• Zalo

9 tháng, Việt Nam xuất siêu gần 6 tỷ USD

Kinh tếChủ Nhật, 13/10/2019 16:05:00 +07:00 Google News

9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước tăng hai chiều.

Nội dung vừa được Bộ Công Thương nêu trong báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 9 tháng đầu năm.

Theo đó, xuất khẩu ước đạt 194,3 tỷ USD, tăng 8,2%, nhập khẩu ước đạt 188,42 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng thặng dư hơn 5,9 tỷ USD.

xuat_khau

 Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng thặng dư hơn 5,9 tỷ USD. (Ảnh: Moit)

Bộ Công Thương cho biết, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam khi tăng 16,4%, cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 8,2%) và tăng gấp hơn 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (đạt 5%).

9 tháng đầu năm, 31/45 mặt hàng có sự tăng trưởng so với cùng kỳ 2018. Trong đó, có 28 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 90,96% tổng kim ngạch xuất khẩu.

5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD đều thuộc về nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo.

Điện thoại tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch đạt cao nhất với 38,6 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 16,4% trong 9 tháng đầu 2018 và 23,3% trong 9 tháng đầu 2017.

Xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng chậm lại là một trong những nguyên nhân chính khiến tăng trưởng xuất khẩu chung thấp hơn những năm trước dù các mặt hàng chủ lực khác duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao như kim ngạch xuất khẩu máy vi tính tăng 16,9%, dệt may tăng 10,4%, giày dép tăng 13,5% và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 7,5%.

Kim ngạch xuất khẩu của 5 mặt hàng này trong 9 tháng đầu 2019 đóng góp 10,37 tỷ USD, chiếm 70,34% trong tổng số 14,75 tỷ USD tăng thêm của tổng kim ngạch xuất khẩu chung so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng đầu 2019, xuất khẩu sang các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam đa số đều đạt mức tăng trưởng tốt. Cụ thể, xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 10%, sang Hàn Quốc tăng 8,1%, sang ASEAN tăng 4,7%, sang Nga tăng 13,9%, sang Niudilan tăng 12,5% so với cùng kỳ...

Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Cũng theo Bộ Công Thương, hầu hết các nhóm mặt hàng nhập khẩu chính đều tăng mạnh. Trong đó, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất và đồng thời đây cũng là một trong những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất, đạt 38,65 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ 2018.

Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng cũng tăng mạnh 13,1%, vải các loại tăng 3,2%, sản phẩm từ chất dẻo tăng 10,7%...

Đáng chú ý, ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập khẩu tăng mạnh tới 3,86 lần về lượng và 3,5 lần về trị giá so với cùng kỳ 2018, đạt 73.063 chiếc với trị giá 1,39 tỷ USD.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất Việt Nam với kim ngạch đạt 55,5 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 35,4 tỷ USD, tăng 1%; ASEAN đạt 24,1 tỷ USD, tăng 3,8%; Nhật Bản đạt 14,1 tỷ USD, tăng 1,8%; EU đạt 11 tỷ USD, tăng 10,3%; Hoa Kỳ đạt 10,7 tỷ USD, tăng 12,6%.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn