Để được cấp hạn mức tham gia chương trình này, SeABank đáp ứng được các tiêu chí do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đặt ra như: hoạt động hiệu quả và lành mạnh, quản trị rủi ro tốt, thông tin minh bạch, định hướng phát triển rõ ràng, đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược.
Việc nâng hạn mức tài trợ thương mại thể hiện sự tin tưởng và đánh giá cao của ADB đối với SeABank về uy tín, sự minh bạch, hoạt động lành mạnh cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn và luôn hướng tới sự phát triển bền vững. Điều này cũng giúp khẳng định và nâng cao sức mạnh của SeABank trong lĩnh vực thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại, giúp Ngân hàng tiếp cận và thiết lập quan hệ giao dịch với nhiều hơn các ngân hàng trên thế giới.
SeABank cam kết sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ và chuỗi cung ứng của họ, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển và tạo việc làm cho người lao động. Hạn mức tín dụng mới của ADB sẽ giúp SeABank phát triển các hoạt động tài trợ thương mại với quy mô ngày càng được mở rộng.
Trước đó tháng 11/2020 SeABank chính thức tham gia Chương trình Tài trợ thương mại (TFP) của ADB nhằm hỗ trợ hoạt động thương mại tại Việt Nam thông qua việc cung cấp các khoản vay và các công cụ tài chính khác với hạn mức lên đến 18 triệu USD bảo lãnh và 5 triệu USD vay tuần hoàn, giúp SeABank tiếp cận và thiết lập quan hệ giao dịch với nhiều ngân hàng trên thế giới, đồng thời nâng vị thế của SeABank trên thị trường quốc tế về tài trợ thương mại.
Tháng 6/2021, ADB quyết định nâng hạn mức bảo lãnh thực hiện các giao dịch thương mại với tổng giá trị giao dịch tại một thời điểm lên đến 30 triệu USD, đồng thời tiếp tục cấp hạn mức 5 triệu USD vay tuần hoàn kỳ hạn 6 tháng cho SeABank.
Sau khi được cấp hạn mức, SeABank hỗ trợ hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, đẩy mạnh giao dịch tài trợ thương mại, do đó ADB quyết định tiếp tục nâng gấp đôi hạn mức tài trợ thương mại cho SeABank lên 60 triệu USD và hạn mức vay tuần hoàn cũng được tăng lên 10 triệu USD.
Chương trình TFP kết hợp các kiến thức về sản phẩm với các giải pháp hỗ trợ tài chính, bao gồm nghiên cứu định lượng về lỗ hổng thị trường trong tài trợ thương mại, các sáng kiến để nâng cao vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực ngân hàng, các nỗ lực để tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường và các sáng kiến chống tội phạm thông qua minh bạch hóa hệ thống tài chính toàn cầu. TFP cũng tổ chức các hội thảo và tọa đàm nhằm nâng cao nhận thức và chuyên môn trong các lĩnh vực liên quan tới tài chính, thương mại, quản lý rủi ro và phòng chống gian lận.
Trước đó, SeABank nhận được các khoản đầu tư, tài trợ vốn lên tới gần 600 triệu USD từ Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC), Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC), và các quỹ đầu tư quốc tế nhằm gia tăng khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, hỗ trợ tín dụng xanh và chống biến đổi khí hậu.
Bình luận