Buổi trưa 30/7, đọc bài viết "Mày biết tao là ai không?' trên báo điện tử VTC News, click vào mục thăm dò ý kiến, tôi giật mình trước kết quả thăm dò. Trong số 1.177 người tham gia trả lời thăm dò, có 1.072 người trả lời 'đã từng' nghe câu 'Mày biết tao là ai không?'.
Tôi cũng đã từng nghe câu này không dưới chục lần. Lần đầu tiên tôi nghe câu này cách đây chừng hơn chục năm, khi đến thăm một cậu bạn đang học cao học tại Học viện an ninh.
Trong lúc chờ cậu bạn ở vỉa hè đối diện cổng trường, tôi đứng gần bà bán trà đá. Ngồi quán trà đá là mấy thanh niên nói oang oang, giọng đầy tự tin kể về công việc của mình.
Bỗng đâu xuất hiện 3 thanh tra giao thông từ trên xe bước xuống đi vào quán trà đá. Một anh thanh tra hỏi: "Cho tôi hỏi xe ai đậu dưới lòng đường đây?". "Xe tao đấy!" - một người trong toán đang ngồi uống trà đá cất giọng khiến tôi hết sức bất ngờ.
"Muốn gì?" - anh ta hất hàm hỏi viên thanh tra giao thông. "Xe anh đậu ở ngay sau biển cấm đỗ, anh không nhìn thấy sao? Mời anh ra chỗ chúng tôi giải quyết," viên thanh tra giao thông có vẻ quyết liệt.
"Tao đ** ra, mày định làm gì?" Nói rồi người đàn ông hùng hổ đứng dậy. Ba thanh tra tiến lại người đàn ông hùng hổ, một người nói: "Chúng tôi lập biên bản xử phạt". "Chúng mày biết tao là ai không?" Người đàn ông cất giọng trịch thượng.
"Anh nó là trưởng khoa trong trường an ninh đấy. Các cậu đi đi", bà bán trà đá lên tiếng và chỉ vào người đàn ông hùng hổ. Toán thanh tra giao thông không nói không rằng, nhanh chóng quay về xe phóng đi trước tiếng cười khả ố của toán người có "anh làm trưởng khoa trong trường an ninh".
Sau đó, tôi còn được nhiều lần nghe thêm câu này nữa.
Rồi gần đây nhất, báo chí rộ tin ông Vũ Anh Cường - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Đất Lành lộ nguyên hình "yêu râu xanh" trên khoang hạng thương gia của Vietnam Airlines.
Vũ Anh Cường sau khi sàm sỡ cô hành khách ngồi cạnh, bị tiếp viên và phi công yêu cầu xuống máy bay đã bật ra câu: "Mày biết tao là ai không? Mày tin tao gọi sếp to xử hết chúng mày không?".
Điều này cho thấy, xã hội đang đầy rẫy những kẻ cậy quyền thế, cậy quen biết để ức hiếp người khác bất chấp mọi nơi, mọi lúc.
Dù là quan chức, đại gia hay thậm chí chỉ là những kẻ bình thường nhưng vay mượn được chút hào quang nào đó cũng sẵn sàng đưa ra câu hỏi ấy để hù dọa người yếu thế hơn.
Dù là quan chức, đại gia hay thậm chí chỉ là những kẻ bình thường nhưng vay mượn được chút hào quang nào đó cũng sẵn sàng đưa ra câu hỏi ấy để hù dọa người yếu thế hơn.
Từ những chuyện nhỏ nhặt như hàng xóm cãi vã nhau đến những kẻ hành xử côn đồ, tàng trữ vũ khí, tấn công người thi hành công vụ,…dù ở bất kỳ đâu, cơ quan Nhà nước hay công ty, đâu đâu cũng có thể xuất hiện câu: “Mày biết tao là ai không?”
Đây chính là kết quả của thói quen “ăn bám” các quan hệ của mình để chèn ép, đe dọa người yếu thế. Những kẻ này tự cho mình cái quyền chà đạp, ức hiếp, vỗ ngực xưng danh, mượn danh người khác để thị uy, ra oai, ngông cuồng, độc đoán, không biết lắng nghe người khác.
Với câu nói đó, với thái độ ấy, những kẻ đó muốn chứng tỏ mình là “Kẻ mạnh”. Tất nhiên, "kẻ mạnh" đó sẽ chỉ là những tên đê hèn, vụ lợi cá nhân và hẹp hòi khi chà đạp người khác để thỏa mãn nhu cầu, thỏa mãn lòng ích kỷ cá nhân.
“Kẻ mạnh” thực sự sẽ chẳng bao giờ dùng câu hỏi: “Mày biết tao là ai không?”. Họ tử tế, khiêm nhường và luôn tìm cách giúp đỡ người xung quanh.
Phải làm thế nào để xã hội ngày càng có nhiều “kẻ mạnh” thực sự và câu hỏi vô nghĩa kia không còn xuất hiện là vấn đề nan giải, đáng cho tất cả chúng ta cần phải nên suy nghĩ, nghiền ngẫm nhiều hơn.
Bình luận