Thông tin này được Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM (QL ATTP) cho biết vào tối 28/12, tại lễ phát động “Chung tay đảm bảo ATTP thức ăn đường phố” ở khu thức ăn đường phố thuộc chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TP.HCM).
Cụ thể trong 9 tháng đầu năm, các quận - huyện, phường - xã kiểm tra 15.193 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Số cơ sở vi phạm là 6.245 cơ sở, trong đó:
- Nhắc nhở khắc phục các tồn tại: 5.838 cơ sở, chiếm 93,5%;
- Xử lý vi phạm: 407 cơ sở, chiếm 6,5%.
+ 281 cơ sở bị cảnh cáo, chiếm 69%;
+ 126 cơ sở bị xử phạt, chiếm 31%, với số tiền bị xử phạt là 114.300.000 đồng.
Theo thống kê, trên địa bàn TP.HCM, hiện có khoảng 20.013 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố với trên 24.522 người tham gia kinh doanh thức ăn đường phố.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban QL ATTP TP cho biết, thức ăn đường phố là một nét đặc trưng trong văn hoá của người dân thành phố, là một trong những điểm thu hút khách du lịch đến với TP.HCM. Do đó việc đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan chức năng, của các ngành, các cấp.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, các cơ quan chức năng tại TP.HCM cũng tổ chức cung cấp kiến thức ATTP, tập huấn cho gần 15.000 người kinh doanh thức ăn đường phố.
Tại Khu phố ẩm thực trước cổng chợ Phạm Văn Hai có khoảng 20 cơ sở kinh doanh thực phẩm, với số người tham gia kinh doanh là 50 người. Mặt hàng kinh doanh tại đây là bánh xèo, ốc, bún, bánh mì, chè, nước giải khát...
Bà Phong Lan nhắc nhở các chủ cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố phải mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo ATTP trong chế biến, đảm bảo thức ăn ngon, an toàn.
Trong đó việc mang găng tay trong chế biến thực phẩm rất quan trọng. Nếu không mang găng tay sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng.
Sắp tới, thành phố dự kiến sẽ tiếp tục xây dựng 20 khu thức ăn đường phố.
Bình luận