Trận giao hữu với CLB Avispa Fukuoka (Nhật Bản) là lần đầu tiên Công Phượng được đá chính và đá trọn vẹn 90 phút trong màu áo ĐT Việt Nam. Có nhiều cơ hội và Phượng chịu không ít sự chỉ trích vì chơi cá nhân và không hiệu quả, ở cả các tình huống vẫn được coi là sở trường.
Vấn đề được đặt ra, HLV Hữu Thắng có dám để Công Phượng chơi theo ý mình trong những trận đấu tại AFF Cup khi lên tiếng bảo vệ học trò?
Thương hiệu và 2 mặt của vấn đề
Công Phượng được biết đến là cầu thủ có lối chơi kỹ thuật với những pha đi bóng có khả năng tạo ra đột biến cao, gần như là “độc nhất vô nhị”. Cách chơi bóng của Phượng mang đậm chất cá nhân, đôi khi là ích kỷ. Tuy nhiên, cũng nhờ đó mà Phượng nổi lên thành ngôi sao bằng những siêu phẩm, những pha bóng không tưởng.
Điển hình nhất là bàn thắng Phượng solo qua 5 cầu thủ rồi ghi bàn vào lưới U.19 Australia tại VCK U.19 Đông Nam Á 2014 trên sân Mỹ Đình. Bàn thắng đã đóng đinh tên Công Phượng và tạo ra một cơn sốt cùng U.19 Việt Nam sau đó.
Dưới thời HLV Guillaume Graechen ở cấp độ CLB và U.19, Công Phượng được phép chơi như thế và thậm chí lối chơi ấy còn được ông thầy người Pháp khuyến khích. Bởi trong lối chơi chung mà thầy Giôm xây dựng cho lứa cầu thủ trưởng thành từ Học viện HA.GL Arsenal JMG có thiên hướng Tiqui-Taca, và việc những nhân tố như Công Phượng xuất hiện trong đội hình sẽ tạo ra sự đột biến.
Và quả thực, Phượng đã trở thành “hàng hiếm” và cũng là một “ngôi sao” dưới sự dẫn dắt của HLV Graechen. Và chính lối chơi vẫn được coi là cá nhân ấy đã trở thành một thương hiệu riêng của Công Phượng.
Khi Công Phượng lên tập trung U.23 Việt Nam cũng như ĐTQG dưới sự dẫn dắt của HLV Miura, việc chơi bóng mang tính bản năng ấy đã ngay lập tức bị triệt tiêu bởi triết lý bóng đá của ông thầy người Nhật lại yêu cầu sự đơn giản.
Thực tế, trong các buổi tập hay trong các trận đấu, HLV Miura yêu cầu không chỉ Phượng mà cả các đồng đội của anh ở HA.GL không được cầm bóng trong chân quá lâu, phải phối hợp với đồng đội sau chạm thứ 2.
Clip: Công Phượng bỏ lỡ cơ hội ngon ăn trận gặp Fukuoka
Đó cũng là thời kỳ mà số lượng quân Hoàng Anh ở Tuyển nhiều nhưng cái chất thực sự là vô cùng hạn chế. Bằng chứng là có thời điểm ông Miura gọi đến 9 cầu thủ HA.GL lên tập trung nhưng chỉ vài cầu thủ được trọng dụng, thường sẽ không quá 3 cầu thủ cùng ở trên sân trong một trận đấu và phải chơi theo khuôn khổ kỷ luật đội.
Còn riêng với cá nhân Công Phượng, ở U.23, Olympic hay ĐTQG thì chưa được liệt vào hàng những cầu thủ không thể thay thế. Ngược lại, nếu không thay đổi và chơi theo cách của mình, Phượng thậm chí sẽ chỉ làm bạn với ghế dự bị.
Thế nên dưới thời HLV Miura, dù Phượng vẫn ít nhiều được ra sân nhưng chưa bao giờ được đặt là nhân tố có khả năng gây đột biến bởi lối chơi sở trường của Phượng không được phép diễn.
Hữu Thắng không “đánh bạc”
Từ khi HLV Nguyễn Hữu Thắng lên tiếp quản chiếc ghế HLV trưởng ĐT Việt Nam, Công Phượng luôn là một trong những cầu thủ trẻ được ông ưu ái bên cạnh những Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn - những cầu thủ được HLV xứ Nghệ đánh giá rất cao từ khi ông vẫn chưa nắm ĐTQG. Mới đây, HLV Hữu Thắng cũng không ngần ngại nói rằng, ĐT Việt Nam tương lai sẽ đặt vào lứa cầu thủ này.
Thế nhưng, với riêng Công Phượng, HLV Hữu Thắng cũng không sử dụng anh một cách ưu tiên thái quá. Chủ yếu số lần ra sân của Phượng đều từ băng ghế dự bị. Chỉ đến khi Phượng có bàn thắng đầu tiên cho ĐT Việt Nam vào lưới Indonesia hôm 8/11, cầu thủ này mới có bước ngoặt và phần thưởng dành cho là một suất đá chính và thi đấu trọn vẹn trong trận đấu với CLB Avispa Fukuoka.
Đó là lần đầu tiên Phượng được HLV Hữu Thắng điền tên trong đội hình xuất phát, cũng là bài kiểm tra của với tiền đạo này. Thế nhưng chính trận đấu mà Phượng được trao cơ hội, anh lại nhận không ít lời chỉ trích vì lối chơi cá nhân và nhiều người cho đó là nguyên nhân khiến ĐT Việt Nam ném đi khá nhiều cơ hội để có bàn thắng.
Tuy nhiên, HLV Hữu Thắng không vì thế mà trách Phượng, ngược lại ông cho phép Phượng làm điều đó khi tuyên bố rằng: “Tôi hài lòng với màn trình diễn của Công Phượng. Nếu là tiền vệ hoặc hậu vệ mà chơi cá nhân, mất bóng có thể gây nguy hiểm nhưng tiền đạo có thể làm điều ấy. Đó là điều mà cậu ấy muốn khẳng định. Tôi không có điều gì không hài lòng”.
Có vẻ, Hữu Thắng và Graechen dường như có mẫu chung: chấp nhận để Phượng “biểu diễn” cả trận và chờ vào một khoảnh khắc rực sáng.
Clip: Bàn thắng đầu tiên cho tuyển Việt Nam của Công Phượng
Vấn đề được rút ra, việc một HLV muốn cầu thủ của mình chơi theo cách này hay cách khác đều hướng đến cái chung là thực hiện ý đồ chiến thuật đã vạch ra. Và điều quan trọng nhất là hiệu quả mà nó mang lại khi bước vào giải đấu chính thức.
Thế nên dù Phượng có ích kỷ một chút, cá nhân một chút mà vẫn được HLV chấp thuận thì rõ ràng đó là điều mà tất cả cần phải tôn trọng.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, sau trận đấu vừa qua, Hữu Thắng cũng cần phải rút ra những kinh nghiệm cho chính cách dụng binh của ông, cụ thể ở đây là cách sử dụng Công Phượng như thế nào để mang lại hiểu quả thiết thực nhất. Hy vọng, HLV xứ Nghệ đã có những con tính cho riêng mình, thay vì chỉ mang Công Phượng vào trong trận đánh như một ván bạc 50/50.
Bình luận