Môi trường nhà bếp vừa bẩn vừa bừa bộn
Các loại vật phẩm xếp chồng chất trong nhà bếp không được phân loại, rất dễ sản sinh ra bụi, cũng dễ trở thành nơi trú ngụ của chuột, các loại côn trùng gây bệnh. Hơn nữa, việc này còn khiến cho bạn gặp khó khăn mỗi khi tìm kiếm một thứ đồ dùng gì đó. Vì vậy, dùng tủ để phân loại các đồ đạc, vật dụng trong nhà bếp là điều rất quan trọng.
Ngoài ra, chúng ta cần vệ sinh nhà bếp thường xuyên, nhất là bề mặt bếp và các dụng cụ dùng để chế biến. Sau mỗi lần nấu ăn, bạn cần làm sạch các dụng cụ nấu nướng và lau dọn ngay.
Không thường xuyên vệ sinh bồn rửa
Hàng ngày mọi người sẽ rửa chén bát, rửa thực phẩm thô, rửa nồi chảo trong bồn rửa. Thời gian dài sẽ sản sinh cáu bẩn xung quanh bồn rửa, có khi bồn rửa còn bẩn hơn cả bồn cầu nhà vệ sinh. Nếu lại rửa thực phẩm trong bồn rửa tương đương với việc đem vi khuẩn vào thực phẩm.
Dùng khăn lau không sạch
Mặc dù khăn lau đơn giản được sử dụng để lau khô chén đĩa, nhưng khăn lau nhất định phải được giặt sạch và phơi khô sau khi sử dụng. Nếu không các món ăn rất dễ bị nhiễm vi khuẩn từ khăn lau dính trên bát đĩa, tốt nhất là nên mua máy sấy khô bát đĩa.
Dùng chung dụng cụ cho thực phẩm sống và chín
Thường dùng chung các dụng cụ nhà bếp như thớt, rổ rá, dao, kéo… cho cả đồ sống và chín rất nguy hiểm. Trong các loại thực phẩm sống luôn chứa nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng và chúng chỉ bị tiêu diệt khi được nấu chín. Việc dùng chung đồ sống và chín có thể khiến vi khuẩn bám vào thức ăn, cơ thể tiêu thụ sẽ bị lây nhiễm nhiều căn bệnh.
Dùng bếp gas không mở máy hút mùi
Tạp chí sức khỏe của Mỹ mới đăng nghiên cứu cho rằng sử dụng bếp gas mà không thông gió sẽ dẫn đến dư thừa lượng carbon monoxide, nitrogen dioxide và formaldehyde trong nhà. Đây là 3 chất độc phổ biến có trong khói thuốc lá. Các chuyên gia khuyên khi sử dụng bếp gas để nấu ăn nên mở máy hút khói, có thể giảm từ 60% đến 90% độc chất ô nhiễm.
Không vệ sinh thớt, dao trước khi dùng
Trước mỗi lần chế biến thức ăn, bạn nên rửa sạch dao, thớt vì những dụng cụ này có thể bám bụi bẩn, vi khuẩn, nấm mốc dù đã được rửa sạch và treo nơi khô ráo. Thói quen đơn giản này sẽ giúp ngăn chặn hàng tá vi khuẩn tấn công cơ thể.
Để thức ăn ra bên ngoài quá lâu
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, thức ăn đặt trong mức nhiệt nguy hiểm càng lâu thì càng có nguy cơ gây bệnh cho người dùng. Phương pháp tối ưu để bảo quản là chúng ta phải giữ nóng các thực phẩm nóng (từ 60 độ C trở lên) và giữ lạnh các thực phẩm lạnh (từ 4 độ C trở xuống). Nếu không có điều kiện bảo quản thích hợp thì thực phẩm chỉ an toàn để sử dụng trong vòng hai giờ kể từ lúc nấu.
Hộp đựng thực phẩm bằng nhựa
Để làm hộp nhựa dẻo, một số nhà sản xuất thêm các hóa chất đặc biệt, có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ. Do đó, đựng thực phẩm trong hộp nhựa là thói quen gây hại cho sức khỏe mà bạn nên từ bỏ sớm.
Quên rửa tay khi nấu nướng
Rửa tay là nguyên tắc cực kỳ quan trọng khi bắt tay vào nấu nướng. Việc không rửa tay sạch sẽ khi nấu ăn sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chúng ta. Bởi vì đôi tay tiếp xúc nhiều nhất với các thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm sống và các món ăn khi chúng ta nấu nướng. Nó khiến cho các nhân tố gây bệnh như vi khuẩn, bụi bẩn rơi vào thức ăn, cơ thể sẽ rất dễ mắc bệnh nếu ăn phải thực phẩm này.
Bình luận