tống xâm lược sau này. 

Sau khi vua Đinh Tiên Hoàng mất, Nguyễn Bặc cùng Đinh Điền làm phụ chính cho Đinh Phế Đế. Là trung thần của nhà Đinh, không dễ dàng chấp nhận việc nhà Lê lên nắm quyền khi ấy, ông cùng Đinh Điền, Phạm Hạp khởi binh đánh Lê Hoàn, nhưng bị thua. Nguyễn Bặc bị bắt và qua đời ở tuổi 56.

Sau khi ông mất, quần thần lượm xác đem về mai táng tại Đàm thôn trên bãi đất ven sông Chanh, ngoại vi thành Hoa Lư.

Đền thờ Định Quốc Công Nguyễn Bặc ở Ninh Bình.

Đền thờ Định Quốc Công Nguyễn Bặc ở Ninh Bình.

Ghi nhớ công lao của ông, Thái tể Định Quốc Công Nguyễn Bặc được thờ tự tại quốc miếu triều Nguyễn. Nhiều làng suy tôn ông là thành hoàng và thờ tự ở đình làng. Đặc biệt, tại đình làng Ngô Khê Hạ, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình còn lưu thờ tượng ông bằng gỗ quý. 

Hàng năm đến ngày 15/10 âm lịch (ngày ông bị hành quyết), các nơi thờ tự đều tổ chức lễ giỗ thành kính trang trọng. 

Bình luận