Ở trận bán kết lượt về AFF Cup vừa qua, thủ môn Nguyên Mạnh đã nhận thẻ đỏ đáng trách sau khi đá nguội với cầu thủ Indonesia. Việc chơi thiếu người trong lúc bị dẫn bàn khiến tuyển Việt Nam chỉ có thể hòa với đối thủ, qua đó bị loại chung cuộc.
Nếu trọng tài Fu Ming (Trung Quốc) nghiêm khắc hơn, tuyển Việt Nam có thể kết thúc trận đấu với 9 người sau những pha phạm lỗi của Quế Ngọc Hải. Đây không phải lần đầu, tuyển Việt Nam phải trả giá vì bị đuổi người không đáng có ở những giải quốc tế.
“Cầu thủ Việt Nam chưa thật sự chuyên nghiệp, tự đặt lên mình trách nhiệm quá cao nhưng lại lo sợ không làm được hết. Nó khiến cho họ có những suy nghĩ kiểu như để đối phương qua thì mình sẽ thua, dẫn đến việc những pha xử lý hoảng loạn, mất bình tĩnh.
Họ không tự tin mà tự tạo áp lực cho mình và luôn thi đấu với cảm giác là cố gắng làm sao để thoát khỏi trách nhiệm mà mình đang gánh vác”, HLV Lê Thụy Hải cho biết.
Chiến lược gia kỳ cựu này cho rằng tại V.League không ít cầu thủ Việt Nam hay có hành động như Nguyên Mạnh nhưng thường chỉ nhận thẻ vàng hay nhắc nhở từ trọng tài.
Tuy nhiên ra những giải đấu quốc tế, những ông “vua sân cỏ” quốc tế luôn nghiêm khắc, xử lý theo đúng luật. Điều đó khiến tuyển Việt Nam hay nhận những phạt đáng tiếc.
Tại AFF Cup, Việt Nam đã nhận 2 thẻ đỏ. Trước Nguyên Mạnh, Đình Luật đã bị đuổi khỏi sân ở trận gặp Campuchia.
Ông Hải nói thêm: “Cầu thủ Việt Nam hay có những pha phạm lỗi từ đằng sau, đồng thời hay lao vào phân bua với trọng tài hoặc thể hiện thái độ rất căng thẳng. Nếu anh cứ lảng đi hoặc giả như vô tình thì có thể tình thế đã khác”.
Ngoài 2 thẻ đỏ, đội bóng của HLV Hữu Thắng còn nhận 3 thẻ vàng của Ngô Hoàng Thịnh, Quế Ngọc Hải và Nguyễn Trọng Hoàng. Tất cả cầu thủ nhận thẻ đã hoặc đang thi đấu cho SLNA. Đội bóng này từ lâu nay vốn có tiếng chơi rất rắn tại V.League. Các thành viên của họ nhận không ít án treo giò nặng vì những pha bóng mang tính “triệt hạ” đồng nghiệp.
Ở một số sân bóng người lại cổ súy, kích động bạo lực kiểu như hô hào 'đá chết nó đi'…
V.League vừa qua, SLNA nhận 52 thẻ vàng và 3 thẻ đỏ. Họ nằm trong tốp những CLB “xấu chơi” nhất giải đấu. Theo ông Hải, tình trạng thi đấu bạo lực nhưng chưa được xử lý kiên quyết, nghiêm khắc khiến các cầu thủ duy trì thói quen xấu đó khi lên tuyển.
“Các trọng tài của chúng ta không dám mạnh tay xử lý, sợ trách nhiệm trước những pha bóng thô bạo này. Khán giả tại các địa phương lại hay chửi bớt, dọa dẫm khiến họ e dè.
Cũng phải nói thêm rằng, ở một số sân bóng người lại cổ súy, kích động bạo lực kiểu như hô hào 'đá chết nó đi'… Thay đổi những điều đó không đơn giản tí nào”, cựu HLV Bình Dương chia sẻ.
Theo ông Lê Thụy Hải, để hạn chế vấn đề này, các trọng tài phải mạnh tay, quyết đoán hơn nữa. Các giám sát phải có trình độ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và phân công những người có năng lực thật sự để cầm còi. Bên cạnh đó, HLV không được dung dưỡng cho thói quen đá rắn, hay khích các cầu thủ quá đà vì ham muốn thành tích.
Bình luận