Vị thế của họ khiến tất cả thèm muốn. Họ rất mạnh, nhưng mạnh đến đâu thì phần còn lại chỉ cảm nhận được, sau thất bại trong những cuộc đối đầu với đội bóng này.
“Thái độ” của người Thái với AFF Suzuki Cup 2016 ảnh hưởng đến tham vọng của các đội bóng khác, trong đó bao gồm cả Việt Nam, dù chúng ta không nằm chung bảng đấu với đại kình địch này.
Thái Lan mạnh như thế nào?
Đội bóng của HLV Kiatisuk vừa tìm được điểm số đầu tiên tại vòng loại cuối cùng giành suất đi VCK World Cup 2018 khu vực châu Á. Trận hoà Australia với tỷ số 2-2 rất đáng xem ở Rajamangala, khi đã có thời điểm, Thái Lan là đội vượt lên dẫn trước. Có thể cảm nhận được sự tiếc nuối của “Zico” Thái – Kiatisuk sau khi kết thúc trận đấu.
Thái Lan đã vươn ra tầm châu lục bằng những kết quả khả quan của ĐTQG và ĐT Olympic, từ Á vận hội đến Asian Cup và vòng loại World Cup, điều này không cần bàn cãi nữa.
Họ chơi thứ bóng đá trình diễn, có thể nói là “sexy football” và biệt danh “Barca” Đông Nam Á được gán ghép cho họ lần đầu tiên, kể từ trận chung kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2014 với chiến thắng 2-0 trước Malaysia ở Rajamangala.
Clip: Thái Lan 2-2 Australia
Ở trận đấu đó, các cầu thủ Thái đã thực hiện tổng cộng 27 đường ban bật cự ly ngắn và trung bình, trước khi tiếp cận cầu môn Malaysia, chỉ thiếu mỗi bàn thắng là hoàn hảo.
Tuy nhiên, tất cả không phải đợi lâu, khi một năm sau ở Mỹ Đình, học trò HLV Kiatisuk tái hiện lại điều này, trong trận thắng huỷ diệt chúng ta 3-0 tại khuôn khổ vòng loại World Cup 2018. Trận thua lấm lưng trắng bụng đưa Việt Nam trở lại mặt đất.
Đấy là bàn thắng thứ 3 (đóng đinh trận đấu), với siêu-hậu-vệ-đạo (hậu vệ tấn công), đội trưởng T.Bunmathan (số 3) là người khởi xướng đợt tấn công và cũng là người dứt điểm cuối cùng, sau 10 pha bật nhả cùng các vệ tinh khác.
Chỉ vài ngày trước, sau trận hoà 1-1 “trên thế thắng” trước Iraq, rất nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng, mình có thể chơi sòng phẳng với Thái Lan, nhưng tất cả đã nhầm. Họ ở một đẳng cấp khác biệt.
Việt Nam chỉ có 15% cơ hội
Sau thất bại ở chiến dịch vòng loại World Cup 2018, Thái Lan quay trở lại AFF Suzuki Cup 2016 và vẻ như, chỉ có Cúp vàng AFF mới xoa dịu đi phần nào những mất mát, tổn thương của nền bóng đá số 1 Đông Nam Á.
Tạm gác Thái Lan qua một bên, cơ hội chia đều cho 4 ứng viên còn lại bao gồm Myanmar, Việt Nam, Malaysia và Philippines. 3 trong số này nằm ở bảng B, bảng đấu sẽ khởi tranh vào ngày 20/11 tới đây.
Như vậy, đội tuyển Việt Nam sẽ không có nhiều hơn 15% khả năng đăng quang ở AFF Suzuki Cup 2016. Và nếu tính thêm Indonesia, rồi Singapore, cơ hội của chúng ta chỉ là 10%.
Đấy là các phép tính phổ thông đơn giản mà một học sinh tiểu học cũng có thể nhẩm được. Sau các thất bại trước Philippines (vắt qua 2 kỳ AFF Cup, từ 2010 – 2012), rồi Malaysia (từ 2010 – 2014) và 17 năm chúng ta mới lại thắng được Indonesia…
Thắng Indonesia (tỷ số 3-2) trong một trận giao hữu, thậm chí thắng luôn Triều Tiên (5-2) ở trận đấu có ý nghĩa tương tự, chưa và không bao giờ là sự đảm bảo, để Việt Nam có thể xưng hùm xưng bá tại AFF Suzuki Cup 2016 lần này. Nhưng xét về sự chuẩn bị (khá chu đáo), cùng nguồn nội lực và một tham vọng nghiêm túc, chúng ta không phải không có cơ hội. Trận ra quân gặp chủ bảng Myanmar là mắt xích quan trọng.
Clip: Nỗi lo lớn nhất của tuyển Việt Nam bây giờ là vắng Tuấn Anh
Bóng đá Đông Nam Á, như đã nhắc ở trên, ngoài Thái Lan thì phần còn lại chưa có biểu hiện nâng cấp nào về mặt chiến thuật. Ví như Thái Lan nhiều năm qua thường xuyên chơi với 3 hậu vệ, một xu thế mới của bóng đá toàn cầu và điều đó cho phép một cầu thủ bám biên như Bunmathan có thể tiếp cận cầu môn đối phương và ghi bàn.
Sơ đồ 4 hậu vệ tưởng rất khoa học, nhưng thiếu cơ động, khá nặng nề khi triển khai tấn công. Chúng ta sẽ bàn sâu hơn các vấn đề về chuyên môn khi giải đấu khởi tranh và nên nhớ, con người là trung tâm, là yếu tố quyết định. Thái Lan có hung thần Teerasil Dangda, có “Messi” Songkrasin, có siêu sao cầm nhịp Sarach Yooyen..., chúng ta có Công Vinh, Công Phượng.
Bình luận