Cơ quan Hải quan Trung Quốc ngày 12/7, thông báo kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 6 giảm 1,3%, trong khi kim ngạch nhập khẩu cũng giảm tới 7,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Ông Julian Evans-Pritchard, một chuyên gia kinh tế cao cấp của Trung Quốc tại Capital Economics, nhận định xuất khẩu trong tháng 6 có sự sụt giảm do mức thuế mới mà Mỹ áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc trong tháng 5 làm giảm nhu cầu toàn cầu. Nhập khẩu cũng bị suy yếu sau khi nhu cầu thị trường nội địa của nước này có sự biến động.
Cũng theo số liệu thống kê trên, tổng thặng dư thương mại của Trung Quốc trong tháng 6 tăng lên thành 50,98 tỷ USD, cao hơn so với mức 41,66 tỷ USD của tháng trước. Trong đó, riêng thặng dư thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã tăng 11% lên 29,92 tỷ USD, so với mức 26,9 tỷ USD trong tháng trước.
Trong nửa đầu năm 2019, thặng dư thương mại của Trung Quốc so với Mỹ tăng 5% lên 140,48 tỷ USD, so với mức 133,76 tỷ USD của cùng kỳ năm 2018.
Tháng 6 vừa qua là tháng đầu tiên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc phải chịu mức thuế mới 25% (trước đó là 10%) của Mỹ. “Động thái của Mỹ, tất nhiên, mang lại một số áp lực nhất định đối với thương mại của Trung Quốc, nhưng tác động của nó nhìn chung vẫn có thể kiểm soát được” - đại diện phía Hải quan Trung Quốc cho biết.
Một loạt dữ liệu công bố mới đây từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS) Trung Quốc cũng cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc bị tác động nặng nề do cuộc chiến thương mại dai dẳng với Mỹ.
Theo số liệu NBS công bố hồi tháng 6, tăng trưởng sản xuất công nghiệp - thước đo sản lượng của các ngành công nghiệp trong nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm sản xuất, khai thác và tiện ích - là 5% trong tháng 5 so với 5,4% vào tháng 4 và thấp hơn mức dự báo của các nhà kinh tế trước đó là 5,5%.
Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 2/2002, khi đó tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt 2,7%.
Trong sản xuất công nghiệp, sản lượng sản xuất tháng 5 tăng 5,0% so với cùng kỳ năm 2018, so với tháng 4 là 5,3%. Đây là giai đoạn Mỹ tăng hơn gấp đôi thuế quan đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, từ 10% đến 25%, cho thấy thiệt hại chiến tranh thương mại đang diễn ra với nền kinh tế Trung Quốc.
Giới chuyên gia cho rằng Bắc Kinh có thể phải chuẩn bị cho tình hình tăng trưởng ảm đảm hơn nữa tiếp tục kéo dài khi căng thẳng thương mại chưa có dấu hiệu kết thúc và các nhà phân tích không mấy hy vọng Mỹ - Trung có thể đạt được thỏa thuận trong thời gian ngắn.
Trước thực trạng này, một số nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay và năm sau.
"Các dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc trong hai tháng qua đã không đáp ứng được kỳ vọng của chúng tôi. Do đó, chúng tôi điều chỉnh dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019 xuống 6,2% (giảm 0,2 điểm phần trăm) và 6,0% cho năm 2020 (giảm 0,1 điểm phần trăm), một nhà phân tích của Ngân hàng ANZ cho biết.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Nhật Bản vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng nhất trí sẽ nối lại tiến trình đàm phán thương mại, đồng thời tạm ngừng áp thuế bổ sung lẫn nhau. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hai nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới vẫn bế tắc trong việc tìm ra lối thoát cho các tranh chấp thương mại đang gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu do bị gián đoạn chuỗi cung ứng.
Bình luận